Biển Ngạch là tấm bảng hay bức hoành phi treo trước nhà hoặc trong phòng lớn thời xưa. Đây là sản vật văn hóa đặc sắc có mặt tại nhiều quốc gia phương Đông, đem nghệ thuật thư pháp, triện khắc và kiến trúc hòa hợp thành một thể, được xem là “Linh hồn của kiến trúc cổ”. Nó thể hiện ra giá trị quan và thẩm mỹ quan của nền văn hóa cổ đại.

Biển Ngạch xuất hiện từ thời nhà Tấn, ban đầu thường được dùng theo chiều thẳng đứng, về sau thì được dùng theo chiều ngang. Sự chuyển biến này là căn cứ vào đặc thù kết cấu “Đấu củng” của kiến trúc cổ đại.

Đấu củng là một yếu tố cấu trúc độc đáo được cấu tạo từ một bộ các khối gỗ (đấu) và các tay xà ngắn (củng) được cắt gọt sao cho khi chồng lên chúng sẽ đan cài vào nhau để tạo thành một khối thống nhất. Đấu củng được đặt dưới mái hiên, vừa nâng đỡ mái hiên, vừa cao to hùng vĩ. Trước thời nhà Đường, nhà Tống, đấu củng có kết cấu to nhưng từ thời Minh Thanh về sau, đấu củng thu nhỏ dần nên Biển Ngạch cũng chuyển dần từ chiều đứng sang chiều ngang. Cho nên tấm biển này có tên gọi theo chiều ngang là Biển, chiều dọc là Ngạch.

Biển Ngạch thông thường là một tấm bảng lớn được treo trên cửa, cổng chính hoặc phía dưới của mái hiên. Thời cổ đại, có thể nói rằng tòa thành quan ải, cung điện vương phủ, lâm viên danh thắng, đàn quán chùa miểu, danh môn dinh thự cho đến cửa hàng, hiệu buôn… đều có treo Biển Ngạch. Nó có thể phản ánh tên gọi và bản chất của công trình kiến trúc, đồng thời biểu đạt ra nghĩa lý và tình cảm của con người. 

Biển ngạch: Nét văn hóa độc đáo trong kiến trúc cổ đại
Đại Cung Môn, cửa chính vào Tử Cấm Thành bên trong Hoàng thành nhà Nguyễn ở Huế. (Ảnh: Manhhai, Flickr, CC BY 2.0)
Biển ngạch: Nét văn hóa độc đáo trong kiến trúc cổ đại
Biển Ngạch phía trên Đại Cung Môn. (Ảnh: Manhhai, Flickr, CC BY 2.0)

Biển Ngạch chứa đựng trí tuệ cuộc sống của người xưa. Nó được dùng để phân chia tôn ti, biểu dương những việc làm tốt đẹp lương thiện… Biển Ngạch treo ở cổng chính thì đoan trang văn nhã, treo ở phòng lớn thì thể hiện lòng hiếu khách, treo ở những danh lam thắng cảnh thì mang vẻ cổ kính. Nói chung, thưởng thức Biển Ngạch không chỉ khiến người đọc cảm nhận được những đề từ cô đọng, sinh động mà còn cảm nhận được nét thư pháp đẹp đẽ, tao nhã, có giá trị văn hóa cao.

Trong lịch sử, những Biển Ngạch được treo ở Tử Cấm Thành là có danh tiếng nhất. Ví như trong cung Càn Thanh có treo Biển Ngạch “Chính đại quang minh” là ngự bút của Hoàng đế Thuận Trị. Trong Giao Thái Điện có treo tấm biển đề chữ “Vô vi” là ngự bút của Hoàng đế Khang Hy. Trong Dưỡng Tâm Điện treo cao tấm biển đề chữ “Trung chính nhân hòa” là ngự bút của Hoàng đế Ung Chính. Trong Điện Thái Hòa treo ngự bút của Hoàng đế Càn Long với bốn chữ “Kiến cực tuy du”. Biển Ngạch không chỉ được dùng để nhận dạng tên của vật kiến trúc mà còn có công năng chỉ đường, càng có tác dụng làm cho kiến trúc trở nên đẹp hơn, sinh động và nghệ thuật hơn.

Thuận theo tính chất mà nói, Biển Ngạch thông thường được chia làm năm loại:

Một loại là tên của các lâu, đường, điện như “Đằng Vương Các”, “Trường Sinh Điện”, “Đông Sơn Đường”

Loại thứ hai dùng để tưởng niệm tuyên dương, như “Đào Lý mãn viên”, “Ái dân như tử”… Loại này được sử dụng nhiều trong các gia đình. Bởi vì các gia đình cổ đại thường sử dụng các quy phạm luân lý đạo đức truyền thống làm tên phòng của họ, khuyến khích các thế hệ tương lai. Bức “Thế đức lưu phương” hay “Trung hiếu chi gia” đều ca ngợi phẩm hạnh đạo đức của tổ tiên gia tộc, hy vọng con cháu các đời sau có thể kế thừa những phẩm đức tốt đẹp ấy, làm cho danh tiếng của gia tộc được bảo tồn mãi đến nhiều đời sau. “Cách ngôn đường” của gia tộc họ Chu, “Ngũ tri đường” của gia tộc họ Nhâm, “Bách nhẫn đường” của gia tộc họ Lưu đều thể hiện quan niệm đạo đức luân lý truyền thống. Những bức Biển ngạch như thế này có tác dụng rất lớn đến việc giáo dục và dẫn dắt thế hệ sau. 

Loại thứ ba có đề từ mừng khai trương, như “Đại triển hoành đồ”, “Sinh ý hưng long”, đều là dùng những từ ngữ mang ý nghĩa cát tường như ý, làm ăn thuận lợi thịnh vượng để thể hiện nguyện vọng.

Loại thứ tư là tên cửa hiệu của các thương gia, như “Vinh Bảo Trai”, “Đồng Nhân Đường”… Những Biển Ngạch tên này thông thường đều có một câu chuyện, giai thoại rất thú vị về ý nghĩa của tên hoặc người chủ sở hữu.

Một thể loại khác nữa là những đề từ trữ tình được viết bởi các văn nhân, thi nhân ở các danh lam thắng cảnh như “Sơn thanh thủy tú”, “Xuân hòa cảnh minh”… Hay những chữ lưu niệm của họ, từ ngữ vừa thỏa đáng phù hợp lại vừa có ý vị thâm trường. Như trong thư phòng của Lâm Tắc Từ có treo tấm biển đề chữ “Chế nộ” để cảnh giới bản thân thận trọng khi đối đãi với sự tình và người khác. Hai tấm biển đề chữ “Chịu thiệt là phúc”“Nan đắc hồ đồ” của Trịnh Bản Kiều cũng có ngụ ý rất sâu sắc. (Xem thêm: “Nan đắc hồ đồ”: Cái “hồ đồ” của một con người đại nghĩa)

Về chất liệu, Biển Ngạch có thể được làm từ đá hoặc từ gỗ. Nó có thể được trạm khắc đơn giản, cũng có thể được trạm khắc hết sức tinh mỹ, được trang trí bằng các hoa văn như long phượng, hoa cỏ, các hình vẽ cát tường, được khảm ngọc trai. Điều này tùy thuộc vào loại Biển Ngạch đặt ở đâu, và địa vị cũng như danh thế của gia đình, gia tộc.

Những Biển Ngạch do các danh nhân và văn nhân viết ra đều có giá trị nghệ thuật cực cao. Không chỉ nội dung của câu viết có ý nghĩa cô đọng, sâu sắc mà còn đẹp ở nét chữ. Những Biển Ngạch này cũng trở thành các tác phẩm thư pháp hiếm có, trở thành mẫu chữ để người học thư pháp học theo.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: