Tôi đã đọc xong cuốn hồi ký của bà Hoàng Thị Thế, con gái cụ Đề Thám (Omega + và NXB KHXH, 2017). Phần lớn thời gian tôi đọc trên xe buýt. Một chặng xe buýt khởi đầu từ một cái bến cạnh một cái ao đã trở thành bể phốt bốc mùi kinh khiếp. Lúc chờ xe, tôi vừa lấy tay che mũi vừa đọc. Có lúc mải đọc quá giật mình theo phản xạ tôi sờ tay ra túi quần để yên tâm rằng ví và điện thoại của mình vẫn còn yên đấy.

Tập hồi kí khá mỏng cho dù nhà làm sách và người hiệu đính đã đưa thêm vào lời tựa, lời bạt và nhiều tư liệu khác.

Người đọc sẽ cảm thấy tiếc nuối khi so sánh dung lượng của nó với tầm vóc của cụ Đề Thám, của cuộc khởi nghĩa Yên Thế kéo dài suốt ba mươi năm. Bản thân tôi đọc cũng thấy tiếc.

Nhưng mỏng thế thôi cũng đủ thấy một Đề Thám của đời thường: yêu thương con, nghiêm khắc với con, đa mưu túc trí và tình cảm với binh lính.

Ấn tượng nhất có lẽ là câu chuyện bà Thế kể lại việc Đề Thám đấu trí với bọn quan Pháp trên bàn tiệc. Một trường cảnh hệt như những cảnh được mô tả trong các tiểu thuyết dã sử của Trung Quốc.

“Lần ấy có hai viên quan để móng tay rất dài đến chơi, đi theo có hai người Pháp, đều là võ quan thì phải. Cha tôi sai làm một bữa rất thịnh soạn, có rượu vang booc-đô và sâm-banh. Trong khi vui vẻ ăn uống, thừa lúc mọi người không để ý, một ông quan đã nhúng móng ngón tay út vào cốc rượu của cha tôi. Tức thì lúc ấy, một người lính liền đem một thanh gươm sáng loáng đặt ra trước mặt cha tôi và đưa mắt nhìn về phía viên quan kia. Cha tôi cứ mặc thanh gươm trên bàn, điềm tĩnh và thư thái, đứng dậy bưng cốc rượu mời viên quan ấy: “Một vinh dự như thế này thì không thể khước từ”. Mọi người đều nhìn nhau, các viên quan Nam triều và hai võ quan Pháp mặt tái đi. Còn viên quan vừa được mời, hết nhìn cốc sâm-banh lại nhìn thanh gươm, ông ta uống hết nửa cốc.

– Theo phép lịch sự, ngài nên uống hết – Một ông bạn của của cha tôi ngồi bên cạnh nói. Lần này, chỉ vừa nhấp môi vào viên quan đã ngã lăn ra đất.

Cuộc vui vẫn cứ vui – Cha tôi cười lớn rồi lại tự tay rót sâm-banh, vui vẻ vô cùng. Khi đám khách đã say mềm, người ta liền lột trần bọn vô lại ấy, lấy gậy tre đánh đuổi. Bọn chúng cứ tông hông như vậy mà chạy về Nhã Nam” (tr.76).

Chỉ bấy nhiêu thôi đủ thấy, Đề Thám quả thật là anh hùng!

Chuyện hay thế mà người Việt làm phim lịch sử không hay. Thực là vô dụng và xấu hổ.

Hồi kí cũng kể chuyện Cả Trọng hi sinh thật bi tráng và cảm động. Con chó của Cả Trọng đã nằm trên mộ chủ nhịn ăn suốt ba ngày rồi chết. Người ta chôn nó theo chủ để rồi “Sau đó, Pháp đánh hơi thấy, quật mộ lên thì thấy xương cốt người nằm dưới xương cốt chó” (tr.134).

Thật thú vị khi thấy trong sách những dòng miêu tả cảnh Đề Thám và vợ ba ngâm thơ, đọc sách. Nhiều người cứ nghĩ cụ Đề chỉ là nông dân hoặc một anh “giặc cướp võ biền”.

Sách cũng giúp ta hiểu thêm về vai trò của người Tàu, của các địa phương giáp ranh Yên Thế và mối liên hệ của nghĩa quân với những người làm cách mạng chống Pháp ở khắp nơi.

Với riêng tôi, không hiểu sao, khi đọc đến những địa danh gần với cố hương như Kim Tràng, Quế Nham, Cao Thượng… lại chảy nước mắt.

Ngày xưa hồi nhỏ đọc sách gặp những chỗ xúc động cũng rơi nước mắt. Nhưng nước mắt giờ đây đắng chát hơn nhiều.

Gấp sách lại rồi mà nước mắt chưa se. Chợt lẩn thẩn nghĩ có lẽ những người dũng cảm nhất, trọng danh dự nhất, có trí tuệ nhất và đáng sống nhất đều đã chết rồi.

Nếu không có binh đao và những sự bể dâu phải chăng những người trên sẽ được sống một cuộc đời bình dị và hạnh phúc.

Những tấm ảnh chụp cháu chắt của Đề Thám mang trong mình hai dòng máu Việt-Pháp đứng cúi đầu trước bàn thờ ông gần như là một biểu tượng.

Đọc sách lại nhớ cố hương, trong những ý nghĩ ngổn ngang…

Nguyễn Quốc Vương
Hà Nội, 6/10/2017

Bóng quê hương qua “Kỉ niệm thời thơ ấu” của bà Hoàng Thị Thế
(Ảnh: Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương)

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm:

Mời xem video: