Xưa nay, người làm kinh doanh buôn bán có rất nhiều nhưng làm thương nhân mà thành danh thì không nhiều, một bang hội của các thương gia danh tiếng thì lại càng hiếm có hơn. Thương nhân Sơn Tây tại Trung Hoa được xưng là Tấn thương, một trong “tam đại thương bang”, không chỉ rất thành công, hơn nữa còn nổi danh thiên hạ, lưu danh nhiều đời.

Cách thương nhân xưa kinh doanh để vừa thành công vừa thành danh
(Tranh minh họa: Wikipedia, Public Domain)

Thời xưa, ở Thành cổ Bình Dao, Sơn Tây có một cửa hiệu đổi tiền tên là Nhật Thăng Xương. Đây được xem là tổ chức tài chính sớm nhất của Trung Quốc. Trong quá trình hoạt động kinh doanh kéo dài suốt hàng thế kỷ, nơi đây đã truyền đi rất nhiều câu chuyện về sự kiên trì thực hành nguyên tắc thành tín, không dối trá lừa gạt trong kinh doanh. Có rất nhiều câu chuyện nổi tiếng lưu truyền về các thương gia ở đây, nổi tiếng nhất là về việc đổi bạc thành tín.

Vào những năm cuối triều đại nhà Thanh, một ngày, một người đàn bà góa ăn mặc quần áo hành khất đến cửa hiệu Nhật Thăng Xương, trên tay cầm một tấm hối phiếu đã ố vàng và yêu cầu được đổi tiền. Nhân viên quầy sau khi xem xét thì nhận ra đó là hối phiếu do Nhật Thăng Xương chi nhánh Trương Gia Khẩu phát hành hơn 30 năm trước, số tiền là 1.200 lượng bạc trắng. Sau nhiều lần xác minh, nhân viên quầy cho rằng tờ hối phiếu là thật, nhưng vì đã quá thời hạn lâu nên anh ta không thể quyết định được và phải nhờ người chủ hướng dẫn.

Chủ tiệm là đại trưởng quỹ, thỉnh mời bà lão nói rõ lai lịch của tấm hối phiếu. Nguyên chồng của bà lão đã đến Trương Gia Khẩu kinh doanh hàng da nhưng trên đường trở về nhà thì bị bạo bệnh mà chết. Vì để an táng cho chồng, bà lão đã tiêu hết tiền tiết kiệm của gia đình, lại mang hết mọi thứ trong gia đình đi cầm đồ. Bà lão sau đó chỉ có thể dựa vào ăn xin để sống qua ngày. Sau, bà giở quần áo mà chồng mình mặc trước khi mất ra xem thì vô tình sờ thấy có vật gì đó ở góc áo. Mở ra thì phát hiện đó là một tờ hối phiếu. Suy đoán đó là chồng mình trước khi rời khỏi Trương Gia Khẩu, vì để dễ mang theo, đã đổi số bạc kiếm được thành hối phiếu và khâu tấm hối phiếu này vào trong áo của mình.

Đại trưởng quỹ nghe được nguyên nhân của sự tình liền vội vàng yêu cầu nhân viên mang những cuốn sổ kế toán cũ từ hơn ba mươi năm trước ra thì quả nhiên tra được bản ghi chép. Ông ngay lập tức đổi trả số tiền cho bà lão. Sau khi tin tức về sự việc lan truyền ra ngoài, danh tiếng của Nhật Thăng Xương đã tăng lên nhanh chóng và lượng khách hàng của họ cũng tăng lên nhiều lần.

Có rất nhiều những bút ký hoặc những câu ngạn ngữ của thương nhân thể hiện việc họ đã kiên trì thực hành nguyên tắc thành tín trong kinh doanh như thế nào. Trong “Quảng Chí Dịch”, doanh nhân Vương Sĩ Tính ghi lại rằng: Lúc ấy, các doanh nhân Sơn Tây đã chọn dùng phương thức kinh doanh “Hòa đông chế”, chính là một người bỏ vốn, liên hợp với các đối tác khác cùng nhau kinh doanh, không lập thệ ước, nhưng cũng không ai tư lợi riêng mình. Đến thời nhà Thanh, các thương nhân Sơn Tây thực hành theo hình thức đầu tư cổ phần, các cổ đông đều nghiêm khắc tuân thủ đạo đức thương nghiệp thành tín, lấy thành tín làm khuôn vàng thước ngọc.

Các thương nhân Sơn Tây thường đúc kết một số kinh nghiệm thành công thành những câu tục ngữ hoặc câu đối trong kinh doanh để giáo dục thế hệ tương lai của mình, chẳng hạn như:Bán hàng không có bí quyết, uy tín đặt lên hàng đầu”, “Cân phải thăng bằng, đấu phải đầy, thước phải mãn” , “Thà bị lỗ cũng không để khách bị thiệt”, “Mua bán có thể không thành nhưng nhân nghĩa giữa đôi bên vẫn còn”,  “Buôn bán không có khách cũ quay lại thì cả chủ và người làm đều đói”...

Một số câu đối như: “Thành chiêu thiên hạ khách, nghĩa nạp bát phương tài” (Thành thật sẽ chiêu mời khách khắp thiên hạ, tín nghĩa thu nhận tiền tài từ tám phương), “Nhân trung thủ lợi chân quân tử, nghĩa nội cầu tài đại trượng phu” (Người quân tử chân chính cầu lợi từ lòng nhân, bậc trượng phu cầu tài từ chính nghĩa)…

Bởi vậy có thể thấy, bí quyết để các thương nhân Sơn Tây trở nên nổi tiếng nhiều đời là kiên trì kinh doanh một cách thành thật và giữ chữ tín.

Lương Khải Siêu từng nói: “Các thương nhân Sơn Tây trung thành tuân thủ tín dụng”, đây chính là bí mật thực sự tại sao các thương nhân Sơn Tây có thể ở trên đỉnh của hoạt động kinh doanh trong suốt nhiều thế kỷ kể từ triều đại nhà Minh, nhà Thanh.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: