Thành ngữ cổ có câu “đại nghĩa diệt thân”, vì nghĩa lớn mà giết những người thân đã phạm tội không thể dung thứ. Sau này, “đại nghĩa diệt thân” mở rộng nghĩa, nói về việc vì bảo vệ chính nghĩa, duy trì công lý mà không thiên vị đối với những người thân đã phạm tội, dù là bất kể ai đã phạm tội thì đều phải chịu sự trừng phạt thích đáng như nhau. Câu thành ngữ cổ này có xuất xứ từ “Tả truyện. Ẩn công tứ niên”, từ một câu chuyện xảy ra vào thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc.

Câu chuyện thành ngữ: Đại nghĩa diệt thân
(Tranh minh họa: Chí Thanh, Vision Times tiếng Trung)

Vào thời Xuân Thu, Đại phu Thạch Thác là một vị quan đại thần đức cao vọng trọng của nước Vệ. Ông có người con tên là Thạch Hậu. Thạch Hậu quan hệ thân mật với công tử Châu Hu. Thạch Thác cảm thấy như thế là không hay, nên đã nhiều lần khuyên răn cấm đoán Thạch Hậu nhưng không được.

Sau khi Vệ Trang Công mất, Vệ Hoàn Công lên ngôi. Lúc bấy giờ, Thạch Thác đã về quê nhà dưỡng lão, không nghĩ đến việc chính sự nữa. Trải qua mười mấy năm, công tử Châu Hu và Thạch Hậu hợp mưu hại chết Vệ Hoàn Công đoạt lấy vương vị, Thạch Hậu được phong làm Đại phu. Đối với sự kiện này, văn võ đại thần cùng bách tính đều bất mãn.

Châu Hu và Thạch Hậu bèn bàn nhau, sai Thạch Hậu đi mời cha về triều vì ông là người có uy vọng. Thạch Thác lấy cớ có bệnh không chịu vào triều.

Thạch Hậu khổ sở van nài cha, Thạch Thác bèn nói với con trai rằng: “Chư hầu kế vị thì cần phải được Thiên tử nhà Chu phê chuẩn”.

Thạch Hậu lo sợ Chu thiên tử sẽ không phê chuẩn. Thạch Thác liền nói rằng: “Trần Hoàn Công được mến sủng, hơn nữa nước Trần với nước Vệ cũng có quan hệ rất tốt. Ta với Trần Hoàn Công có giao tình, con có thể đến nước Trần, xin Trần Hoàn Công giúp đỡ”.

Thạch Hậu trở về cung, đem kế sách này nói lại với Châu Hu. Châu Hu cho rằng đó là kế sách hay nên đã sắm lễ vật đi đến nước Trần, muốn thông qua Trần Hoàn Công để gặp được Thiên tử nhà Chu.

Nhưng hai người họ không biết được rằng ngay sau khi Thạch Hậu ra về, Thạch Thác đã viết thư: “Nước Vệ nhỏ bé, tuổi hạ thần cũng đã già rồi, không còn dùng được nữa. Hai người Châu Hu và Thạch Hậu là tội nhân sát hại vua chư hầu, xin giúp hạ thần diệt trừ chúng!”

Vì thế, khi Châu Hu và Thạch Hậu vừa bước chân đến nước Trần thì liền bị bắt giữ. Nước Vệ cử quan hành pháp đến nước Trần để xử lý. Lúc ấy, quan nước Vệ cho rằng Thạch Hậu là con trai của Thạch Thác, giết chết là không thoả đáng, nên đưa về nước Vệ xét. Trần Hoàn Công bèn phái người nói với Thạch Thác. Thạch Thác nhận được tin đã kiên quyết không đồng ý. Ông nói rằng: “Rất nhiều việc ác mà Châu Hu làm, đều là Thạch Hậu dự mưu. Ta thương con cũng không thể vì tình riêng mà quên đại nghĩa”. Nói xong, Thạch Thác liền phái gia thần đến nước Trần chấp pháp.

Châu Hu bị chém đầu trước. Thạch Hậu một lần nữa xin gia thần nói với cha miễn cho mình tội chết. Nhưng gia thần đáp rằng chỉ là phụng mệnh chấp pháp mà thôi. Nói xong, liền chém đầu Thạch Hậu.

“Tả truyện” ca ngợi tinh thần đại công vô tư của Thạch Thác là “đại nghĩa diệt thân”, cho dù là con trai nhưng phạm tội giết hại quân vương cũng phải bị xử tử.

Cũng từ đó về sau, người ta đã phát triển “đại nghĩa diệt thân” thành câu thành ngữ, dùng để ví với việc vì bảo vệ chính nghĩa, không để ý tới tình cảm riêng tư, dù là người thân mà phạm tội cũng phải chấp nhận sự trừng phạt của công lý pháp luật. Trong lịch sử, những người “đại nghĩa diệt thân”, ngoài Thạch Thác ra thì còn có khá nhiều trường hợp tương tự, đều là để đề cao chính nghĩa, luật pháp.

Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Trịnh Giới Văn
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: