“Mở cửa rước trộm” (Khai môn ấp đạo) có ý nghĩa tương đồng với những câu nói như “Cõng rắn cắn gà nhà” hay “Rước voi về giày mả tổ”, đều chỉ việc đưa rước kẻ độc ác, kẻ xấu nguy hiểm về mà cuối cùng nhận lấy tai họa. “Mở cửa rước trộm” là lời cảnh tỉnh mọi người cần phải chú ý và thận trọng trong tất cả các mối quan hệ của mình, bởi vì bất kể là trong cuộc sống hàng ngày hay trong sự nghiệp, nếu thiếu cái nhìn đúng đắn mà tiến cử người không có đức hạnh thì cuối cùng sẽ đưa đến tai họa cho bản thân và xã hội.

Câu chuyện thành ngữ: Mở cửa rước trộm
(Tranh minh họa qua Aboluowang.com)

Liên quan đến câu thành ngữ này có câu chuyện được ghi chép trong cuốn “Tam Quốc Chí. Ngô thư. Tôn Quyền truyện”. Theo đó, vào cuối thời Đông Hán, vùng Giang Đông nằm dưới sự cai quản của Tôn Sách. Thái thú Ngô quận là Hứa Cống vốn trung thành với nhà Hán, nên đã ngầm sai người đưa tin cho Hán Hiến Đế, nói rằng, phải điều Tôn Sách đi nơi khác để tránh tai hoạ sau này. Sự việc này bị Tôn Sách biết được, nên ông liền giết chết Hứa Cống.

Vì sự tình đó, ba vị môn khách của Hứa Cống đã quyết tâm báo thù cho Hứa Cống. Một ngày nọ, họ nghe nói Tôn Sách đang đi săn bắn ở khu vực Đan Đồ, liền theo đến. Ngựa của Tôn Sách chạy rất nhanh, chẳng mấy chốc đã bỏ lại đoàn tuỳ tùng ở sau lưng. Lúc bấy giờ ba vị môn khách tận dụng thời cơ, đột nhiên tập kích. Tôn Sách trở tay không kịp nên đã bị một mũi tên bắn trúng vào mặt chảy rất nhiều máu. Sau khi đoàn tuỳ tùng đuổi đến nơi đã bao vây và giết chết ba môn khách kia.

Sau khi Tôn Sách về đến phủ thì vết thương phát tác trở nên nặng. Trước khi mất, Tôn Sách đã cho gọi quan trưởng sử là Trương Chiêu và em trai mình là Tôn Quyền đến để uỷ thác sự việc. Ông cũng lấy ấn giao cho Tôn Quyền khi ấy mới chưa đến 20 tuổi.

Sau khi Tôn Sách mất, Tôn Quyền vô cùng đau buồn, ngày đêm khóc lóc nỉ non, không thể xử lý được việc triều chính. Các đại thần trong triều ai nấy đều rất sốt ruột nhưng không thể khuyên bảo được.

Trước tình cảnh ấy, mưu sĩ Trương Chiêu đã khuyên Tôn Quyền rằng: “Hiện giờ thiên hạ đang đại loạn, bọn gian tà đang tranh đoạt lẫn nhau, lang sói đầy đường, nếu ngài chỉ có đau buồn mà không lo việc quốc sự, như vậy chẳng phải giống như ‘mở cửa rước trộm’, chắc chắn sẽ tự rước lấy họa.”

Tôn Quyền nghe những lời này thì cảm thấy rất có lý nên đã lập tức thay đổi triều phục. Tôn Quyền cùng Trương Chiêu lập tức tới thăm doanh trại. Đông Ngô đã có chủ mới khiến cho lòng tướng cũng như lòng dân ổn định trở lại. Về sau, Ngô cùng với Thục và Nguỵ hình thành cục diện chân vạc, tam quốc phân tranh.

Trong lịch sử, những câu chuyện bởi vì dùng sai người, tiến cử người xấu mà cuối cùng bản thân bị hại có rất nhiều. Nổi tiếng là câu chuyện vua nước Tề thời Chiến Quốc.

Khi Quản Trọng còn là phụ tá của Tề Hoàn Công thì nước Tề cường thịnh. Lúc Quản Trọng lâm chung, Tề Hoàn Công tìm đến Quản Trọng để hỏi về việc tìm người giúp cai quản đất nước. Quản Trọng khuyên can Tề Hoàn Công không nên dùng ba kẻ xu nịnh, tìm mọi cách để lấy lòng vua là Dịch Nha, Thụ Điêu, và Khai Phương. Nhưng Tề Hoàn Công không nghe Quản Trọng.

Sau khi Quản Trọng mất, Tề Hoàn Công một mực trọng dụng ba người này. Kết quả, ba người họ được trọng dụng nên mặc sức tác loạn, gây rối triều đình. Cuối cùng, Tề Hoàn Công ở trong cung mà chết đói.

Một câu chuyện khác cũng rất nổi tiếng là “mượn đường diệt Quắc”. Thời Xuân Thu, nước Quắc và nước Ngu là hai nước láng giềng. Nước Tấn muốn đánh chiếm nước Quắc nên đã tặng lễ vật quý cho nước Ngu để mượn đường. Ngu Công sau khi nhận được lễ vật quý thì lập tức cho nước Tấn mượn đường đánh chiếm nước Quắc. Đại phu của nước Ngu là Cung Chi Kỳ đã ra sức khuyên can vua Ngu nhưng không được.

Nước Tấn sau khi mượn đường để tiêu diệt nước Quắc, khi trở lại đóng quân ở nước Ngu đã thừa cơ đánh úp nước Ngu, bắt sống được Ngu Công. Nước Ngu truyền từ Ngu Trọng được Chu Vũ Vương phong cho đến lúc này bị chấm dứt. Toàn bộ bảo bối mà vua Ngu có được trong tay cũng lại trở về với vua nước Tấn. Ngu Công quả thực là “mở cửa rước trộm”, kết quả là vong quốc diệt thân.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: