Cử tri ở Quần đảo Solomon ở Thái Bình Dương sẽ bỏ phiếu bầu thành viên quốc hội mới vào thứ Tư tuần này. Lần bầu cử này được theo dõi chặt chẽ trong bối cảnh có các vấn đề ngoại giao với Trung Quốc và Đài Loan.

Ly Cuong
Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Bắc Kinh (Ảnh chụp màn hình video)

AFP đưa tin từ Quần đảo Solomon ngày 14/4 cho biết, cử tri ở Quần đảo Solomon, nơi được Trung Quốc và các cường quốc phương Tây săn đón, sẽ tham gia cuộc bầu cử lập pháp vào thứ Tư (ngày 17/4). Cuộc bầu cử lần này đang được theo dõi chặt chẽ vì tác động dự kiến ​​của nó đối với an ninh ở Thái Bình Dương.

Quần đảo Solomon, một trong những quốc gia kém phát triển nhất thế giới, đã trở thành nơi diễn ra cuộc chiến ngoại giao kịch liệt giữa Trung Quốc và các đối thủ cạnh tranh phương Tây trong những năm gần đây.

Quần đảo Solomon đã đi vào quỹ đạo của Trung Quốc dưới thời Thủ tướng Manasseh Sogavare, người đã ký một thỏa thuận an ninh không được tiết lộ với Chính phủ Trung Quốc vào năm 2022. Nhà lãnh đạo sắp mãn nhiệm đã hứa sẽ tăng cường các mối quan hệ đó nếu ông tái đắc cử, nhưng những người phản đối ông lo ngại về ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với quần đảo này.

Đối thủ chính của ông Sogavare là cựu luật sư Liên hợp quốc Peter Kenilorea, người được coi là thành viên của giới tinh hoa chính trị, và kế toán viên công chứng được cấp phép kiêm nhà nhà vận động nhân quyền Matthew Wale. Cả hai người đều cực kỳ chỉ trích hiệp ước an ninh của ông Sogavare với Trung Quốc, điều này báo hiệu sự thay đổi hướng đi nếu họ lên nắm quyền.

Bà Anouk Ride, chuyên gia về các vấn đề Quần đảo Solomon tại Đại học Quốc gia Úc (ANU), chỉ ra: “Mọi người đều biết rằng Mỹ, Trung Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương khác sẽ rất chú ý đến cuộc bầu cử này”. “Ấn tượng để lại cho mọi người đó là áp lực rất lớn”.

Solomon là thuộc địa cũ của Anh, giành được độc lập vào năm 1978 và thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Nhưng những mối quan hệ đó đã đột ngột dừng lại vào năm 2019 khi ông Sogavare mới đắc cử ủng hộ lập trường “một Trung Quốc” do Chính phủ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chủ trương.

Sau khi tái định vị, viện trợ và đầu tư từ Trung Quốc liên tiếp đổ vào đây. Vào năm 2022, Quần đảo Solomon đã ký một hiệp ước an ninh với Bắc Kinh, khiến các đối tác cũ của họ là Úc và Mỹ trở tay không kịp. Các đồng minh phương Tây lo ngại rằng thỏa thuận này có thể dẫn đến việc ĐCSTQ thiết lập căn cứ quân sự lâu dài ở Nam Thái Bình Dương, từ đó làm thay đổi cục diện an ninh khu vực. Hiện tại, mặc dù sự hiện diện của cảnh sát ĐCSTQ tại Quần đảo Solomon không nhiều nhưng rất rõ ràng.

Quần đảo Solomon vẫn còn mang vết sẹo của sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Trong Thế chiến thứ hai, Nhật Bản và Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tàn khốc trên quần đảo, để lại một số lượng lớn bom chưa nổ, đến nay vẫn còn nạn nhân.

Quần đảo Solomon, nơi có dân số khoảng 720.000 người, thường xuyên xảy ra các cuộc bầu cử đầy biến động. Năm 2000, Thủ tướng Bartholomew Ulufa’alu bị các tay súng bất mãn bắt cóc và buộc phải từ chức.

Năm 2006, lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế được cử đến để dập tắt bạo lực sau bầu cử và Thủ tướng Snyder Rini bị lật đổ chỉ sau 8 ngày.

Trước cuộc bầu cử năm nay, rượu sẽ bị cấm trên 900 hòn đảo và đảo san hô của quần đảo này.

Tài liệu rò rỉ: Solomon có thể cho Trung Quốc triển khai hoạt động quân sự trên đảo

Một bức thư bị rò rỉ cho thấy những chi tiết về ý đồ của Trung Quốc qua một lời đề nghị từ người đứng đầu Công ty TNHH Kỹ thuật Công trình Hàng không Quốc tế (AVIC), một công ty hàng không quốc doanh có trụ sở tại Bắc Kinh, gửi tới Thủ hiến Leslie Kikolo của tỉnh Isabel thuộc Quần đảo Solomon vào ngày 29/09/2020.

Bức thư mà news.com.au thu thập được này có chữ ký của Chủ tịch công ty Tiền Vinh (Rong Qian) và mở đầu bằng đoạn sau:

“Chúng tôi, Công ty Kỹ thuật Công trình AVIC-INTL … gửi thư này để thể hiện ý định của chúng tôi trong việc nghiên cứu cơ hội phát triển các dự án cơ sở hạ tầng và hải quân trên khu đất được thuê cho Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân ở Tỉnh Isabel với thời gian độc quyền 75 năm.”

Liên kết đối tác với Quần đảo Solomon diễn ra sau khi kế hoạch nâng cấp một đường băng và cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại quốc đảo Thái Bình Dương Kiribati được đưa ra ánh sáng — Kiribati cách Hawaii 3.000 km (khoảng 1.865 dặm) về phía Tây Nam. Hoạt động nâng cấp này sẽ giúp cho các phi cơ quân sự lớn hơn có thể hạ cánh.

Ngày 13/4/2022, Bộ trưởng Các vấn đề Thái Bình Dương, ông Zed Seselja, đã bay thẳng đến thủ đô Honiara của Quần đảo Solomon để thảo luận. Mỹ cũng đưa ra cảnh báo đối với quốc đảo này.

Trí Đạt (t/h)