Khi Pháp đến, chợ Bến Thành có chức năng là cảng Sài Gòn, là bến ở ngay cửa của thành Phiên An thời Lê Văn Duyệt, vị trí ở đầu đường Hai Bà Trung ngày nay. Pháp giải toả mé sông, dành làm khu quân sự, cảng biển dời qua phía Bến Nhà Rồng, và cái chợ theo đúng nghĩa buổi đầu là nơi buôn bán lương thực và thực phẩm bị dời qua kinh chợ Vải, đường Nguyễn Huệ ngày nay. Ban đầu là trên bến dưới thuyền, hàng hoá đưa bằng thuyền vào con kinh, đến nhà lồng chợ (trưởng Ngân hàng ngày nay, Kho bạc cũ). Sau, chợ hãy còn ở đường Nguyễn Huệ mặc dầu kinh chợ Vải đã lấp vào cuối thế kỷ 19. Phía sau chợ Bến Thành (đường Nguyễn Huệ) là khu vực ăn uống sang trọng, bán bàn ghế, áo quần và cũng là chỗ dành cho xe kiếng đậu (xe 4 bánh, cửa kiếng, ngựa kéo). Nghề đánh xe kiếng buổi đầu là độc quyền của người Mã Lai, và kiểu xe cũng do họ đưa từ Singapore đến.

Nay khu vực chợ Bến Thành buổi xưa, trước 1914, ấy vẫn còn quyến rũ một số khách sành điệu, phần nhiều đã đứng tuổi, đến ăn cơm thố, thưởng thức món ăn kiểu Pháp. Vẫn là khu vực ăn uống của khách sành điệu ở các cơ quan, công ty dịch vụ ở gần, nào các loại bơ, phô-mách, bánh mì, nhất là bánh mì đang nổi tiếng Như Lan, rất ngon, giá vừa phải. Khi xưa, ga xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho ở gần mé sông, đầu đường Hàm Nghi. Đường Huỳnh Thúc Kháng trước 75 nổi danh hủ tiếu Mỹ Tho nấu tôm và cua nay trở thành tụ điểm bán dụng cụ điện tử và băng nhạc.

Dời về quảng trường Quách Thị Trang năm 1914, chợ Bến Thành đánh dấu sự phát triển vượt bực của Sài Gòn, cũng lấy tên là Bến Thành mặc dầu không có bến nước trước chợ. Nhưng trước đó, chợ Cầu Ông Lãnh đã thành hình, cũng như chợ Cầu Muối, vì hai nơi này có bến nước (đường Nguyễn Thái Học xưa là con kinh đào, nhằm đưa muối vào dự trữ). Với dân số ngày càng đông đúc, chợ Bến Thành (còn gọi Chợ Mới) cần thêm heo gà, rau cải, cá đồng, cá biển, những món gia vị như tỏi, ớt, hành (không có không được), thêm cải bắp (bắp sú), cà chua từ Đà Lạt đã trồng thử nghiệm thành công, đưa xuống. Nhưng chợ Cầu Muối và chợ Cầu Ông Lãnh quá tấp nập, bị ô nhiễm, nạo vét không xuể, đành đào thêm con kinh tế từ Chánh Hưng ra Tân Thuận. Nhưng xe tải ngày càng nhiều, đa số hàng hoá chợ Cầu Ông Lãnh chở đường bộ như cá, heo, trái cây, thêm rau cải từ phía Hậu Giang đến.

Trong khi ấy, Chợ Lớn đã sung túc, thịt cá dồi dào từ Lục Tỉnh đưa lên nhưng dân số Chợ Lớn, luôn luôn đông đúc hơn phía Sài Gòn mãi tấp nập. Chợ Lớn cũ (nay mặt bằng Bưu điện Chợ Lớn ăn qua đường Khổng Tử) lần hồi trở nên chật hẹp. Hơn nữa, Chợ Lớn nổi danh là nơi giải trí từ bình dân đến cao cấp, hấp dẫn luôn cả người từ Sài Gòn vào, người từ miền Trung và nước ngoài. Chợ Lớn có chợ về tỉnh quan trọng là Xóm Củi, củi, trứng gà, trứng vịt từ Cần Giuộc, Cần Đước đem đến, cung cấp cho Sài Gòn, Chợ Lớn.

Chợ An Đông thoạt tiên còn nhỏ bé nhưng quan trọng vì nằm trên tuyến đường sắt từ Phú Lâm đi Sài Gòn. Nhưng Sài Gòn ta cứ phát triển, Chợ Lớn cũ đã quá tải, đành giải toả, dời đến điểm này là chợ Bình Tây (xưa gọi Chợ Lớn Mới) từ năm 1928, với kiểu kiến trúc mãi đến nay vẫn còn đồ sộ, do một tư sản giỏi về hạch toán kinh tế đã xây cất rồi hiến cho nhà nước bấy giờ. Bù lại, ông được cất chung quanh chợ mấy dãy phố lại. Lấy tiền “vô cửa” của dãy phố là đủ xây cất chợ. Nhờ vậy ông đã cho đúc tượng, đầu thắt bím theo kiểu Mãn Thanh, ngực mang huy chương, giới thương gia xem đó là ông chủ chợ, lâu ngày trở thành một kiểu thần địa phương. Sạp nhỏ, nhưng đủ hàng hoá, loại khô (thực phẩm), muốn bao nhiêu cũng có thể giao nhanh (bán sỉ), người mua không cần trả giá, kỳ kèo. Hồi cất chợ, phía sau có con kinh, nay ô nhiễm và lấp (đường Nguyễn Văn Thành).

Chợ Lớn và Sài Gòn trao đổi nhau nhiều mặt hàng, cá tôm, cá khô ngoài việc cung cấp cho nhu cầu địa phương, còn nhu cầu cho toàn miền Đông và phía Nam. Mặt hàng tiêu dùng ngày càng nhiều, không như thời con người chỉ cần 2 chiếc áo bà ba là đủ, mức tiêu thụ xà phòng, quần áo đa dạng, giày dép, ly chén, quần áo may sẵn nhiều màu sắc, thay đổi.

Ta có những chợ chuyên ngành: gạo ở chợ Trần Chánh Chiếu, trứng vịt ở Xóm Củi, thí dụ như chợ Kim Biên là chợ đầu mối các loại hoá chất, đồ điện, máy xay nước đá. Chợ Đồng Khánh, An Đông chuyên quần áo may sẵn cho phụ nữ, trẻ con. Tại Cầu Ông Lãnh, có nơi chuyên cung cấp cơm tấm, nước mắm, bì… cho các quán nhỏ ở nội thành, cứ mỗi hừng đông họ đem giao như 2 thau cơm, 1 lít nước mắm ớt, 2 kí lô bì, 2 kí lô chả lụa. Người bán lẻ cứ đem về, bán liền. Các chợ đầu cầu nói trên cung cấp hàng hoá cho các chợ nhỏ như Tân Định, Bà Chiểu, Bà Quẹo. Tại xa cảng miền Tây có chợ An Lạc, kiểu chợ đầu cầu thâu mua và bán sỉ các mặt hàng cá khô, tôm khô, thịt khô… từ các tỉnh phía đồng bằng sông Cửu Long đưa lên, người chạy mối, lấy hàng tại đây đưa về các chợ nhỏ có thể sống được, ăn hoa hồng với điều kiện là có chút ít vốn, phương tiện vận chuyển.

Mặt hàng tiêu dùng càng đa dạng, các chợ lần hồi trở nên chuyên ngành. Nhiều siêu thị với qui mô lớn nhỏ mở ra, thu hút người mua, nhưng ở các khu phố vẫn còn cửa hàng tạp hoá cỡ nhỏ. Nhiều người cho rằng kẻ làm trung gian “bóc lột” người mua. Nghề làm trung gian là thứ dịch vụ cần thiết, có thể giúp người tiêu thụ mua sắm với giá rẻ nhất. Ta thử tưởng tượng người trồng dưa hấu ở Trà Vinh, ở Gò Công nếu không có thương lái làm trung gian, đưa về nhà vựa thì làm sao tiêu thụ sản phẩm. Ngày nay, chuyện đáng mừng là nhiều chủ sạp trong chợ đã sắm điện thoại cầm tay. Mua bán là chuyện may rủi, “cả bè lớn sóng”. Bởi vậy, ít hay nhiều người mua bán thờ Thần Tài, đi Vía Bà, đi đình miếu và hăng hái làm từ thiện.

Sơn Nam

Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách
Mời độc giả ghé thăm

Xem thêm:

Mời xem video: