Bình Dương là tên vùng đất quen thuộc nhưng nghe hơi lạ tai, đối với người lớn tuổi. Xưa gọi Thủ Dầu Một, thời Pháp thuộc. Thời Tự Đức, thuộc vào địa bàn tỉnh Biên Hòa. Hai tiếng Bình Dương mới đặt sau Hiệp định Genève 1954, lần hồi trở nên quen thuộc, dân gian ưa thích, nhất là sau khi có phim Người đẹp Bình Dương ra mắt, mặc dầu không thành công như ý muốn.

Cốt lõi của người tỉnh Bình Dương ngày nay vẫn là dân sống quanh thị xã, lấy Thủ Dầu Một làm trung tâm phát triển. Thị xã nằm bên bờ sông Sài Gòn, phía thượng nguồn. Chính con sông hiền lành này là mạch máu giao lưu để vận tải hàng hóa với khối lượng lớn xuống Sài Gòn, Chợ Lớn đi các tỉnh. Phần lớn vẫn còn sử dụng đường bộ, với hệ thống khá hoàn chỉnh.

Trước khi Pháp đến, Bình Dương giao lưu dễ dàng với tỉnh lân cận là Biên Hòa, xuống Sài Gòn, theo đường bộ khoảng 30km. Vì vậy, người Bình Dương không cần đi xuống các tỉnh phía đồng bằng sông Cửu Long để làm ruộng nước. Với thế mạnh là lâm sản, sau này là vườn cao su, đặc biệt có vài ngành thủ công nghệ cung cấp sản phẩm cho cả phía Nam.

Khoảng cuối thế kỷ XIX, Bình Dương nổi danh là khu vực săn bắn lý tưởng, dành cho người Âu từ nước ngoài đến. Thái tử Nga (sau này là Sa hoàng bị truất phế vì Cách mạng tháng Mười 1917) vào năm 1890 được thực dân mời lên Dĩ An để săn nai, thật ra đó là con nai nuôi sẵn. Rồi người Pháp thử khai thác rừng già của Thủ Dầu Một, cho nhiều đoàn thám sát phía thượng nguồn sông Bé, rất gian nan, gặp sự chống đối của người dân tộc S-tiêng. Công ty tàu thủy Pháp mở tuyến Sài Gòn đi và về 2 lần 1 tuần, từ năm 1885, nhằm chở lính, gạo, thực phẩm cho đồn bót. Pháp cho mở thêm tuyến xe lửa (chạy hơi nước, sau chạy điện) từ Sài Gòn, Bà Chiểu, Hóc Môn lên Lái Thiêu, về sau nối lên Lộc Ninh nhằm chở mủ cao su về Sài Gòn. Vấn đề phu cao su quá lớn, chỉ xin đề cập đến vài ngành tiểu công nghệ gây uy tín cho đất Bình Dương.

Bình Dương, với trung tâm là Lái Thiêu có lẽ đứng đầu phía Nam về khối lượng đồ gốm, sản xuất được nhiều vì có nơi tiêu thụ, có đầu ra để phát triển đầu vào. Trước khi Pháp đến, nhiều toán nghệ nhân và chuyên gia Trung Hoa đã khảo sát thị trường đồ gốm. Bên Cam-Bốt, gần như chẳng có đất tốt với trữ lượng to, phía đồng bằng sông Cửu Long thì đất chỉ dùng làm gạch ngói, còn ở miền Trung bộ thì khó tìm đất, vả lại đường chuyên chở quá xa đến nơi phân phối. Trước đó, ở gần gò Cây Mai (Chợ Lớn) đã quy tụ số ít người chuyên về gốm thô, siêu, đặc biệt là có gốm cao cấp dùng trang trí chùa, miếu. Sau đó, khu vực Lò Gốm ấy giải thể, khi chỉnh trang vùng Chợ Lớn. Nghệ nhân và giới kinh doanh lại dời về Lái Thiêu, nơi có rạch Lái Thiêu thuận lợi chuyên chở, đồng thời vùng phụ cận hoặc xa hơn, phía Đất Cuốc (Tân Uyên) còn dự trữ đất sét. Căn cứ vào năm thành lập và trùng tu chùa Bà ở Lái Thiêu, ta đoán chắc nghề gốm ở đây khởi đầu từ năm 1867 qua 1883, 1889. Lò gốm Lái Thiêu hình thành với qui mô to, trên mặt bằng đồ sộ, gần giống như lò sành sứ bên Trung Hoa: khâu chọn đất, lọc đất, nhồi đất, tạo hình, phơi khô, vào lò, xem lửa, ra lò rồi phân phối. Vòng sản xuất khép kín trong một mặt bằng. Bấy giờ những lò lớn chia ra:

– Lò Quảng Đông chuyên về tượng trang trí nhiều màu sắc, dùng khuôn, làm chậu trồng cây cảnh, về sau, bày ra kiểu tượng con voi để làm đôn, có thể ngồi lên được.

– Lò Triều Châu, chuyên làm tô chén gia dụng, với đặc trưng nền trắng, men xanh, thường vẽ hình con rồng, bông cúc, con gà…

– Lò Phước Kiến, chuyên về vật dụng to lớn, như lu khạp, dùng men vàng, gọi men “da lươn”…

Mãi đến nay, đồ gốm vẫn còn được chuộng, mặc dầu đồ nhôm nhựa phát triển. Nghề này vẫn thu hút nhiều công nhân già cả lớn bé. Chợ Lái Thiêu là thị trấn “thức suốt đêm”. Dọc theo rạch Lái Thiêu, dịp gần Tết, hàng trăm ghe tải lớn nhỏ đậu vào bến, chờ “ăn hàng”, nhất là dịp gần Tết.

Nghề mộc một thời khiến cho Bình Dương nổi danh cả phía Nam, vì ở tỉnh Thủ Dầu Một nên dân gian quen ca ngợi là “thợ Thủ”, tay nghề cao. Người Pháp ngay những năm đầu thế kỷ đã tổ chức Trường Mỹ thuật Gia Định (chuyên hội họa), trường dạy gốm ở Biên Hòa và trường chuyên đồ Mộc (gọi trường Bá nghệ) ở Thủ Dầu Một. Nhờ trường mộc này, tay nghề của thợ Thủ được hiện đại hóa. Người Pháp đã thấy thế mạnh của Bình Dương là gỗ quí (gõ, cẩm lai, bằng lăng…) nên đã đưa nhiều thợ giỏi về mộc từ bên Pháp sang dạy cho dân địa phương. Những bộ “xa-lông” nay còn thấy, bán với giá khá cao lấy kiểu từ đồ mộc của Pháp, theo kiểu thức đời vua Louis XVI. Trước kia, ta dùng trường kỷ, nhưng với Pháp, đã có những ghế dựa, dành cho cá nhân, chủ nhà và khách ngồi quanh cái bàn nhỏ. Để phù hợp với cảm quan của người Việt, bày chạm cúc dây, hoa mẫu đơn, về sau, lại cản xà cừ. Cái bàn “giường thờ” thời xưa để thờ ông bà được cải tiến, trở thành cái “tủ thờ” xinh xắn, mặt hình bầu dục (gọi hột xoài). Đây là kiểu tủ của Pháp cải tiến, thường chạm hai hàng chuỗi theo hình dọc. Mặt tiền của tủ, cản xà cừ những điển tích cầu hôn Giang Tả, Ngũ Tử đăng khoa… Đây là tay nghề của những thợ cản xà cừ từ tỉnh Hà Đông vào, lần hồi, nhóm nghệ nhân của đồng bằng sông Hồng tổ chức một miếu thờ, nay hãy còn, đáng trân trọng, gọi miếu Mộc Tổ, vào khoảng năm 1940. Nghệ nhân ở Lái Thiêu lại cải tiến kiểu tranh thờ tổ tiên, trước kia thờ chữ Phước, chữ Lộc hoặc tranh nhập từ Hương Cảng với non cao, cây tùng và dòng suối. Tranh vẽ trên kiếng ra đời, vui tươi hơn, có dòng sông chảy ra biển, cây phượng trổ hoa, ngôi nhà ngói, vẫn là “cây cội nước nguồn” ở vùng văn minh sông nước, phổ biến đến tận mũi Cà Mau, nay hãy còn, hình ảnh vẽ sau tấm kiếng, thỉnh thoảng rửa sạch bụi, trông như mới.

Sơn mài là thế mạnh, có truyền thống của Bình Dương, trước kia chỉ sản xuất đồ gia dụng như quả đựng đồ cưới, sau cải tiến lại, nâng lên với tranh sơn thủy (con nai uống nước bên dòng suối). Ban đầu, nổi danh nhất là nhóm Thanh Lễ, ông Thanh và ông Lễ hợp tác, về sau, ông Lễ (Nguyễn Thành Lễ) lãnh đạo, bày ra kiểu xa-lông phủ toàn sơn mài, thêm tủ đựng rượu cũng sơn mài, hấp dẫn người Âu, một thời gây uy tín lớn, xuất cảng qua châu Âu.

Vườn cây ăn trái từ hai trăm năm qua thành hình ở Bình Nhâm, Lái Thiêu, giống măng cụt được du nhập (nhờ người theo đạo Thiên Chúa), thêm sầu riêng (sầu riêng, từ năm 1925), thêm dâu, bòn bon. Khu vườn cây ăn trái nay trở thành điểm du lịch cho dân Sài Gòn.

Lướt qua vài ngành nghề xưa để thấy người Bình Dương rất năng động, hàng hóa phải có thị trường rộng trong miền, cải tiến kỹ thuật không ngừng. Ngoài số người sống với nghề ruộng rẫy, khá đông người Bình Dương sống với nghề thủ công, nhờ vậy mà lanh lẹ, bặt thiệp, xuống Sài Gòn chơi, khó phân biệt người tỉnh lẻ với người đô thị. Hệ thống đường bộ khá hoàn chỉnh, chợ Thủ Dầu Một xây dựng nơi cao ráo, sạch sẽ. Có thể nói ở Bình Dương thành hình một kiểu “nhà vườn”, tuy không nói ra từ ngữ ấy. Đình chùa khá xưa, nay còn ngôi nhà của bác sĩ Trần Công Vàng, hơn 80 tuổi, vẫn còn bảo quản tốt, nhà 5 căn, hai chái, trang trí kiểu đầu thế kỷ, đã trăm năm qua còn giữ được phong độ cổ kính.

Sơn Nam
Nam Bộ Xưa & Nay

Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách
Mời độc giả ghé thăm

Xem thêm:

Mời xem video: