Thời xưa, những người đọc sách hễ có điều kiện thì đều bố trí trong nhà mình một phòng đọc sách, ngày nay người ta hay gọi là thư phòng. Kỳ thực, thư phòng là cách gọi của người hiện đại, còn cổ nhân gọi phòng đọc sách bằng các tên như “Thư trai”, “Thảo đường”, “Lậu thất”… Trong đó “Trai” là từ được cổ nhân yêu thích sử dụng nhất. Ẩn đằng sau tên gọi này là cách sống, nhân sinh quan của người đọc sách thời xưa.

Vì sao phòng đọc sách thời xưa thường được gọi là thư trai?
(Tranh từ thế kỷ 16, Public Domain)

Thi nhân Vương Bột thời nhà Đường viết trong bài “Tặng Lí Thập Tứ” rằng: “Trực đương hoa viện lí, thư trai vọng hiểu khai”, ý nói trong vườn hoa, thư trai mở từ sớm. Văn học gia Viên Tông Đạo thời Minh đặt tên cho thư phòng của mình là “Bạch Tô trai”. Văn sĩ Bồ Tùng Linh triều Thanh gọi thư phòng là “Liêu trai”. Văn học gia triều Minh, Trương Phổ gọi thư phòng là “Thất lục trai”.

Vì sao “Trai” trở thành từ thường được sử dụng nhất để đặt tên cho thư phòng? Căn cứ vào “Thuyết văn giải tự” của Hứa Thận thời Đông Hán thì “trai” có nghĩa là “giới khiết”. Nghĩa gốc của “trai”“trai giới”, là việc làm cho thể xác và tinh thần sạch sẽ trước lễ hiến tế. Nghĩa rộng ra của từ trai là nơi thanh tâm sạch sẽ, u nhã tĩnh mịch, bao hàm cả ý tứ cung kính, ít ham muốn. Chuyên tâm cầu học, tu thân dưỡng tính, thanh tĩnh tao nhã, tuyệt trần thoát tục là cảnh giới mà những người trí thức xưa theo đuổi và mong muốn đạt đến. Cho nên, khi đọc sách đòi hỏi phải giữ tâm thanh tịnh, tư tưởng tập trung và thái độ phải thành kính.

“Thất nhã hà tu đại, hoa hương bất tại đa”, phòng không cần phải lớn, hương không cần phải nhiều. Bởi vì cổ nhân hướng tới loại cảnh giới thoát tục này nên khi có được thư phòng thì họ thường bài trí rất đơn giản, mộc mạc, không có quá nhiều đồ vật, đặc biệt là các tạp vật. Thư trai chủ yếu bài trí các loại sách và người đọc sách cần một không gian sạch sẽ, thanh tịnh để đọc sách và cảm thụ nội dung của sách.

Thi nhân Lưu Vũ Tích viết trong bài “Lậu thất minh”: “Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh. Thủy bất tại thâm, hữu long tắc linh. Tư thị lậu thất, duy ngô đức hinh”, ý nói núi không nhất thiết phải cao, có Tiên ở là sẽ nổi danh; sông không nhất định phải sâu, có Rồng ở là có linh khí; gian nhà đơn sơ, điều làm cho nó trở nên tốt đẹp chính là đức hạnh của người chủ. Thư trai tuy rằng đơn sơ nhưng có cổ cầm để gảy, có sách quý để xem, tránh được những nhiễu loạn của trần tục là đủ rồi.

Thư phòng xưa cũng được cổ nhân gọi là lậu, đường, ốc, cư, lư, thất, quán… Thư phòng của Lưu Vũ Tích được ông đặt tên là “Lậu thất” (Phòng ốc sơ sài). Kỷ Hiểu Lam gọi thư phòng của mình là “Thảo đường” (phòng cỏ). Lục Du lại gọi thư phòng là “Lão học am” (Lều tranh cũ). Thi nhân Bạch Cư Dị gọi nơi ở và nơi đọc sách của ông là “Thảo ốc” (nhà cỏ, nhà tranh). Thảo ốc của Bạch Cư Dị rất đơn sơ, mộc mạc, gỗ làm nhà được chặt và gọt bằng rìu, tường làm bằng bùn đất không sơn vôi trắng, không tạo hoa văn, bậc thềm làm bằng đá, lấy trúc làm mành.

Cổ nhân chẳng những không cầu thư phòng xa hoa ra sao mà còn không quan trọng thư phòng phải to lớn thế nào. Văn học gia Lục Du thời Nam Tống tả về thư phòng của ông chỉ có thể chứa được một chiếc kỷ tre nhỏ. Dù thư phòng nhỏ như vậy nhưng ông vẫn rất hài lòng. Tư Mã Quang, nhà sử học nổi danh thời Tống, mặc dù có thư phòng nhưng cũng rất đơn sơ mộc mạc, thậm chí là xuề xòa.

Văn nhân Quy Hữu Quang thời nhà Minh cũng có thư phòng rất nhỏ. Ông tả: “Thất cận phương trượng, khả dung nhất nhân cư”, phòng chỉ vẻn vẹn một trượng vuông, có thể chứa được một người. Cho dù là thư phòng của hoàng gia cũng không phải là càng rộng càng tốt. Trong Dưỡng Tâm Điện của Tử Cấm Thành có thư phòng “Tam Hy đường” của vua Càn Long nhà Thanh, thư phòng này cũng chỉ rộng chừng tám mét vuông.

Tuy rằng cổ nhân không theo đuổi thư phòng xa hoa rộng lớn nhưng lại rất chú trọng đến hoàn cảnh của thư phòng. Bên ngoài thư phòng, cổ nhân thường trồng các loại cây xanh và cây hoa như lan, quế, trúc khiến cho hoàn cảnh xung quanh trở nên rất thanh nhã. Bên ngoài “Lậu thất” của Lưu Vũ Tích hay “Thảo đường” của Bạch Cư Dị đều được bố trí phong cảnh vô cùng tươi đẹp.

Về cách bố trí bên trong thư phòng, cổ nhân theo đuổi chữ “Nhã” (tao nhã, không thô tục). Trong phòng thường là có một bàn, một ghế, một đèn, một tủ và sách bút nghiên mực… Ngoài ra, tùy điều kiện gia đình và diện tích phòng, chủ nhân có thể đặt thêm vào đó sạp (giường nhỏ), nhạc khí, hương khí, tranh chữ, châu ngọc và bồn hoa. Tuy nhiên, cách bố trí phải đảm bảo khiến thư phòng lịch sự, tao nhã và thoát tục.

Trong thư phòng, thứ quan trọng nhất là sách. Sách thường được cổ nhân cất trong rương, hộp, tủ, tráp, két. Những dụng cụ này thường được làm bằng chất liệu gỗ, trúc và da. Đựng sách bằng tráp (hộp) là phương thức truyền thống của người đọc sách thời xưa vì nó thuận tiện cho việc mang theo bên mình.

Có thể nói, thư phòng đã trở thành nơi khởi điểm trên con đường theo đuổi tri thức của người đọc sách xưa, cũng là nơi tìm kiếm con đường trở về của họ. Chính bởi vậy, văn hóa thư phòng được người xưa vô cùng xem trọng và gìn giữ.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: