An Lão là vùng đất cổ từ lâu đời, trong lịch sử từng xuất sinh các bậc hiền tài phụng sự Giang Sơn Xã Tắc. Làng Thạch Lựu nơi đây có gia đình 3 cha con đều đỗ tiến sĩ thời Lê sơ, trở thành niềm tự hào của người dân An Lão.

Theo gia phả dòng họ Nguyễn ở thôn Thạch Lựu, xã An Thái, thủy tổ của dòng họ là Nguyễn Đốc Lượng vốn ở Ái châu (Thanh Hóa ngày nay) nhưng đến An Lão làm nghề y. Ông chữa được căn bệnh hiểm nghèo của cô con gái họ Vũ, và được gia đình gả luôn cô con gái này.

Vợ chồng Nguyễn Đốc Lượng có người con là Nguyễn Kim, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi Nhâm Tuất 1502 thời vua Lê Hiến Tông. Nguyễn Kim làm quan đến Hiến sát sứ, Tham chính. khi mất được truy tặng hàm Hữu thị lang.

Nguyễn Kim có hai người con là Nguyễn Chuyên Mỹ và Nguyễn Đốc Tín đều học giỏi. Khoa thi năm 1514 thời vua Lê Tương Dực, cả hai anh em cùng đi thi. Nguyễn Chuyên Mỹ đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Nguyễn Đốc Tín đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (tức Hoàng giáp), làm quan cho nhà Mạc đến chức Thương thư, được phong tước Mỹ Thọ hầu.

Vào cuối thờ kỳ Lê sơ xã hội rất loạn, quân của Trần Cảo đánh chiếm được Kinh thành khiến Vua phải bỏ chạy. Nguyễn Chuyên Mỹ có công lao với Triều đình khi góp phần đánh bại quân của Trần Cảo, được ban tước Văn Đẩu hầu cùng đất tại làng Văn Đẩu.

Dưới thời nhà Mạc, Nguyễn Chuyên Mỹ làm quan đến Thượng thư. Sau đó vì không đồng ý với chính sách của nhà Mạc, ông từ quan về quê nhà dạy học, có nhiều học trò đỗ đạt, khi mất được phong phúc thần và được thờ ở miếu và đình làng Thạch Lựu.

Ba cha con một nhà đều đỗ đại khoa, trong đó hai anh em Nguyễn Chuyên Mỹ và Nguyễn Đốc Tin đỗ cùng khoa thi và vinh quy bái tổ về làng, khiến niềm vui nhân đôi, đến nay đình làng Thạch Lựu vẫn còn câu đối:

Đồng thế đồng triều tam tiến sĩ
Nhất gia nhất nhật lưỡng vinh quy.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có rất nhiều văn thơ, trong “Bạch vân am thi tập” có bài “Văn Đẩu hầu gia” ca ngợi ba cha con một nhà đều đỗ tiến sĩ

Nhất Môn phụ tử đệ nhị huynh
Đạo học tương truyền bản lục kinh
Tằng bả khoa danh liên quế tịch
Cánh lưu thanh ấm mãn hoè đình
Tâm vô tư luỵ thất sinh bạch
Thi hữu cao ngâm sơn đối thanh
Thiên thọ Đẩu, Nam quan thái tại
Niên niên trường chiếu tử vi tinh

Bản dịch của Vũ Hoàng:

Tặng hầu gia văn đẩu

Một nhà ba vị kém ai đâu
Sáu bộ kinh thư thuộc làu làu
Kim bảng ba lần danh vọng tộc
Sân hòe một thủa rực hào châu
Cửa nhà thanh bạch, lòng chẳng bận
Bạn hữu tao nhân, núi cũng cầu
Tuổi thọ trời cho như núi Đẩu
Lòng son luôn hướng Tử tinh chầu.

Cuối thế kỷ 16 làng Thạch Lựu xây dựng từ đường “Tam tiến sĩ”, có kiến trúc kiểu chữ nhị, phía trường là nhà tiền đường, phía sau là hậu cung, ở giữa hai tòa nhà này là sân nhỏ. Từ đường được làng Thạch Lựu xây dựng để thờ gia đình 3 cha con tiến sĩ Nguyễn Kim, Nguyễn Chuyên Mỹ và Nguyễn Đốc Tín. Năm 2005, thành phố Hải Phòng công nhận từ đường “Tam tiến sĩ” là di tích văn hóa lịch sử.

Chuyện gia đình 3 cha con đỗ tiến sĩ, 2 anh em cùng vinh quy bái tổ
Từ đường Tam Tiến sĩ tại làng Thạch Lựu, xã An Thái, An Lão – Hải Phòng. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Hàng năm vào ngày kỵ Thánh mùng 5 tháng chạp dân làng đều tổ chức lễ dâng hương. Vào dip lễ thanh minh dòng họ Nguyễn cũng tổ chức lễ bái dâng hương theo truyền thống của dòng họ. Tết đến các gia đình trong dòng họ Nguyễn cũng không quên đến đây dâng hương. Đây đều là những tập tục hàng năm của người dân làng Thạch Lựu.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: