Lý Trần Thản sinh ra trong gia đình hiếu học, cả 3 anh em đều đỗ đại khoa, cha ông được Vua ban tặng 4 chữ “giáo tử đăng khoa”. Ông là một vị quan văn võ song toàn, vừa có tài cầm quân, vừa có tài vỗ yên dân chúng.

“Giáo tử đăng khoa”

Vào đầu thế kỷ 18 thời Lê Trung Hưng, ở làng Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) có Đặng Trần Diễm rất có tiếng lúc bấy giờ. Ông gia cảnh nghèo khó nhưng rất hiếu học, là học trò của Thám hoa Vũ Thạnh, sau làm đến Đông các đại học sĩ.

Đặng Trần Diễm dù đã có tuổi nhưng chưa có con, nên thường đến đền Đức Thánh Chèm Lý Ông Trọng cầu mong có con, sau vợ ông sinh được 3 người con trai. Để tỏ lòng biết ơn, ông cho con mang họ Lý, họ lót là Trần. Cả ba người con đều học giỏi thành tài là Lý Trần Quán đỗ tiến sĩ năm 1766, Lý Trần Dự đỗ tiến sĩ năm 1769, Lý Trần Thản đỗ tiến sĩ năm 1769 (đỗ cùng khoa với anh mình).

Có 3 người con đều học giỏi thành tài nên ông được Vua phong là “giáo tử đăng khoa” nghĩa là dạy con đỗ đạt. Trong 3 người con thì nổi lên có người con út Lý Trần Thản.

Lang Mo Trach khoa bang 02
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Đi đến đâu nơi đó yên bình

Lý Trần Thản sinh năm 1721 ở quê ngoại là làng Lê Xá, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, Hà Nam. Từ nhỏ ông đã được cha kèm cặp rèn giũa cả về nét chữ cũng như nết người, luôn lấy đức làm đầu. Năm 11 tuổi thì mẹ mất, ông được cha đưa về quê nội ở làng Vân Canh.

Năm 16 tuổi Lý Trần Thản đã đỗ tam khoa. Năm 1743 ông vượt qua được tam trường nhưng mới chỉ đỗ trung khoa, phải qua tứ trường vào thi Đình mới được xem là đỗ đại khoa.

Năm 1744, ông được cử làm Tri phủ huyện Thanh Hà (Hải Dương). Năm 1745 ông được cử làm Tri phủ huyện Thanh Xuân (Hà Nội).

Làm Tri phủ Thanh Xuân, ông giữ yên ấm địa phương mình cai quản, ban ngày dân không lo đóng cửa cài then, tối ngủ yên giấc, không có nạn cướp bóc nào xảy ra.

Năm 1749, ông được cử làm Trấn thủ Hưng Hóa, nơi đây tiếp giáp biên giới phía bắc, rất loạn lạc. Với tài năng cả văn lẫn võ, ông đi đến những nơi bất ổn như Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang. Ông ở đâu nơi đó yên ổn, dân chúng vui mừng.

Năm 1751 ở Tuyên Quang có loạn, ông liền đến đánh dẹp và lập công lớn, được phong làm Binh bộ Thị lang, tước Tuy viễn hầu.

Năm 1769, Triều đình mở khoa thi. Lý Trần Thản năm ấy dù đã 48 tuổi vẫn đăng ký dự thi, vượt qua được tứ trường kỳ thi Hội và vào đến kỳ thi cuối cùng là thi Đình, đỗ tiến sĩ. Ông được cử làm Tri phủ Lỵ Nhân (đến năm 1822 thời vua Minh Mạng đổi tên thành phủ Lý Nhân).

Đến tháng 10 năm đó ông được chúa Trịnh Sâm triệu vào kinh dạy học cho con của mình là Trịnh Tông. Từ nhỏ Trịnh Tông chỉ thích võ nghệ ham chơi mà ít chịu học hành. Nhờ ông cùng các vị quan khác rèn mà Trịnh Tông bớt ham chơi và chịu học hơn, ứng xử khôn khéo trước nạn kiêu binh. Sau này Trịnh Tông được đám kiêu binh này đưa lên ngôi Chúa.

Tưởng nhớ

Năm 1774, Lý Trần Thản về quê ngoại ở làng Lê Xá, lấy đất của Triều đình ban cho hiến cho làng để làm đình. Ông trở về xóm Giếng nơi vườn xưa của mẹ để ở, làm nơi thờ tự, đồng thời làm trường dạy trẻ, đến năm 1776 thì ông mất. Triều đình đã tổ chức tang lễ trọng thể cho ông.

nha tho
Tế lễ tại nhà thờ Tiến sĩ Lý Trần Thản. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Anh của ông là Lý Trần Quán sau này không bảo vệ được Chúa nên tự tìm quan tài cho mình rồi chôn sống theo Chúa. (Xem thêm: Liêm sỉ của người xưa qua cái chết kỳ lạ của Lý Trần Quán)

Dân làng phong cho Lý Trần Thản làm Thành Hoàng làng Lê Xá, được thờ trong Đình làng. Đến nay Đình thờ ông vẫn còn lưu giữ 5 sắc phong của các Triều đại cho ông cả khi còn sống và cả khi đã mất:

  • Ban chức Chiếu khám và thăng chức Cẩn sự lang ở đài Ngự sử vào ngày 12 tháng 9 năm Cảnh Hưng 28 (1767);
  • Phong tặng Đông các Đại học sĩ, Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, Tước tuy viễn hầu, Hữu Thị lang Hình bộ, Thượng trụ quốc, hàng thượng trật vào ngày 6 tháng 3 năm Cảnh Hưng 37 (1776);
  • Phong tặng là Trung đẳng phúc thần, là bậc thượng trụ của triều đình, Trung lượng đại vương, thuộc bậc chính thần của Lê Xá thờ cúng vào ngày 15 tháng 6 năm Gia Long thứ 9 (1810);
  • Phong là Vị thần Đoan túc dực bảo Trung Hưng vào ngày 18/11 năm Thành Thái thứ nhất (1889);
  • Tặng cấp trật Vị Trung đẳng phúc thần được đặc biệt thờ phụng vào ngày 25/7 năm Khải Định thứ 9 (1924).

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: