“Tự tăng hữu hữu, tự tục thoát trần. Tố mộng trung mộng, ngộ thân ngoại thân”, nghĩa là “Giống như tăng nhân lại có bạn bè, giống như tục nhân mà lại thoát tục. Nằm mơ trong giấc chiêm bao, ngộ ra được sinh mệnh nằm ngoài thân này”. Mấy câu này là Hoàng Đình Kiên cảm khái nghĩ về câu chuyện luân hồi của chính mình. Hoàng Đình Kiên, tự Sơn Cốc, là một thi nhân nổi tiếng thời Bắc Tống. Từ nhỏ ông đã là người con hiếu thảo nổi tiếng, đến khi làm quan lại càng kiên trì. Nết hiếu, đức tính tốt đẹp của ông đã cảm hóa cả một vùng, được người đời sau chọn là một trong 24 tấm gương hiếu thảo.

Chuyện luân hồi của thi nhân Hoàng Đình Kiên đời Bắc Tống
(Tranh minh họa: Trương Đại Thiên, Public Domain)

Năm 26 tuổi, Hoàng Đình Kiên thi đỗ tiến sỹ, được triều đình bổ nhiệm làm Tri châu Hoàng Châu. Một hôm ông ngủ trưa trong nha phủ, mộng thấy mình đi ra nha môn, đến một thôn làng. Từ rất xa ông đã nhìn thấy một cụ bà tóc bạc trắng xóa, đứng trước hương án bên ngoài cửa đang cầu nguyện, miệng nói một cái tên thân quen mà lại lạ lẫm. Hoàng Đình Kiên bước lại gần, thấy trên hương án là bát mỳ rau cần nóng hôi hổi, hương thơm ngát, bất giác bưng bát lên ăn, ăn xong trở lại nha môn nghỉ. Bỗng nhiên ông nghe thấy tiếng gõ cửa, tỉnh dậy, mới biết là vừa nằm mơ. Nhưng cảnh trong mộng rất chân thật, trên miệng như vẫn còn mùi vị rau cần. Hoàng Đình Kiên cũng không để ý, cho rằng chỉ là giấc mơ mà thôi.

Hôm sau ngủ trưa, ông lại mộng như hôm trước, rau thơm thoang thoảng, cảnh mộng như đích thân trải qua. Hoàng Đình Kiên cảm thấy không thể nào hiểu nổi, liền đứng dậy bước ra khỏi nha môn, theo con đường trong mộng mà bước đi, muốn dò xem rốt cuộc là gì.

Đi đến một thôn làng, cảnh vật thưa thớt, dường như trở lại cố hương. Ông đi thẳng đến một ngôi nhà, gõ cửa bước vào, thấy chính là bà lão ông thấy trong mộng, liền bước tới thi lễ, hỏi tại sao lại cúng bát mỳ ở ngoài cửa. Bà lão trả lời: “Hôm qua là ngày giỗ con gái ta, vì nó lúc sống thích ăn mì rau cần, do đó ta ở ngoài cửa gọi nó về ăn mỳ, năm nào ta cũng làm như thế.”

Hoàng Đình Kiên cảm thấy kinh ngạc, hỏi: “Con gái cụ mất đã bao lâu rồi?” Cụ già đáp: “Đã 26 năm rồi.” Hoàng Đình Kiên đột nhiên nhớ đến bản thân ông năm nay vừa tròn 26 tuổi, hôm qua chính là ngày sinh nhật của ông. Ông liền hỏi tiếp tình hình con gái bà cụ khi còn sống, tình cảnh gia đình như thế nào. Bà lão nói: “Ta chỉ có một đứa con gái, nó khi còn sống rất thích đọc sách, tín Phật, ăn chay, rất hiếu thuận, nhưng không muốn lấy chồng. Đồng thời phát nguyện đời sao sẽ chuyển sinh thành nam giới, làm một học giả. Đến năm 26 tuổi, con gái sinh bệnh rồi mất, khi chết, nó nói vẫn muốn quay lại thăm ta.” Hoàng Đình Kiên vô cùng kinh ngạc, vội hỏi khuê phòng của cô ấy đâu. Bà cụ chỉ tay về căn phòng cũ nói: “Chính là căn phòng này. Cậu cứ vào mà xem đi.”

Hoàng Đình Kiên bước vào căn phòng, nhìn quanh bốn phía, giường, bàn ghế, cảm thấy rất thân thuộc. Chỉ thấy sát tường có một cái tủ lớn, vẫn đang khóa chặt. Hoàng Đình Kiên hỏi bà cụ: “Trong tủ có gì?” Bà lão vừa gặt nước mắt vừa trả lời: “Toàn là sách khi con gái ta còn sống đã xem.” “Con… có thể mở ra xem được không?” Hoàng Đình Kiên hỏi run run. Bà cụ nói: “Chìa khóa không biết con gái ta đề ở đâu rồi, ta cũng không cách nào mở được.”

Hoàng Đình Kiên trong lòng suy nghĩ một lát, bỗng nhiên nhớ ra vị trí để chìa khóa, bèn nói với bà lão, đến đó lấy chìa khóa. Mở tủ sách, phát hiện thấy bên trong có rất nhiều bản thảo. Xem kỹ, Hoàng Đình Kiên như rơi vào đám mây mù. Thì ra những bài văn mỗi lần ông đi dự thi, lại đang nằm ở đây, hơn nữa lại không sai một chữ!

Hoàng Đình Kiên trầm tư rất lâu, bỗng nhiên tỉnh ngộ, biết mình đời trước là thân nữ nhi. Nơi này chính là nhà của ông đời trước, bà cụ chính là mẹ ông đời trước, giờ đây nhà này chỉ còn lại mỗi mình bà cụ. Thế là Hoàng Đình Kiên quỳ xuống bái lạy, nằm bò xuống trước chân bà cụ, nước mắt lã chã gọi mẹ, nói mình chính là con gái bà chuyển sinh. Hai mẹ con cách đời gặp nhau, tự nhiên vui buồn đan xen khó tả.

Hoàng Đình Kiên sau khi trở về nha môn, lập tức đem người đến đón bà cụ đến ở cùng, thờ phụng chí hiếu, như là với mẹ đẻ, phụng dưỡng cả đời.

Sau này Hoàng Đình Kiên cảm khái viết về câu chuyện luân hồi của chính mình như thế này: “Tự tăng hữu hữu, tự tục thoát trần. Tố mộng trung mộng, ngộ thân ngoại thân”, nghĩa là “Giống như tăng nhân lại có bạn bè, giống như tục nhân mà lại thoát tục. Nằm mơ trong giấc chiêm bao, ngộ ra được sinh mệnh nằm ngoài thân này”. Đời người như giấc mộng, nằm mộng trong giấc mộng này, mà rốt cuộc ngộ ra rằng luân hồi là có thật, điều tín ngưỡng tôn giáo giảng là có thật. Hóa ra thân người kia cũng không phải sinh mệnh chân chính của bản thân, thoát khỏi thân ấy rồi, lại luân hồi, lại có được xác thân khác, cuộc đời khác.

Ngày nay, có những nhà khoa học tin vào hiện tượng siêu nhiên đã đi chứng minh luân hồi, cũng là dùng phương pháp khảo sát thực địa, lấy ký ức của người vãng sinh làm đầu mối, đã có thể nhớ được và miêu tả hoàn chỉnh về các chuyện đời trước, từ đó rút ra kết luận luân hồi là có tồn tại chân thực.

Nếu hiểu được rằng luân hồi thật sự tồn tại, thì con người cũng sẽ phải suy nghĩ về lẽ nhân quả, biết được rằng mục đích của đời người là nỗ lực bồi đắp sự thiện lương, để khi duyên đến thì tìm về với Đạo. Cổ nhân có câu: “Triêu văn Đạo, tịch khả tử”, sáng sớm được nghe Đạo, chiều tối chết cũng an lòng. Đây chính là ý nghĩa thâm sâu của sinh mệnh.

Dựa theo “Câu chuyện luân hồi của thi nhân Hoàng Đình Kiên đời Bắc Tống”
Đăng trên Minghui.org
Tác giả: Tiêu Khám

Xem thêm:

Mời xem video: