Vũ Tuấn Chiêu và Nguyễn Xuân Chính là những Trạng nguyên lớn tuổi nhất trong lịch sử khoa bảng, đỗ Trạng nguyên ở độ tuổi 50. Nếu như Vũ Tuấn Chiêu có được người vợ tần tảo chăm lo động viên chồng bền chí, thì Nguyễn Xuân Chính là tấm gương cần cù bền bỉ hết năm này sang năm khác, nhờ đó mà đỗ Trạng nguyên.

Nguyễn Xuân Chính sinh năm 1588 ở làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, Kinh Bắc (nay là Phù Chẩn, Từ Sơn, Bắc Ninh). Từ nhỏ ông đã thông minh lại thích đọc sách, được học với các thầy giỏi.

Năm 16 tuổi Xuân Chính tham gia kỳ thi Hương và đỗ đầu nhưng vào đến thi Hội thì không đỗ. Lúc này Xuân Chính còn nhỏ, việc đỗ đầu kỳ thi Hương đã là thành công. Tuy nhiên các khoa thi sau này ông đều không sao đỗ được dù đã nỗ lực học tập.

Đến năm Xuân Chính 37 tuổi, Triều đình tổ chức khoa Sĩ Vọng, chỉ giới hạn cho các Cống Sĩ (tức người đỗ đầu kỳ thi Hương ở địa phương) nhằm không bỏ sót người tài. Nguyễn Xuân Chính nhờ đỗ đầu kỳ thi Hương trước đó nên được tham dự, rồi được bổ nhiệm làm Huấn đạo phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam (đây là chức quan trông coi việc học của một Trấn).

Sau hơn 2 năm làm Huấn đạo, Nguyễn Xuân Chính xin từ quan về quê để tiếp tục việc học chuẩn bị cho khoa thi sau, ông vẫn rất kiên trì theo đuổi việc học. Tuy nhiên từ năm 39 tuổi đến 44 tuổi ông dự thi đều không đậu.

Theo tư liệu gia phả của dòng họ thì từ năm 1600 đến năm 1631 ông dự thi tất cả 9 lần đều không đỗ dù đã rất nỗ lực. Mỗi lần không đỗ ông đều không nản chí mà quyết tâm học tập cho kỳ thi sau. Năm 1631, Nguyễn Xuân Chính dù đã 44 tuổi vẫn miệt mài đèn sách.

Đến khoa thi năm 1637, ông mới vượt qua tứ trường và đỗ đầu kỳ thi Hội tức Hội nguyên. Vào đến thi Đình do chính vua Lê Thần Tông ra đề bài Văn sách, Nguyễn Xuân Chính có bài Văn sách hay nhất và được chấm đỗ Trạng nguyên.

Chuyện Nguyễn Xuân Chính 50 tuổi mới đỗ Trạng nguyên
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Ở tuổi 50 Nguyễn Xuân Chính mới thi đỗ Trạng nguyên. Thời gian dài gian khó không làm ông nhụt chí mà vẫn bền bỉ chăm lo học tập. Sự siêng năng cần cù thật khiến ông xứng danh Trạng nguyên.

Thi đỗ, Nguyễn Xuân Chính được cử làm quan trong Triều, nhờ tài nội trị và bang giao, ông được thăng làm Hữu thị lang bộ Lễ, rồi được giao thêm việc giảng sách cho Vua nghe ở nội điện.

Suốt 10 năm làm quan, Nguyễn Xuân Chính trải qua các chức vụ khác nhau, trong đó có cả việc phụ trách thi cử, dạy học cho Thái tử, phụ trách việc bang giao. Dù ở cương vị nào ông cũng thể hiện là người tài năng, thanh liêm, đức độ.

Nguyễn Xuân Chính có đến 9 lần cầm quân, đưa quân lên bắc xuống nam dẹp loạn các nơi. Khi mất ông được truy tặng Binh bộ Thượng thư.

Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính mất năm 1647 để lại di sản văn thơ, hiện vẫn còn lưu lại bài “Văn tế” ở đình làng và một số văn bia các chùa: Trấn Quốc, Vĩnh Thái, Cha Lư, văn bia cầu Bái Giang, v.v…

Trong nhà thờ Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính còn lưu lại nhiều cổ vật có giá trị, trong đó có tấm bia lớn “Nguyễn Xuân tộc gia phả ký”, trán bia bên trên có chạm nổi hình con rồng uốn khúc, cả hai mặt bia có khắc chữ Hán ghi chép về gia phả dòng họ Nguyễn Xuân từ cụ tỵ tổ tự Vô Vi đến đời thứ 8 của gia tộc.

Hai tấm bia “Xuân tộc thạch bi ký” có kích thước nhỏ hơn ghi chép về gia phả dòng họ Nguyễn Xuân đến đời thứ 13 và số lượng ruộng đất của từ đường tính đến năm Bảo Đại thứ 14 (1939).

Qua các ghi chép trên bia cho thấy dòng họ Nguyễn Xuân trải qua 13 đời có: 1 vị đỗ Trạng nguyên, 1 vị đỗ Tiến sĩ, 3 vị đỗ Hương cống, 1 vị đỗ Giải nguyên, 2 vị Nho sinh trúng thức, 3 vị Sinh đồ, 1 vị đỗ tam trường. Trong đó hai người đỗ đại khoa là hai ông cháu: Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính cùng tiến sĩ Nguyễn Xuân Đỉnh.

Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính là một tấm gương trong lịch sử. “Kinh thư” có chép rằng: “Thiên Đạo thù cần”, Thiên Đạo đền đáp cho người cần cù. Sự cần cù của Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính ứng hợp với câu nói này vậy.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: