Thời cổ đại, khi làm một việc lớn nhỏ nào cổ nhân đều rất coi trọng ba yếu tố “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa”. Ngay cả việc kết hôn và sinh con, họ cũng rất chú trọng đến ba yếu tố này. 

Cổ nhân cho rằng, việc nam nữ đến với nhau, trở thành vợ chồng là do Trời định nên thuận lòng mà theo. Vì vậy, cha mẹ đôi bên, người chồng, người vợ đều là thuận lòng nên đáp ứng được yếu tố về “nhân hòa”.

Cổ nhân coi trọng "Thiên - Địa - Nhân" trong việc sinh con thông minh
Tranh đám cưới Triều Tiên thời xưa. (Tranh: National Museum of Korea, Public Domain)

Sau khi kết hôn, có sự chứng giám của Trời Đất, cha mẹ và họ hàng thì nơi thai nghén hình thành chính là nơi vợ chồng động phòng. Cổ nhân đặc biệt xem trọng nơi này, bởi nó là nơi sơ khai nhất của sự tương hợp giữa âm và dương trong một sinh mệnh. Sinh mệnh được hình thành vào thời điểm này là nhận được Thiên khí  (khí của Trời) và Địa khí (khí của Đất) cường đại nhất.

Cho nên, người xưa khi lựa chọn ngày kết hôn, động phòng đều lựa chọn ngày tốt và nơi có thời tiết, phong cảnh “thanh tú đẹp đẽ”. Sở dĩ họ lựa chọn thời gian đẹp là để nhận được Thiên khí tốt, lựa chọn nơi phong cảnh thanh tú là để nhận được Địa khí tốt. Khi đã có đủ ba yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa thì thai nhi mới có thể tiếp nhận được khí tốt. Sau này trẻ sinh ra mới khỏe mạnh, thông minh xuất chúng.

Khi thai nhi hình thành và lớn lên thì điều quan trọng nhất là dưỡng thai. Mục đích của dưỡng thai là để trẻ phát triển khỏe mạnh và thông minh. Nhưng cổ nhân lại coi trọng việc dưỡng trước khi mang thai hơn là việc dưỡng thai. Tức là để sinh ra một đứa trẻ khỏe mạnh và thông minh thì trước tiên cha mẹ phải có sự khỏe mạnh về thể xác và tinh thần.

Trong sách “Đông y bảo giám” có ghi lại những điều kiêng kỵ nghiêm ngặt của người vợ và người chồng trước khi người vợ mang thai. Trong thời gian kiêng kỵ, vợ chồng không được động phòng, tức là không được phát sinh quan hệ vợ chồng. Vào những ngày mưa to, có sấm sét, có sương mù dày đặc, có nguyệt thực, nhật thực, địa chấn, đói khát hay ăn uống quá độ… đều không được động phòng. Đặc biệt, vào ngày người chồng hay người vợ có uống rượu, tinh thần mê man, không thanh tỉnh cũng không được động phòng.

Ngày nay, người ta rất chú trọng đến việc dưỡng thai và chăm sóc giáo dục con cái nhưng lại dường như không coi trọng việc dưỡng thể và tinh thần trước khi mang thai. Đặc biệt, có không ít vợ chồng trong ngày kết hôn ồn ào náo nhiệt, trong tình trạng mệt mỏi, uống rượu mê man không thanh tỉnh mà vẫn động phòng. Đây là điều mà cổ nhân rất kỵ húy, bởi thời điểm này không đáp ứng được các yếu tố “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Cổ nhân hiểu rõ tầm quan trọng của của yếu tố nơi chốn và thời điểm đến việc có thai nên đã lưu lại rất nhiều lời giáo huấn cho người đời sau thông qua các câu chuyện cổ. Dưới đây xin trích dẫn các câu chuyện được lưu truyền đến ngày nay, để thấy rõ việc cổ nhân coi trọng yếu tố thiên thời và địa lợi như thế nào.

Chuyện mẹ tể tướng Triều Tiên sinh con

Mạnh Tư Thành  (1360 -1438) là Tể tướng thời kỳ đầu của nhà Triều Tiên hay còn gọi là Lý Thị Triều Tiên. Ông nội của Mạnh Tư Thành rất thân thiết với vị tướng nổi tiếng Thôi Oánh – người có công đánh đuổi kẻ thù xâm lược từ bên ngoài và bảo vệ hoàng thất khỏi những cuộc nổi loạn trong nước. Họ thường ngồi đàm luận chuyện chính sự trong vườn nhà. Mạnh Tư Thành khi lớn lên đã kết hôn với cháu gái của vị tướng Thôi Oánh.

Về việc ra đời của Mạnh Tư Thành có câu chuyện như thế này:

Sau khi hôn lễ của cha mẹ Mạnh Tư Thành vừa chấm dứt thì cha của ông phải lên kinh thành dự thi. Sau đó ít lâu, mẹ của ông nằm mộng thấy ánh mặt trời như rơi về phía mình. Bà liền thuận tiện dùng váy hứng lấy. Càng nghĩ càng cảm thấy giấc mộng hệt như thật ấy rất kỳ quái nên kể lại cho bố chồng nghe.

Ông nội của Mạnh Tư Thành sau khi nghe xong liền nghĩ thầm: “Đây quả là giấc mộng báo điềm tốt!” Sau đó, ông nói với con dâu: “Ngàn vạn lần đừng kể ra ngoài!” Ông nội của Mạnh Tư Thành lập tức phái người đến báo cho con trai ở kinh thành đang chuẩn bị dự thi rằng cha ở nhà bị bệnh nguy kịch. Cha của Mạnh Tư Thành sau khi nhận được tin đã lập tức lên đường trở về.

 Sau khi về đến nhà, ông nội của Mạnh Tư Thành nói: “Bệnh của cha đã đỡ nhiều rồi, đừng lo lắng cho cha, hãy ở nhà nghỉ ngơi mấy ngày rồi đi.” Cha của Mạnh Tư Thành không hề biết nội tình gì nên thuận theo ý cha ở nhà nghỉ mấy ngày. Và đúng trong khoảng thời gian mấy ngày ấy mẹ của ông đã mang thai ông. Quả nhiên sau này mẹ của ông đã sinh ra một người con tài hoa như vậy.

Chuyện Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Vào thời nhà Lê ở làng An Tử Hạ, huyện Tiên Minh, xứ Hải Dương (nay thuộc xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng) có người phụ nữ đặc biệt thông minh tên là Nhữ Thị Thục. Bà là con gái của quan thượng thư bộ Hộ, tiến sĩ Nhữ Văn Lan dưới thời Lê Thánh Tông.

Vì sinh trưởng trong một gia đình khoa bảng danh giá nên bà Thục học rất giỏi, tính tình quyết đoán, thông kinh sử. Hơn nữa bà còn thông tỏ cả Dịch lý, tướng số, mang chí lớn. Biết tướng mạo của mình sẽ sinh quý tử, lại thấy khí số nhà Lê đã đến hồi suy tàn sắp mất, nên bà quyết chí phải lấy cho được người chồng có số làm vua hoặc có số sinh ra vua.

Cổ nhân coi trọng "Thiên - Địa - Nhân" trong việc sinh con thông minh
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Mãi sau này, bà Thục gặp được một ông đồ nhà quê ít tiếng tăm tên là Nguyễn Văn Định ở huyện Vĩnh Lại (tức Vĩnh Bảo ngày nay). Bà quyết định đến với ông vì biết rằng tướng số của ông có thể sinh ra quý tử.

Tương truyền, bà đã tính toán cẩn thận ngày giờ hợp cẩn để sinh ra Nguyễn Văn Đạt (tên khai sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm). Giai thoại nói rằng ngay từ đêm tân hôn bà đã dặn trước với chồng (Nguyễn Văn Định) là khi nào trăng lên đến đầu ngọn tre mới được động phòng, nào ngờ ông Văn Định động phòng hơi sớm nên bà thụ thai không đúng giờ tốt, vì thế tuy sinh quý tử nhưng không đạt được tới ngôi thiên tử về sau.

Sức người không thay đổi được thiên mệnh, tuy mẹ tinh thông tướng số, trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng không thể làm vua. Nhưng dù ông không phải là vua, thì các bậc vua chúa thời đó đều phải tới hỏi ý kiến ông (Xem bài: Mạn đàm về cuộc cờ người của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm). Điều đó giả như bà Nhữ Thị Thục biết được, thì cũng kể là một sự an ủi lớn.

Nguyễn Bỉnh Khiêm dù không là vua nhưng tiếng nói của ông lại quyết định cuộc cờ của các thế lực vua chúa thời bấy giờ. Ông đã giúp định hình nên nước Việt Nam hiện đại khi phân hóa các thế lực, tránh cho nước ta họa binh đao, và tạo tiền đề cho việc chúa Nguyễn mở rộng bờ cõi đến tận dải cực Nam của đất nước.

Làng Cổ Am: Đất học - Quê hương Trạng Trình
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Nguyễn Bỉnh Khiêm còn nổi tiếng với những lời tiên tri mà dân gian gọi là “Sấm trạng Trình” hay “Sấm ký Nguyễn Bỉnh Khiêm”. Đây là những lời được cho là có tính tiên tri của Nguyễn Bỉnh Khiêm về các biến cố chính của dân tộc Việt Nam trong khoảng 500 năm (từ năm 1509 đến khoảng năm 2019). Tiếc thay Sấm ký bị hậu nhân sửa đổi, tam sao thất bản, đến nay đã không còn có thể nhận ra đâu là bản gốc, cũng không biết được có còn đầy đủ hay chăng.

Chuyện mang thai của mẹ vua Chu Văn Vương

Ngoài việc coi trọng yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đối với việc hình thành thai nhi ra thì trong tư tưởng giáo dục đạo đức của người cổ đại còn coi trọng yếu tố “đức dục”. “Đức dục” được xem là yếu tố hàng đầu trong việc sinh ra con gái “công dung ngôn hạnh” và con trai tài đức hơn người.

Đạo đức được giáo dục cho thế hệ sau bắt đầu từ khi thai nhi vẫn còn nằm trong bụng mẹ. Lời nói, cử chỉ của bậc cha mẹ khi mang thai luôn lấy mình làm gương, khiến cho thai nhi được phát triển trong môi trường, điều kiện thuần khiết nhất.

Câu chuyện nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc về thai giáo phải kể đến Thái Nhâm, mẹ vua Chu Văn Vương, nhà Chu. Đây là câu chuyện nổi tiếng được nhiều người nhắc tới nhất.

Chu Van Vuong
Chu Văn Vương. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Trong cuốn “Chu Thất mam mẫu” có viết rằng, Thái Nhâm khi mang thai vua Chu Văn Vương, không xem kinh kịch bất chính, đau buồn, không nghe những điều dâm dục phóng đãng, không nói lời tự cao tự mãn, khi ngủ thì người luôn nằm ngay ngắn, đầu không gối lệch. Tư thế khi ngồi hay đứng, thân thể tuyệt đối luôn luôn ngay thẳng, phương pháp giáo dục thai nhi của Thái Nhâm vô cùng hiệu quả. Kết quả, bà đã sinh ra Vua Chu Văn Vương, ngay từ nhỏ đã tài đức hơn người, năng lực học tập xuất chúng.

An Hòa

Xem thêm:

Mời xem video: