Đạo làm quan thời xưa đại để là không làm phiền nhiễu dân chúng, không phô trương hình thức, không thể hiện quyền uy, giữ mực giản dị, gặp người nghèo khổ hay khốn khó thì dốc sức tương trợ, dù là hạng người thấp kém tù tội cũng không đối xử khác đi, thường xuyên quản thúc và giáo dục người nhà biết khiêm cung với dân… Người có thể làm “cha mẹ của dân” thì trước tiên phải coi dân làm cha mẹ của mình mà đối đãi. Trong lịch sử có không ít vị quan có thể làm cảm động dân chúng, không cần dùng cường quyền mà lại dẹp được tai ương, phản loạn, đạo tặc.

Đạo làm quan: Bỏ chức quan chuyên bắt đạo tặc mà dẹp được đạo tặc
(Tranh minh họa: Council Auction House, Public Domain)

Cung Toại là một quan viên địa phương vào thời kỳ Tuyên Đế nhà Tây Hán. Ông vốn chức quan không lớn, nhưng con người lại vô cùng cương trực, trung thành thờ chủ, là một bầy tôi dám can gián.

Cung Toại thông hiểu kinh thuật, làm Trung lang lệnh ở nước Xương Ấp, thờ phụng Xương Ấp vương là Lưu Hạ. Lưu Hạ chỉ biết ăn chơi hưởng thụ, hành vi không đoan chính, Cung Toại rất lo lắng, khiển trách thái phó và quốc tướng, hết lời khuyên can Lưu Hạ. Sau này Lưu Hạ lên ngôi Hoàng đế, nhưng chỉ tại vị 27 ngày thì bị triều thần đuổi khỏi ngôi vị vì làm nhiều điều trác táng, không xứng với ngai vị. Sau khi Lưu Hạ bị phế, các quần thần và tuỳ tùng từ nước Xương Ấp đếnbị hãm vào tội vô đạo, tất cả đều bị xử chết. Duy chỉ có Cung Toại và Vương Dương nhiều lần khuyên can, thực thi chức trách của mình nên được miễn trừ tội chết.

Lưu Hạ bị phế, Tuyên Đế tức vị. Sau khi Hán Tuyên Đế lên ngôi một đoạn thời gian, quận Bột Hải và khu vực lân cận có nạn đói, đạo tặc nổi lên khắp nơi, bách tính không thể yên ổn, dân bị đói liền muốn nổi dậy tạo phản. Lúc bấy giờ quan Thái thú quận không có năng lực chế phục bọn họ.

Tuyên Đế muốn chọn một người có thể bình định được tình hình đi làm thái thú ở quận Bột Hải. Thừa tướng và quan ngự sử đều hết sức tiến cử Cung Toại. Hoàng đến bèn mau chóng triệu kiến ông.

Lúc này Cung Toại đã quá tuổi cổ lai hi, hơn 70 rồi, vóc người thấp bé. Tuyên Đế khi triệu kiến thấy tướng mạo của Cung Toại, trong tâm có chút thất vọng nhưng vẫn hỏi: “Quận Bột Hải khắp nơi hoảng loạn, kỷ cương pháp luật lỏng lẻo, dân không an định, ông có kế sách gì có thể trị lý được nơi đó?”

Cung Toại đáp lại: “Quận Bột Hải là nơi xa xôi, không có được ân điển giáo hoá của Hoàng thượng, bách tính ở đó bị đói rét bức bách, quan lại địa phương không biết đồng cảm cứu tế, tích oán đã lâu, mới dẫn đến con dân của bệ hạ trộm cướp binh khí của Thánh triều, chơi đùa một chút ở bên hồ nước, chứ không phải là bọn họ có lòng phản loạn đâu!”

Cung Toại hỏi lại: “Ngài dự tính để thần đi tiêu diệt bọn họ hay là đi vỗ về họ?”

Hoàng đế nói: “Trẫm tuyển hiền lương năng thần đi Bột Hải, đương nhiên là muốn tiến hành vỗ về bọn họ.”

Thế là Cung Toại bày tỏ: “Thần nghe nói trị lý bách tính vốn đã mất đi trật tự, thì như là gỡ cuộn dây rối vậy, dục tốc tất sẽ bất đạt, chỉ có thể từ từ làm, mới có thể đạt được mục đích. Thần hy vọng sau khi nhậm chức, Thừa tướng và Ngự sử đối với công việc của thần tạm thời không nên hạn chế như lệ thường, mà cho phép thần căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương mà xử trí.”

Tuyên Đế đáp ứng yêu cầu này của Cung Toại, và đặc biệt ban tiền vàng cho ông, để ông sắm thêm xe ngựa đi lại. Cung Toại ngồi trên xe ngựa tiến vào địa giới quận Bột Hải, các quan lại ở quận phủ nghe nói có Thái thú mới đến nhậm chức, liền phái quan binh xếp hàng nghênh tiếp. Cung Toại thấy vậy, liền bảo bọn họ lui đi hết.

Việc đầu tiên Cung Toại làm khi còn chưa đến quận phủ là lập tức phát ra công văn, lệnh cho các huyện sở thuộc triệt bỏ hết quan lại và chức vị chuyên để truy bắt đạo tặc. Cung Toại phân chia lương dân và đạo tặc như vậy: Những người nào tay cầm nông cụ thì đều là lương dân, quan lại không được hỏi tội họ, còn những người mang theo binh khí thì mới tính là đạo tặc.

Sau đó, Cung Toại không mang theo bất cứ tuỳ tùng nào, chỉ một mình ngồi xe đến quận phủ.

Cách làm của Cung Toại được mọi người tín nhiệm, rất nhanh chóng bách tính trong quận đều lần lượt an định trở lại, đạo tặc cũng ngừng hoạt động.

Trong quận Bột Hải còn có một số người kết bè trộm cướp, sau khi nghe được giáo lệnh của Cung Toại, liền tự động giải tán, buông bỏ binh khí trong tay mà cầm lấy nông cụ. Như vậy Cung Toại không phí một binh một tốt, đã bình định được cướp bóc phản loạn, bách tính bắt đầu an cư lạc nghiệp.

Cung Toại lại cho mở kho thóc, lấy thóc cho bần nông mượn, còn tuyển chọn một số quan lại thanh liêm để vỗ về bách tính.

Qua tìm hiểu, Cung Toại phát hiện người ở khu vực Bột Hải ưa tác phong xa xỉ, không coi trọng làm ruộng trồng trọt, chỉ thích buôn bán thương phẩm. Thế là ông tự lấy mình làm gương thi hành chính sách tiết kiệm, khuyên bảo bách tính chăm chỉ làm ruộng canh tác, bảo mỗi người đều trồng 1 cây du, 100 cây giới (củ kiệu), 50 cây hành, 1 vườn rau hẹ, mỗi nhà nuôi 2 con lợn nái, 5 con gà, giúp đỡ họ xây dựng cơ sở vụ nông.

Phát hiện trong dân vẫn còn có người mang đao mang kiếm, Cung Toại cũng không cho bắt hay trách phạt, mà khuyên họ bán kiếm để mua trâu cày, bán đao để mua nghé, và nói hóm hỉnh: “Tại sao lại mang trên người trâu và nghé?”

Đến mùa xuân hạ, Cung Toại ra sức khuyên bách tính đều phải xuống đồng làm việc, đến Thu Đông thì đốc thúc họ thu hoạch.

Cung Toại còn cổ động mọi người tích lũy những sản phẩm nông nghiệp phụ như trái cây, củ ấu.

Nhờ Cung Toại cần cù đốc thúc, trong quận Bột Hải, nhà nhà đều trữ lương thực, khiến dân dần dần trở nên đầy đủ sung túc, tố tụng và tội phạm trong xã hội ít đi nhiều.

Mấy năm sau, Hán Tuyên Đế triệu Cung Toại về kinh. Bởi vì Cung Toại tuổi tác đã cao, Hoàng đế quý tiếc, bèn để ông phụ trách sắp đặt đình Thượng Lâm Uyển, giữ lại ở bên cạnh mình, quản lý công việc tông miếu tế tự, đảm nhiệm chức Thuỷ hoành đô uý.

Chuyện về Cung Toại sau này được chép trong Hán Thư, Tuần Lại truyện.

Theo “Cung Toại trung thành can gián thờ chủ – Dẹp đạo tặc trong hoà bình
Đăng trên Minghui.org

Xem thêm:

Mời xem video: