Càng lớn trẻ càng phát triển tư duy, chúng sẽ không ngừng lại ở những câu hỏi tại sao để tìm hiểu sự vật, hiện tượng nữa mà tiến đến mức cao hơn: Tìm hiểu bản chất của sự việc thông qua câu hỏi: “Chuyện gì vậy?”

Chẳng hạn trẻ gặp một người mù và thắc mắc với bạn. Khi trẻ bốn, năm tuổi, bạn có thể dừng lại sau khi giải thích cho trẻ mù là gì, nhưng với trẻ sáu tuổi trở lên bạn sẽ phải giải đáp nhiều hơn bởi chúng sẽ đặt tiếp câu hỏi: “Chuyện gì xảy ra với ông ấy?” Lúc này trẻ đã có sự liên hệ, kết nối hiện tượng, muốn tìm hiểu nhiều hơn để biết nguyên nhân của sự việc.

Nếu người mù trẻ gặp là một người lạ, chúng ta sẽ lúng túng bởi chúng ta cũng không biết chuyện gì xảy ra với ông. Có hai cách trả lời:

1. “Nhiều chuyện quá. Ai biết làm sao ông ấy bị mù. Trẻ con hỏi linh tinh.” Đây là thái độ sai của bố mẹ.

2. “Bố, mẹ không biết lý do chính xác vì sao ông ấy bị mù. Có thể có nhiều nguyên nhân làm cho một người bị mù như: khi sinh ra đã bị mù. Cũng có thể khi lớn ông ấy đã bị bệnh nào đó làm cho bị mù. Cũng có khả năng ông gặp tai nạn. Con may mắn sinh ra không bị mù như ông, con cần cẩn thận giữ gìn đôi mắt của mình. Và con thấy đó, ông ấy gặp khá nhiều khó khăn trong việc đi lại và trong cuộc sống, chúng ta sáng mắt, chúng ta may mắn hơn ông nên nếu ông ấy cần giúp đỡ thì chúng ta nên giúp.”

Cách trả lời thứ hai làm chúng ta mất nhiều thời gian hơn, nhưng thông qua đó bạn dạy được cho con ba bài học:

1. Nhận biết đằng sau một sự việc có thể có rất nhiều câu chuyện nên ta không thể đoán mò bất cứ chuyện gì, không suy diễn khi chưa đủ dữ kiện cần thiết.

2. Biết quý trọng giữ gìn những gì mình đang có.

3. Lòng nhân ái.

Mỗi sự vật, sự việc, hiện tượng đều ẩn chứa câu chuyện đằng sau và nó là nguyên nhân, bản chất của sự việc, hiện tượng. Nếu ta cắt mạch tư duy của trẻ, không cho con tìm hiểu thì khi lớn trẻ chỉ biết nhìn thấy sự việc, hiện tượng mà không tìm hiểu nguyên nhân. Con sẽ trở thành người hời hợt, không có khả năng thấu hiểu. Con sẽ chỉ biết đòi hỏi cho bản thân mà không cần biết để đáp ứng cho đòi hỏi đó bố mẹ đã phải làm gì.

Ta thấy, nhiều bậc bố mẹ than phiền con cái đua đòi, thấy bạn có gì là về đòi thứ đó mà không biết hoàn cảnh gia đình mình ra sao. Chúng ta trách mắng trẻ hư. Nhưng trẻ như thế là do chúng ta cả. Chúng ta đã không hề giải thích, không tạo cho chúng tư duy liên kết câu chuyện để nhận biết nguyên nhân, bản chất của hiện tượng để thấu hiểu. Trẻ phải thấu hiểu được câu chuyện thì mới có được sự cảm thông. Chúng ta đã vì thiếu hiểu biết hoặc vì lười mà làm thui chột khả năng tư duy của chúng khi quát nạt chúng “nhiều chuyện” mỗi khi chúng tìm hiểu một câu chuyện gì đó thậm chí ngay khi đó là chuyện trong nhà.

Chúng ta thường coi trẻ là trẻ con và trẻ con thì không nên biết chuyện người lớn. Trẻ không được biết để có chén cơm ăn, thức ăn ngon trên bàn thì bố mẹ phải lao động vất vả thế nào nên chúng không biết thấu hiểu. Khi chúng đòi hỏi một điều gì đó mà ta không thể đáp ứng, ta mắng chúng không biết thấu hiểu, ta than vãn rằng ta cực khổ nhưng chúng ta cũng không hề giải thích về công việc, về lương, về tiền, về vật giá, về hoàn cảnh nhà mình.

Bố mẹ cãi nhau trước mặt con, con nhìn thấy, trong lòng chúng sẽ đặt câu hỏi: “Chuyện gì đang xảy ra?” Nhưng, thường là bố mẹ lờ tịt, giả vờ như không có chuyện gì, không xin lỗi trẻ vì đã để con chứng kiến việc đó, không một lời giải thích với trẻ, không để ý đến cảm xúc của trẻ và cũng không cho rằng việc đó làm chúng tổn thương. Chúng ta coi đó là việc bình thường. Câu hỏi trong lòng trẻ không có lời giải đáp chính xác, con sẽ suy diễn theo lý lẽ của con và sẽ phản ứng lại theo những cách tiêu cực nhất có thể mà không quan tâm đến cảm xúc của người khác. Bởi chúng nghĩ sự ra đời của chúng là kết quả của một sự lộn xộn chứ không phải từ tình yêu. Thậm chí có trẻ sẽ tự đổ lỗi cho bản thân vì những cuộc cãi vã của bố mẹ.

Một số bố mẹ dạy con lao động, làm việc nhà theo kiểu áp đặt: Yêu bố mẹ thì phải có hành động, phải phụ giúp. Kết quả là chúng sẽ làm nhưng thường trốn việc và làm qua loa cho xong. Điều đúng cần làm phải là yêu trẻ vô điều kiện. Dạy làm việc nhà là hướng dẫn cho trẻ tính tự lập, khả năng tổ chức cuộc sống, nghĩa là tạo cho trẻ kỹ năng sinh tồn cho chính chúng chứ không phải là dạy trẻ yêu thương có điều kiện. Trẻ phải hiểu nguyên nhân thực sự chúng đang học làm việc là cho chính chúng thì trẻ mới tự nguyện làm việc trong yêu thích, từ đó hiểu được giá trị của lao động, giá trị của mỗi vật, mỗi việc, hiểu được điều kiện, hoàn cảnh và biết cái gì cần cái gì chưa. Tính tự trọng cũng được xây dựng từ những điều như thế.

Mình thường khuyên các ông bố bà mẹ nói chuyện với con, chia sẻ với chúng, coi chúng là bạn. Ít người làm được bởi để làm được điều đó thì bố mẹ phải từ bỏ việc lạm dụng uy quyền. Từ bỏ uy quyền là điều khó bởi ai cũng thích có uy với người khác, ngay cả khi chỉ là cái uy chút xíu với con của mình.

Chúng ta phải hiểu, với trẻ con, không có cái gì là “linh tinh, tào lao”. Mỗi câu hỏi chúng đặt ra đều có lý do của nó. Để trẻ phát triển tư duy một cách toàn diện, bố mẹ cần hiểu biết, cần thay đổi phương pháp dạy, yêu, chăm sóc và nhất là phải tôn trọng trẻ như một thành viên bình đẳng trong gia đình và chúng xứng đáng, có quyền được biết chuyện gì đang diễn ra trong gia đình, rộng hơn là chuyện ngoài xã hội.

Đến đây, nhiều ông bố bà mẹ lại kêu không có thời gian. Bớt một buổi chơi, bớt bắt trẻ học thêm đi thì sẽ có thời gian cho cả bố mẹ lẫn con cái.

Nguyễn Thị Bích Ngà

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây

Xem thêm cùng tác giả:

Mời xem video: