Cùng với môn Sử, môn Văn là nỗi khiếp sợ của nhiều học sinh trong trường học.

Trong khi số tiết của môn Văn rất nhiều. 12 năm mà ghét tiếng Việt, ghét văn thì đi học như cực hình.

Có nhiều lý do trong đó có một lý do mà tôi khám phá ra trong tư cách người ngoài cuộc (vì không dạy văn).

Đó là hầu như trong suốt 12 năm học đó học sinh phải học văn của người khác-bình luận-lý giải văn của người khác mà không bao giờ được phân tích, mổ xẻ-đánh giá, bình luận về văn của mình hay của bạn mình (tức là của học sinh).

Nếu như ở nước ngoài (ví dụ như Nhật) chuyện giáo viên cho học sinh viết về cuộc sống của chính học sinh, về chủ đề tự do rồi lấy chính bài viết của học sinh đó làm giáo tài để đưa ra cho cả lớp học tập về ngữ pháp, biểu đạt, tu từ… thì ở Việt Nam chuyện đó rất hiếm.

Chính vì thế mà văn học là thứ gì đó giống hàng mã trang trí hay để thi, không hữu ích gì cho đời sống cá nhân học sinh và cộng đồng.

Học giỏi văn, ngoài chuyện phục vụ thi hay vào thẳng đâu đó, không đem lại sự thuyết phục đáng kể cho người khác.

Tức là nó vẫn là một thứ gì đó giống như “hư văn” mà các cụ ta đầu thế kỉ XX bắt đầu phê phán dữ dội.

Trong khi, ngôn từ-văn chương có thể đem đến cho con người nhiều thứ.

Giản đơn bởi vì nó là tiếng nói của con người. Tiếng nói của con người là món quà mà Tạo hóa, Thượng đế ban tặng cho loài người. Những gì tha thiết nhất, đau khổ nhất con người đều biểu đạt qua tiếng nói. Tiếng nói có thể lay động lòng người, thay đổi số phận con người, thay đổi thế giới.

Làm sao để học văn trở nên hấp dẫn?

Làm sao để học sinh yêu tiếng Việt?

Làm sao để học sinh có thể cảm nhận được những rung cảm sâu xa trong tiếng mẹ đẻ?

Không có sự rung cảm ấy, giáo dục sẽ không đến được mục tiêu cho dù dựa vào kĩ thuật cao siêu thế nào đi chăng nữa.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: