Ở Nhật Bản vào tháng tư các trường phổ thông thường tổ chức những “giờ học công khai” kết hợp với họp phụ huynh để tạo điều kiện cho phụ huynh tìm hiểu trực tiếp việc học tập và sinh hoạt của con ở trường. Trong tháng tư này lần đầu tiên tôi có cơ hội để tham dự một buổi họp phụ huynh tổng thể ở trường mầm non Nhật Bản.

Tham quan giờ học

Trước khi tham gia buổi họp phụ huynh toàn trường, các phụ huynh sẽ được quan sát giờ học và sinh hoạt của con ở trường. Đây là cơ hội để phụ huynh tìm hiểu cụ thể về đời sống trường học của con cũng như các công việc chuyên môn của giáo viên. Để công việc giáo dục trẻ diễn ra trôi chảy sự thông cảm và hiểu biết của phụ huynh đối với nhà trường rất quan trọng.

Thông tin từ phía trường học

Trong buổi họp phụ huynh toàn trường (100 học sinh), nhà trường sẽ cung cấp các thông tin cơ bản tổng kết một năm học vừa qua và kế hoạch trong năm tới. Trước đó một tuần, trường đã cho phụ huynh đăng ký tham dự để chuẩn bị tài liệu phát cho phụ huynh. Buổi họp được tổ chức vào ngày chủ nhât để tất cả các phụ huynh có thể tham dự thuận lợi.

Những nội dung cơ bản nhất nhà trường thông báo tới phụ huynh bao gồm: thu chi tài chính trong năm vừa qua, giới thiệu ban chấp hành của hội phụ huynh mới, nhắc nhở những quy định an toàn khi ra vào trường.

Nội dung quan trọng nhất có lẽ là phần trình chiếu hình ảnh giới thiệu hoạt động trong một năm qua.

Điều thú vị là người tổng kết các hoạt động này không phải là giáo viên trong trường mà là một người sống cạnh trường – một giáo viên của trường “Hướng dẫn tìm hiểu thiên nhiên”. Ông cho biết trường mầm non hiện tại đang cố gắng thực hiện phương châm “chuyển từ vui chơi trong nhà ra vui chơi ngoài thiên nhiên”. Vì thế các hoạt động của trẻ thường trong suốt một năm qua hầu hết là ở ngoài trời. Các slide ảnh được sắp xếp có chủ ý sao cho mỗi trẻ đang học ở trường đều xuất hiện ít nhất một lần.

Nội dung cuối cùng là phần bài giảng của ông cho phụ huynh về mối quan hệ giữa vui chơi trải nghiệm thiên nhiên và sự phát triển của trẻ. Ông là người có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Bài giảng của ông tập trung vào mấy điểm cơ bản sau.

(1) Hiện trạng của trẻ em

– Trẻ em hiện tại có nhiều đồ chơi, game, các thiết bị kĩ thuật số để vui chơi, giải trí nhưng hệ quả của nó là xuất hiện những trẻ không muốn ra bên ngoài chơi hoặc không thể chơi ở bên ngoài thiên nhiên, không có khả năng giao tiếp và kết bạn với các trẻ khác.

– Bên ngoài ẩn chứa và gia tăng nhiều mối nguy hiểm (tội phạm, tai nạn giao thông… ) và trong xã hội hiện tại không còn có những “thủ lĩnh trẻ em” đóng vai trò lãnh đạo hoạt động vui chơi tự chủ của trẻ em.

– Người lớn ngày càng bận hơn với công việc và không có thời gian để đưa con vui chơi ở bên ngoài.

– Trẻ em có xu hướng biết đến các sự vật thông qua internet, tivi nhưng không hề biết đến vật thật ở bên ngoài.

(2) Hiện trạng của người lớn

– Người lớn có xu hướng lo con gặp nguy hiểm khi vui chơi ở bên ngoài nên giữ con ở nhà, trong phòng.

– Cả người lớn và trẻ em đã quen với cuộc sống tiện nghi sử dụng điều hòa nhiệt độ nên dẫn tới hiện tượng cơ thể điều tiết nhiệt độ kém, dễ bị cảm lạnh hoặc cảm nắng khi ở ngoài trời.

(3) 5 lĩnh vực mà giáo dục trẻ em hướng đến

– Sức khỏe

– Quan hệ con người

– Môi trường

– Ngôn ngữ

– Biểu hiện

Khi trẻ em được vui chơi, trải nghiệm ngoài thiên nhiên thì trẻ em sẽ phát triển một cách tự nhiên cả 5 lĩnh vực trên.

Trong quá trình đó trẻ sử dụng cả 5 giác quan (thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác, vị giác) cho nên năng lực tưởng tượng, tư duy, trí tò mò, lòng ham khám phá sẽ phát triển mạnh mẽ.

Hoạt động trải nghiệm, vui chơi ngoài thiên nhiên cũng có mối quan hệ chặt chẽ với học tập tích cực “active learning”.

(4) Phụ huynh nên làm gì?

– Nên đưa trẻ dưới ba tuổi đến chơi ở những địa điểm quen thuộc. Với trẻ nhỏ ở độ tuổi này những địa điểm ngoài trời quen thuộc sẽ làm cho trẻ có cảm giác an tâm. Ngay cả những nơi quen thuộc sẽ vẫn có sự thay đổi về phong cảnh và trẻ có thể quan sát, cảm nhận điều đó.

– Tạo điều kiện cho trẻ sử dụng 5 giác quan khi vui chơi thông qua ngửi, sờ, xem, nghe, nếm…

– Nên đồng cảm, khuyến khích, khen ngợi các hoạt động của trẻ để làm gia tăng lòng tự tin và mong muốn hoạt động của trẻ.

– Tránh nói các câu nói có ý tiêu cực, phủ định, phủ nhận hoạt động của trẻ như “Không được làm như thế”, “Nguy hiểm quá. Thôi ngay”

– Nên cùng trẻ đọc ehon ở bên ngoài thiên nhiên. Cùng là một cuốn sách nhưng khi đọc ở trong phòng và đọc giữa thiên nhiên sẽ đem lại cảm xúc và kết quả khác nhau.

– Không quá e ngại chuyện “thời tiết xấu” vì đối với trẻ em mưa hay tuyết đều là những thứ… bình thường.

(5) Ở bên trong nhà hay ở ngoài trời nguy hiểm hơn?

– Ở trong phòng cũng có những mối nguy hiểm không kém ngoài trời.

– Khi vui chơi bên ngoài thông qua trải nghiệm trẻ sẽ biết cách bảo vệ bản thân.

– Những đứa trẻ lúc nhỏ ít ngã thì khi vào tiểu học thường sẽ bị ngã đau và bị thương do không được “học cách ngã”.

– Phòng chống côn trùng: nên tự làm sử dụng các hương liệu tự nhiên vì các loại bán sẵn ở cửa hàng có sử dụng chất diệt cỏ giống như chất độc da cam sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

(6) Vai trò của người lớn

– Lên kế hoạch và chuẩn bị

– Tạo cơ hội cho trẻ vui chơi và để cho trẻ tự chủ động nghĩ ra và tổ chức trò chơi.

– Hướng đến tạo ra những đứa trẻ biết tự suy nghĩ và tự mình hành động.

Ở đây, người giảng bài chủ yếu trình bày về vai trò và cách thức tổ chức trẻ em trải nghiệm thiên nhiên mà không đề cập đến việc tạo ra hay giữ gìn thiên nhiên tươi đẹp. Có lẽ điều này là hiển nhiên ở Nhật và những thế hệ trước đã tạo ra di sản tuyệt vời cho thế hệ đi sau.

Trường mầm non con tôi học đã sáp nhập vào một trường mầm non khác trong thành phố vì dân số già, không còn trẻ em vào học nữa. Tình trạng này diễn ra ở nhiều nơi thuộc vùng nông thôn hoặc các thành phố địa phương trong khi ở Tokyo nơi mật độ dân số cao lại thiếu trường mầm non và nhà trẻ khiến cho phụ huynh phải xếp hàng chờ khổ sở.

Nguyễn Quốc Vương
Nhật Bản, 1/5/2016

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: