Sách “Đông Kinh mộng hoa lục” viết rằng thời xưa, trước khi tiết lập đông đến thì từ trong cung cấm cho đến dân gian đều tích trữ lương thực và các loại thực phẩm khác nhau để chuẩn bị sống qua mùa đông. Trên đường phố, giao thông tấp nập, xe ngựa và lạc đà chở đầy lương thực về nhà tạo thành một khung cảnh của sự khởi đầu mùa đông. Tiết lập đông diễn ra vào tháng 10 âm lịch, và là một trong “Tứ lập” của năm, là thời điểm đánh dấu sự bắt đầu của mùa đông. Từ góc độ ý nghĩa tinh thần của “Thiên nhân hợp nhất” mà xét thì tinh thần dưỡng sinh mùa đông chính là “bế tàng”, “dưỡng tàng”.

Dưỡng sinh mùa đông theo y học cổ đại
(Tranh minh họa: Public Domain)

Thời cổ đại, vào ngày lập đông Thiên tử sẽ long trọng tổ chức tế điển nghênh đón mùa đông. Trong “Lễ ký” thời nhà Chu viết: “Ngày lập đông, Thiên tử dẫn đầu tam công, cửu khanh, chư hầu, đại phu đến phía bắc để nghênh đón mùa đông, truy thưởng cho những người đã hy sinh và trợ cấp cho trẻ mồ côi, người góa bụa”. Mùa đông cũng là mùa cảm tạ sự chiếu cố của Trời đất, thực hành đức tính cẩn trọng và thương xót sinh mệnh. 

Ý nghĩa của lập đông đối ứng với cơ thể con người, đó là thời điểm bắt đầu khiến thân thể ẩn náu và nghỉ ngơi dưỡng sức. Mùa đông đến rồi, vạn vật đều thu tàng tích trữ, người ta cũng nên ăn một ít đồ ăn nóng ấm bụng, ấm người để dự trữ năng lượng cho mùa đông. 

Trí tuệ của y học cổ đại nổi tiếng với việc dưỡng sinh tuân theo Ngũ hành, cho rằng ba tháng mùa đông là một thời kỳ quan trọng để dưỡng sinh, tích lũy sức sống của sinh mệnh. “Đông không tàng tinh, mùa xuân tất sẽ bệnh”, con người đã vất vả lao động, ưu tư lo nghĩ qua ba mùa xuân, hạ, thu, nguyên khí bị hao tổn, cần dựa vào dưỡng tàng bồi bổ trong mùa đông, dưỡng sức, dự trữ sinh lực cho mùa xuân tới, nếu không đến mùa xuân sẽ dễ sinh bệnh.

Từ dưỡng sinh theo ngũ hành mà xét, mùa đông thuộc hành Thủy, tương ứng với tạng thận trong cơ thể. Thận chủ tinh của sinh mệnh, là chủ sức sống của cơ thể, mùa đông thận khí mạnh nhất, nên lợi dụng thời gian này để bảo dưỡng sinh mệnh là cơ hội tốt nhất. “Hoàng Đế Nội Kinh” nói rằng: “Thận chủ thủy, tích trữ tinh hoa của lục phủ ngũ tạng”, ý là tạng thận cất giữ tinh hoa của toàn thân, như là cốt tủy sinh trưởng, sinh con đẻ cái, mọc răng, khả năng nghe của tai đều đến từ chức năng của thận. Mùa đông không dưỡng tinh thần, bồi đắp sức lực thì sẽ tổn hại đến căn bản của sinh mệnh, trở nên chưa già đã yếu. Cụ thể, dưỡng sinh vào mùa đông cần chú ý một số phương diện như sau:

Sinh hoạt và làm việc

Sách “Hoàng Đế nội kinh” nhắc nhở mọi người vào mùa đông phải đi ngủ sớm và phải đợi đến lúc dương khí ấm lên, ánh mặt trời chiếu xuống mặt đất thì mới bắt đầu các hoạt động trong ngày. Ngủ đủ giấc hay giấc ngủ ngon sẽ giúp nuôi dưỡng và phục hồi cơ thể và tinh thần.

Mùa đông cần phải cẩn thận giữ ấm cơ thể, tránh để cơ thể bị lạnh, không để cơ thể tiếp xúc với gió lạnh, không khí lạnh, mặc quần áo nhẹ và ấm, đồng thời đừng lơ là giữ ấm tay chân, đầu.

Ban đêm khi đang ngủ muốn đi vệ sinh thì không nên coi nhẹ việc giữ ấm trước khi rời khỏi giường. Buổi sáng trước khi rời khỏi giường cũng nên làm ấm tay chân, sau đó uống nước ấm, đợi nhiệt độ cơ thể ấm lên rồi mới ra ngoài nhà hoạt động để tránh các bệnh về tim mạch.

Bảo dưỡng

Trong cuốn “Hoàng Đế nội kinh” viết: “Xuân hạ dưỡng dương, thu đông dưỡng âm”, ba tháng mùa đông là tháng “bế tàng”, cho nên trong vấn đề dưỡng sinh điều khí cần coi trọng dưỡng âm, dưỡng tàng, nghỉ ngơi dưỡng sức, nếu làm ngược lại sẽ gây tổn hại đến cái gốc của sinh mệnh. Vào mùa đông không nên làm việc quá sức cả tâm trí và cơ thể, không nổi nóng cáu giận để giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Ngâm chân vào nước ấm có tác dụng bổ thận, dưỡng tâm an thần, tốt cho sức khỏe. Người bị cảm có thể ngâm chân vào mỗi buổi sáng để xua tan cái lạnh, sưởi ấm cơ thể cả ngày. Ngâm sao cho nước ngập đến mắt cá chân, ngâm trong khoảng 15 phút là được, lâu dài sẽ có hiệu quả.

Vận động

Vào mùa đông không nên vận động mạnh mẽ quá, chỉ nên vận động nhẹ nhàng ở mức đổ mồ hôi lượng nhỏ trong khi tập luyện là đủ. Mùa đông cần tránh các hoạt động mang tính cạnh tranh để tránh gây căng thẳng, áp lực cho tâm lý. Nên lựa chọn vận động vào ban ngày để hấp thụ dương khí từ ánh nắng. 

Ẩm thực

Vào mùa đông không nên ăn đồ sống, đồ lạnh để tránh làm tổn thương dương khí. Uống nước ấm và ăn đồ ăn nóng ấm có thể giữ ấm thể xác và tinh thần từ bên trong. 

Nếu cơ thể không yếu nhược, có thể ăn những thực phẩm có tính ôn để trị lạnh như thịt gà, cá, gạo nếp, hạt dẻ, bạch quả… Không nên ăn quá nhiều đồ ăn có tính nóng để tránh dương khí thăng lên quá mức không phù hợp với nguyên tắc ẩn náu dương khí vào mùa đông.

Ngoài ra, người nam, nữ, già trẻ lớn bé và có thể trạng khác nhau cho nên không thể bồi bổ vô nguyên tắc. “Thiếu niên chú trọng vào dưỡng, trung niên chú trọng vào điều hòa, lão niên chú trọng vào bảo vệ, người trên 80 tuổi chú trọng trì hoãn, kéo dài tuổi thọ”, cho nên việc bồi bổ vào mùa đông cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp với từng cá nhân.

Mùa đông là thời điểm tốt nhất để bổ thận, nhưng bổ thận cũng có sự khác nhau giữa “thận dương hư” “thận âm bất túc”, cho nên muốn bồi bổ thì cần phải hiểu về thể trạng của bản thân mình, nếu không sẽ phản tác dụng.

Mùa đông thuộc hành Thủy trong ngũ hành, đối ứng với màu đen, cho nên những thực phẩm có màu đen và nguyên liệu ấm áp thường thích hợp để nạp lại năng lượng vào mùa đông, như vừng đen, đậu đen, gạo nếp đen, mộc nhĩ đen, nấm hương, táo đen, hà thủ ô… Các gia vị có tính ấm như gừng, tỏi, quế, hồ tiêu, thì là… cũng có tác dụng làm ấm thân dưỡng thận và thường được người xưa dùng nhiều vào mùa đông. 

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: