Làng Xuân Viên thuộc huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, nằm dưới chân núi Hồng Lĩnh. Xưa kia làng có tiếng là vựa lúa lớn, vì thế mà có câu:

Lắm ló Xuân Viên
Lắm quan Tiền Điền

trong đó từ “ló” là tiếng địa phương, nghĩa là lúa. Đây là ngôi làng cổ. Đến thời Lê Trung Hưng, làng gắn liền với dòng họ Ngụy thành danh với nhiều người đỗ đạt. Họ Ngụy đến làng từ thời nhà Hồ.

Nguồn gốc họ Ngụy

Xưa kia Hồ Quý Ly cương quyết chống nhà Minh, nhưng dù xây dựng thành trì kiên cố, quân đội đông, nhưng không được dân ủng hộ nên thất bại. Năm 1407, cha con Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương chạy đến sông Mã Giang thì bị quân Minh đuổi kịp.

Tình thế cấp bách, mà xưa nay Vua thường chọn cách tuẫn tiết vì nước chứ không để sa vào tay giặc. Vì thế tướng Ngụy Thức vội tâu lên rằng: “Nước đã mất, làm vua không nên để cho người ta bắt, xin bệ hạ tự thiêu mà lưu tiếng nghìn thu”.

Hồ Quý Ly tức giận sai chém chết Ngụy Thức, rồi chạy trốn đến Nghệ An, nhưng đến Kỳ La (Hà Tĩnh) thì cha con Hồ Quý Ly đều bị bắt.

Con cháu Ngụy Thức ở ẩn ở đất Xuân Viên, sau này dòng họ nổi tiếng về khoa bảng, được sử sách ca ngợi.

Họ Ngụy nhiều đời đỗ đạt

Người đỗ khai khoa cho họ Ngụy làng Xuân Viên là Ngụy Khắc Hài, đỗ tam trường khoa thi năm 1780 thời Lê Trung Hưng, giữ chức Tri huyện Thiên Lộc, sau đó về quê dạy học.

Con ông là Ngụy Khắc Tuần đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm 1826 thời vua Minh Mạng. Ngụy Khắc Tuần làm quan qua các chức vụ khác nhau, sau thăng làm Thượng thư bộ Hộ. Năm 1841, ông dâng sớ xin lập phủ Điện Biên (nay là tỉnh Điện Biên).

Năm 1851, Ngụy Khắc Tuần được bổ nhiệm làm Tổng đốc Hưng Yên, ông làm việc rất tốt và có tiếng nên được Vua quý.

Nằm trong những sứ thần đầu tiên đến phương Tây

Ngụy Khắc Hài có người cháu nội là Ngụy Khắc Đản sinh năm 1817, nổi tiếng thần đồng từ nhỏ.

Khoa thi năm 1856, Ngụy Khắc Đản đỗ đầu. Khoa thi này không lấy Trạng nguyên hay Bảng nhãn nên ông đỗ Đình nguyên Thám hóa. Bài đối sách của ông được Vua khen hay, ví như con hạc nổi bật trong đàn gà. Ngụy Khắc Đản làm ở Viện Hàn lâm, sau làm Án sát sứ Quảng Nam.

Năm 1858, quân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng. Năm sau, quân Pháp chuyển hướng tấn công Nam bộ. Năm 1862, Triều đình nhà Nguyễn ký Hoà ước nhâm tuất nhượng cho Pháp 3 tỉnh miền Đông.

Sau đó, nhận thấy sự bất bình của các nhân sĩ và dân Nam bộ, vua Tự Đức muốn chuộc lại 3 tiển miền Đông thông qua ngoại giao. Vua cử đoàn sứ thần của Đại Nam sang Pháp gồm: Chánh sứ Phan Thanh Giản, phó sứ Phạm Phú Thứ và bồi sứ Ngụy Khắc Đản.

Đó là những người đầu tiên đến trời tây thông qua con đường ngoại giao. Chuyến đi này qua nhiều vùng đất khác nhau, họ học được rất nhiều về văn hóa, khoa học kỹ thuật, cũng như các nghi lễ và văn minh phương Tây.

Họ Ngụy làng Xuân Viên
Đoàn sứ bộ Đại Nam, hàng ngồi tứ trái sang phải lần lượt là: Ngụy Khắc Đản, Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ. (Ảnh: Emile Gsell, qua Manhhai, Flickr)

Trong chuyến đi này, Ngụy Khắc Đản đã vết cuốn nhật ký hành trình “Như tây ký”. Trở về nước ông trình lên vua những gì chứng kiến từ nền văn minh phương Tây. Sử nhà Nguyễn không ghi chép nhiều về chuyến đi này, những vua Tự Đức quan tâm hơn đến văn minh phương Tây. Dầu vậy, các quan trong Triều đình chưa đến phương Tây hầu hết phản đối những thay đổi mà đoàn sứ thần đề xuất.

Cháu nội của Ngụy Khắc Đản là Ngụy Khắc Giản đỗ cử nhân, được bổ nhiệm làm Huấn đạo Hương Sơn, sau lại làm Kinh lịch ra giúp Tổng đốc Thanh Hóa. Ông xử lý các việc công bằng, làm việc nghiêm minh nên được dân chúng mến trọng.

Ngụy Khắc Giản đóng góp rất nhiều cho làng Xuân Viên. Vua cũng tặng cho làng 4 chữ “Mỹ tục khả phong”.

Năm 1940, Ngụy Khắc Đản làm bài ca nên lên 8 điều khuyên răn cho dân chúng dễ thuộc. Bài ca nói về xây trường, mời thầy, xem trọng việc học.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: