Ảnh này có thật không? Chắc chỉ người trong cuộc mới biết. Tôi lấy trên báo Dân Trí khi tôi thấy một giáo viên dạy tiếng Anh trên Mộc Châu rất tích cực khuyến đọc là chị Thu Thủy chia sẻ. Nhưng tôi nghĩ nó rất gần thực tế. Học sinh hiện tại bị cha mẹ, thầy cô, nhà trường và cả xã hội dồn ép học quá nhiều:

  • Học ở trường – chính khóa.
  • Học ở trường – học thêm.
  • Học ở nhà thầy cô.
  • Học ở trung tâm.
  • Học với gia sư.
  • Học với cha mẹ.
  • Các khóa học online.
  • Học với thầy tây, chương trình tây.
  • Học các khóa ngắn hạn hoặc dài hạn của các công ty giáo dục.
học quá nhiều
(Ảnh: FB Vũ Khắc Ngọc)

Vì người ta quan niệm cuộc đời cũng như chuyện học hành là một thành trình thẳng tắp có duy nhất một đích đến, một hình mẫu thành công (học giỏi – thi đỗ – lấy học bổng – đi làm chỗ oách, kiếm nhiều tiền) cho nên ai càng xuất phát sớm, càng đi nhiều bước sớm càng tốt. Thế là mọi thứ đều… sớm và phải thật nhanh, nhiều, mạnh…

Người ta hoàn toàn không quan tâm tâm sinh lý trẻ có phù hợp với nội dung học tập không, lượng học tập bao nhiêu là phù hợp, mức độ khó ở cỡ nào để nó nằm trong “vùng phát triển gần nhất” của trẻ.

Người ta cũng vì tham lam hoặc thiếu hiểu biết mà quên đi hoặc không biết rằng con người – trẻ em là một sinh vật phức tạp, phong phú, linh hoạt. Các em không phải là máy móc cứ nạp dữ liệu đầy đủ vào là tự động chạy cho ra kết quả đúng, tốt.

Không có cảm xúc mãnh liệt, không có mối quan tâm, hứng thú, không có động lực thôi thúc, không khao khát tìm kiếm và trải nghiệm ý nghĩa nhân sinh thì có giỏi mấy, học nhiều đến mấy cũng chỉ là cái kho chứa thông tin mà thôi. Sẽ không có sản phẩm nào có giá trị được tạo ra, thậm chí nó thành cái họa. Cảm xúc, mối quan tâm, hứng thú đó đến từ đâu ngoài: trải nghiệm đời sống, đọc sách, thưởng thức văn chương, nghệ thuật, luyện tập thể thao và suy ngẫm? Nếu 16 tiếng dành cho việc “cày cuốc” như trên, thời gian, sức khỏe đâu dành cho các mục đó?

Khiếp đảm!

Kết quả là lúc bé trẻ bị ép học ghê quá nên khi không còn thi và thoát ra khỏi sự kiềm tỏa của bố mẹ, thanh niên sống bạt mạng, phong túng và trụy lạc cả thân thể và tinh thần.

Học nhiều đến mấy mà không có ý chí, sức mạnh, không có lý tưởng theo đuổi, không có cảm xúc nhân tính lành mạnh thì cũng không thể làm khoa học, nghệ thuật hay sáng tạo được!

Kết quả là “xuống tàu giữa đường” hoặc có được chút ít thành công nhưng cái giá phải trả là không có trải nghiệm tuổi thơ, không có sự lành mạnh trong tâm hồn phong phú, không quan tâm đến các vấn đề xã hội, không có phẩm chất công dân và cuối cùng là không thể vươn tới đỉnh cao mà mình lẽ ra hoàn toàn có thể chạm đến.

Giáo dục khi trở thành một cuộc đua chí mạng đã giết chết hoặc cầm tù tất cả. Ai cũng đau khổ trong cuộc đua đó.

Hãy tỉnh táo!

Nguyễn Quốc Vương
Tựa do tòa soạn đặt

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: