Đọc tự truyện của nghệ sĩ Lê Vân thấy bà viết một ý rất đáng suy nghĩ. Đó là bà cảm thấy bị tổn thương, xúc phạm và chán nản ghê gớm khi bà làm việc ở một đoàn nghệ thuật mà trưởng đoàn nhận tất cả các show từ tiệc tùng tới hội họp. Ở đó người nghệ sĩ phải biểu diễn khi không có cả bục diễn, người ta vừa ăn uống vừa nói cười vừa xem và đôi khi có nhiều người không buồn để ý xem người nghệ sĩ biểu diễn gì, nhiều người không đủ trình độ để hiểu.

Theo ý bà người nghệ sĩ phải biểu diễn ở nơi xứng đáng dành cho những người xứng đáng. Nhưng… cũng chính bà viết rằng ở ta còn lâu lắm nhất là loại hình nghệ thuật kiểu múa ba lê! Chân dép lốp mà bay vào vũ trụ là… bất khả.

Đọc chuyện này lại nghĩ đến những người làm khuyến đọc như chúng tôi.

Nghệ sĩ Lê Vân viết đúng! Nếu được chọn những người khuyến đọc như chúng tôi cũng chỉ muốn đến nơi nào người ta coi trọng việc đọc sách và khao khát đọc sách mà thôi. Chẳng ai muốn đến nói chuyện về đọc sách hay tư vấn thiết lập thư viện, thói quen đọc sách cho những người coi thường, thơ ơ với sách vở thậm chí coi những người như chúng tôi là… vở vẩn và nhảm nhí!

Nhưng là người có ít nhiều trải nghiệm và cũng có đọc sách các loại, tôi (và nhiều bạn làm khuyến đọc khác) hiểu rằng nếu tuyệt đối hóa tiêu chuẩn như vậy thì cuối cùng mình chỉ nói chuyện cho mình nghe. Loanh quanh chỉ một nhóm người nhỏ xíu quan tâm đến sách.

Vì vậy, đành phải chấp nhận đến nói chuyện ở những nơi có nhiều người thơ ơ với việc đọc với hi vọng rằng trong 1000 hạt cây mình gieo chỉ cần một hai hạt nứt nanh nảy mầm là mình hạnh phúc.

Chẳng hạn khi đến nói chuyện ở những nơi mà người lớn hầu như thờ ơ với việc đọc nhưng trẻ con háo hức nghe hay một vài em thay đổi suy nghĩ thì đó cũng là thành công hay một sự động viên.

Phải chấp nhận thực tế vô cùng khắc nghiệt đó. Ai đi làm khuyến đọc đều ít nhiều cảm nhận thấy cái cay đắng và thử thách ấy.

Không giác ngộ điều này khó có thể tiếp tục làm việc.

Người Hà Nội hay bảo nhau “Hà Nội không vội được đâu”, ý muốn nhắc đến chuyện di chuyển bằng xe cộ ở Hà Nội.

Tôi thấy với anh em khuyến đọc thì câu “Khuyến đọc không vội được đâu” hoàn toàn đúng. Không vội nhưng sẽ phải luôn… chuyển động và tiến về phía trước, từng chút một.

Ngay cả trường học, nơi lẽ ra là thánh đường của sách là một biển cả sôi động của việc đọc mà việc đọc còn chưa ổn thì những người làm khuyến đọc còn phải nỗ lực rất nhiều. Cho dù rất nhiều người xunh quanh thờ ơ, vô trách nhiệm (lẽ ra đó chính là việc của họ) hoặc thậm chí có thái độ công kích, coi thường.

Vậy nên nghệ sĩ Lê Vân nói đúng nhưng nó… phi thực tế và chúng ta phải nỗ lực tạo ra thực tế mình mơ ước chứ không phải là chỉ có mơ mộng hay than thở suông thuần túy.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: