“Khuyến học” (gakumon no susume) là tác phẩm nổi tiếng nhất của Fukuzawa Yukichi – một nhân vật lịch sử, một nhà khai sáng, một nhà giáo dục sống vào Mạc mạt – Minh Trị. Ngay lúc đương thời tác phẩm khi được xuất bản đã bán rất chạy, có ảnh hưởng lớn tới người Nhật. Ở Việt Nam, tuy người Việt ngưỡng mộ Nhật Bản, ngưỡng mộ thành tựu Duy Tân của Nhật Bản từ đầu thế kỉ 20 nhưng phải đến cuối thể kỉ 20, thậm chí đầu thế kỉ 21 chúng ta mới được đọc bản dịch trọn vẹn tác phẩm này.

Tu thân yếu lĩnh của Fukuzawa Yukichi, "Khuyến học" ích gì cho chúng ta hôm nay?
(Ảnh: Philippe-Jacques Potteau, Wikipedia, Public Domain)

Lần này Omega Plus cho phát hành một bản dịch mới. Tôi vinh dự được mời viết lời tựa cho ấn bản lần này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. Tuy thời gian đã trôi qua hơn 100 năm nhưng những vấn đề lịch sử mà cuốn sách đặt ra vẫn còn có tính thời sự với chúng ta.

“Khuyến học” ích gì cho chúng ta hôm nay?

Fukuzawa Yukichi (1835-1901) là nhà tư tưởng, nhà giáo dục, dịch giả, diễn giả, nhà báo… nổi tiếng của Nhật Bản thời cận đại. Tên tuổi và cuộc đời ông gắn liền với quá trình chuyển mình dữ dội của Nhật Bản từ một nước phong kiến lạc hậu thành một nước công nghiệp hóa theo mô hình phương Tây với các giá trị văn minh. Trong suốt cuộc đời sôi nổi của mình, Fukuzawa đã đóng rất nhiều vai, nhưng xuyên suốt ông luôn giữ một khoảng cách nhất định với bộ máy hành chính khi không ra làm quan và hoạt động chính trị như một chính trị gia chuyên nghiệp. Chính vị thế độc lập đó đã giúp ông có một nhãn quan và tư duy độc lập khi quan sát nước Nhật và viết nên các tác phẩm nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn, góp phần quan trọng vào quá trình khai sáng quốc dân Nhật Bản và văn minh hóa nước Nhật.

Tác phẩm “Khuyến học” – một trong những tác phẩm gây tiếng vang lớn nhất của ông không phải là một tác phẩm được xuất bản một lần và trọn vẹn ngay từ đầu. Như chính ông tiết lộ trong “Lời tựa”, cuốn “Khuyến học” (Omega+, 2022) có 17 phần và phần 1 được viết vào tháng 2 năm Minh Trị thứ 5 (1872) và phần 17 viết xong vào tháng 11 năm Minh Trị thứ 9 (1876). Như vậy cuốn sách đã được viết trong khoảng 5 năm, một quãng thời gian tương đối dài nếu so với dung lượng tác phẩm. Có cảm giác tác giả vừa viết vừa quan sát, nghiền ngẫm tình hình Nhật Bản vừa trăn trở ngày đêm để hướng ngòi bút vào những vấn đề trọng tâm nhất của Nhật Bản lúc bấy giờ.

Nội dung được đề cập, bàn luận trong 17 phần của cuốn sách rất lộng lớn và bao trùm mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa, lịch sử, luân lý, ngoại giao… Điều này là dễ hiểu vì Fukuzawa là nhà Tây học có tầm nhìn rộng lớn, kiến văn sâu rộng và nước Nhật khi đó đang ở trong quá trình chuyển mình toàn diện. Tuy nhiêu tựu trung lại có thể thấy nội dung cơ bản nhất, mối bận tâm lớn nhất của ông thể hiện trong khuyến học là làm thế nào để quốc gia – dân tộc Nhật Bản trở thành một quốc gia – dân tộc văn minh, có vị thế ngang bằng, cạnh tranh được, tồn tại bình đẳng được với các quốc gia phương Tây. Câu trả lời mà ông đưa ra nếu nhìn bằng nhãn quan của người hiểu biết ở thời đại ngày nay thật đơn giản: Phải học! Nhật Bản cần phải chân thành, tích cực học hỏi phương Tây đồng thời nghiêm khắc nhìn lại chính mình để trở nên hùng cường, giàu mạnh. Không chỉ nhà nước mà cả trí thức trung lưu, người dân thường cũng phải học. Nhờ học, từng người dân sẽ trở nên độc lập trong đời sống và tư duy và kết quả tất yếu là quốc gia được trở nên độc lập.

Dựa trên trục tư duy thống nhất này, ông đã mổ xẻ từng vấn đề cụ thể có liên quan rất sâu sắc từ đó lý giải sự cần thiết phải “khuyến học” để hướng tới văn minh. Ở phần nào ta cũng có thể dẫn ra những đoạn rất hấp dẫn, sâu sắc, gợi nhiều suy ngẫm và liên tưởng. Xin dẫn ra một vài đoạn.

“Cổ nhân có câu: ‘Trời không tạo ra người đứng trên người, cũng không tạo ra người đứng dưới người”. Nghĩa là con người do trời sinh ra, muôn người đều ngang hàng với nhau, lúc mới sinh ra con người vốn không có sự phân biệt sang hèn, trên dưới. Con người là loài tối linh trong muôn vật, dựa vào hoạt động của chân tay và trí óc để biến mọi thứ trên thế gian thành thứ hữu ích, để thỏa mãn nhu cầu ăn mặc ngủ nghỉ của bản thân. Mọi người được tự do tự tại sống theo ý mình, không cản trở cuộc sống của người khác, và ai nấy đều vui vẻ sống ở trên đời. Đó là ý của trời khi tạo ra con người”.

“Nhìn chung trên thế gian không có ai đáng thương cũng như đáng trách hơn những người dân mù chữ, không có tri thức. Do không có trí tuệ nên họ không biết hổ thẹn là gì, khi bị sự ngu dốt dồn ép rơi vào tình cảnh nghèo hèn, đói rét, họ cũng chẳng biết tự trách chính bản thân mình mà lại đi oán ghét, chỉ trích nhà hàng xóm giàu có bên cạnh, đã thế lại kết bè kéo đảng cùng nhau viết đơn tố cáo, thậm chí còn tổ chức bạo loạn bằng vũ lực. Quả là không biết hổ thẹn nên cũng chẳng sợ luật pháp”.

“Người không có chí khí độc lập sẽ không thực sự quan tâm đến các vấn đề quốc gia… Nếu mọi người đều không có chí khí độc lập mà chỉ biết dựa dẫm vào trí tuệ và tài lực kẻ khác, vậy thì quốc dân đều sẽ trở thành những người ỷ lại, chẳng còn ai đứng ra gánh vác trọng trách quốc gia nữa. Như vậy có khác gì việc chẳng có ai dẫn đường chỉ lối cho cả một hàng dài người mù đang không biết đi đâu, thật là không thể chấp nhận được”.

“Người dân đất nước chúng ta đã phải chịu nhiều áp bức, gặp nhiều khổ đau trong suốt cả ngàn năm dưới chế độ chính trị chuyên chế, sống quá lâu dưới sự độc tài khiến chẳng ai dám đứng lên nói ra những điều mình nghĩ, mà chỉ tìm cách dối gạt để cầu an, trá ngụy để mong thoát tội, những phương cách lọc lừa này trở thành công cụ thiết yếu trong cuộc sống, gian trá không thành thật trở thành thói quen trong cuộc sống thường ngày, cho nên việc có lắm kẻ không biết hổ thẹn là gì cũng chẳng có gì lạ, ngay đến liêm sỉ của bản thân chúng còn gạt phăng xuống đất thì hơi đâu mà lo lắng đến tiền đồ của quốc gia?”

Những luận điểm của Fukuzawa Yukichi trình bày trong “Khuyến học” có lẽ không có gì là mới mẻ đối với trí thức phương Tây đương thời, nhưng đối với toàn thể người Nhật khi đó chúng là “sấm nổ giữa trời quang”. Chính quyền Minh Trị tuy đã hình thành, công cuộc Duy tân cải cách đã bắt đầu ở quy mô quốc gia, nhưng tư tưởng, tinh thần của quốc dân Nhật Bản lúc bấy giờ vẫn ở trạng thái hỗn mang, những tư tưởng bảo thủ và lưỡng lự vẫn còn rất mạnh. Ngay cả một số các trí thức có tên tuổi ở Nhật Bản khi đó cũng chỉ trích Fukuzawa kịch liệt khi ông công bố “Khuyến học”. Tệ hơn, một số người còn bịa đặt thêm các câu chuyện không có thật về cá nhân Fukuzawa Yukichi để hạ bệ ông. Ta có thể hình dung ra phần nào tình hình này khi đọc phần “Bình luận sách Khuyến học” ở cuối sách.

Sau này, khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc và nước Nhật dân chủ hóa, giới học giả Nhật Bản cũng có những đánh gia đa chiều hơn về Fukuzawa Yukichi trong đó có cả những phê phán xung quanh chuyện ông đã chuyển dần từ lập trường chủ trương dân quyền (như trong “Khuyến học”) sang quốc quyền khi tán dương, đánh giá tích cực cuộc chiến tranh Nhật-Thanh (1894-1895)… Cho dẫu vậy, ông vẫn có một vị trí rất quan trọng đối với sự phát triển của Nhật Bản thời cận đại. Di sản mà ông để lại về tư tưởng thông qua các trước tác và ngôi trường Keio Gijuku (nay là Đại học Keio) cho đến nay vẫn tiếp tục phát huy giá trị trong lòng nước Nhật hiện đại. Trong bối cảnh hiện nay, khi Nhật Bản đang có khát vọng làm mới mình, tiến hành duy tân một lần nữa sau hơn 100 năm Minh Trị, thế hệ của Fukuzawa Yukichi vẫn là một thế hệ có tính chất hình mẫu về ý chí, khát vọng, tư tưởng và năng lực hành động trong thời khắc chuyển giao thời đại.

Đối với người Việt Nam chúng ta, câu chuyện về cuộc đời Fukuzawa, những biến động của thời đại ông sống, tư tưởng và hoạt động của ông rất hữu ích, khơi gợi nhiều cảm hứng và kích thích chúng ta suy ngẫm về cả quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc.

Người Việt ngay lúc đương thời, khi Nhật Bản tiến hành Duy tân dưới thời Minh Trị đã có mối quan tâm rất lớn tới Nhật Bản. Nước Nhật khi đó đã trở thành một tấm gương sáng chói ở châu Á làm lay động biết bao con tim sĩ phu người Việt. Các nhà nho thức thời, yêu nước khi luận bàn về thời thế thường nhắc đến nước Nhật như một tấm gương, nhắc đến Phúc Trạch Dụ Cát (Fukuzawa Yukichi) như một vĩ nhân khai sáng, nhắc đến thiên hoàng Minh Trị như một đấng minh quân. Thậm chí, cụ Phan Bội Châu đã xướng lên phong trào Đông Du đưa hàng trăm thanh niên ưu tú của Việt Nam sang Nhật Bản du học. Tiếc thay, như chính cụ Phan Bội Châu sau này cuối đời nhận ra và tự phê phán, người Việt đã ngưỡng mộ người Nhật mà không có ý chí, năng lực hành động như người Nhật. Trí thức Việt Nam thời đó do nhiều hạn chế của mình đã không làm chủ được các ngôn ngữ như Hà Lan, Pháp, Nhật, Anh, Đức… để gây lấy một nền Tây học thực sự. Các phong trào rơi vào các hoạt động chính trị hô hào cổ động quần chúng tiến hành vũ trang bạo lực là chủ yếu. Sau này phái duy tân với các hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục tuy có sự chuyển hướng nhưng chúng lại tồn tại quá ngắn ngủi và cũng chưa thực sự tạo ra thành tựu học thuật, tư tưởng. Người Việt đã quan tâm tới Nhật Bản, lấy Fukuzawa Yukichi, Thiên hoàng Minh Trị làm tấm gương nhưng trong suốt khoảng 50 năm kể từ thời đó trở đi, ở Việt Nam không có học giả nào làm chủ được tiếng Nhật để dịch thuật các tác phẩm của Fukuzawa, các công trình nghiên cứu, phổ biến văn minh của học giả Nhật khác ra tiếng Việt. Dịch từ ngôn ngữ trung gian khác như Pháp, Anh cũng không. Tức là nói một cách nôm na người Việt chúng ta đã học Nhật Bản… suông! Các tác phẩm mà thế giới, người Nhật đã đọc rất nhiều, rất kĩ phải mất một quãng thời gian rất dài mới đến được tay bạn đọc ở Việt Nam trong hình hài tiếng Việt.

Ngay ở đây, trường hợp của “Khuyến học” là một ví dụ tiêu biểu. Tác phẩm này, như chính Fukuzawa Yukichi tiết lộ, đã phát hành 700.000 bản ở Nhật. Nhưng ở Việt Nam phải đến cuối thế kỉ 20 nó mới được dịch ra Việt ngữ và phổ biến với số lượng hạn chế. Từ số ít đến số nhiều, từ tinh hoa đến đại chúng, từ phát hiện đến công bố và phổ biến luôn luôn là vấn đề lớn lao, đầy trở ngại xuyên suốt lịch sử Việt Nam.

Nếu người Việt thành tâm muốn học hỏi các nước tiến bộ trên thế giới, chúng ta phải thật sự chú ý, quan tâm và cải thiện điều đó.

Với một nước cận đại hóa muộn mằn bằng con đường thuộc địa đau khổ như Việt Nam mà hệ quả là ngay cả trong thế kỉ 21 này vẫn tồn tại cả những yếu tố tiền cận đại, cận đại và hiện đại đan xen, Nhật Bản sẽ là một tấm gương thích hợp để soi chiếu toàn diện và đa chiều.

Tôi rất mong “Khuyến học” với bản dịch mới này sẽ được bạn đọc trong nước đón nhận và phổ biến để người Việt Nam chúng ta vượt qua được trở ngại ngàn năm, biến được ít thành nhiều, biến được đặc thù thành phổ quát, biến tư tưởng tiến bộ thành ý chí, hành động, thực tiễn… Làm được điều đó, tôi tin dù muộn, sẽ có ngày Việt Nam – tổ quốc thân yêu của chúng ta có được một địa vị xứng đáng trên vũ đài quốc tế và người Việt Nam sẽ được sống một cuộc đời mơ ước.

Nguyễn Quốc Vương

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Mời liên hệ để đặt mua sách

Xem thêm:

Mời xem video: