Có một giảng viên nhờ tôi tư vấn làm cách nào để tạo động lực, thói quen đọc sách cho sinh viên đại học. Có bạn nào thất bại, thành công trong việc này sẵn lòng chia sẻ cùng tôi không?

Theo quan sát của tôi thì tình hình chung sinh viên cũng lười đọc. Tỷ lệ sinh viên đọc giáo trình suốt 4 năm để thi không phải là hiếm. Sinh viên nào chăm chỉ tí thì đến khi làm luận vặn, khóa luận mới nháo nhào đi đọc mà đọc cũng chỉ để “tầm chương trích cú” chứ ít đọc bằng tâm thế thực sự.

Thế nên khi lên giảng đường tình trạng thầy hỏi sinh viên lặng im, không nhúc nhích diễn ra. Thậm chí sinh viên nói luôn “thôi thầy cô nói cho nhanh”.

Nếu hỏi lý do không đọc thì sinh viên sẽ bảo là do “bận”, “phải đi làm thêm”, “đọc sách buồn ngủ”, “chẳng biết đọc sách gì vì nhiều sách quá”, “không có động lực”. Một số sinh viên thì cho rằng “chỉ cần giỏi chuyên ngành là được cần gì đọc gì khác”.

Đối với sinh viên đại học còn như vậy thì đối với các trường cao đẳng, trung cấp nghề tình hình còn tệ hơn.

Đây là hậu quả của việc suốt 12 năm đi học các em không được hướng dẫn đọc, khơi gợi đọc.

Học đại học, cao đẳng không phải chỉ là học nghề mà còn là quá trình biến chuyển về văn hóa của cá nhân. Sau bốn năm, ba năm học đại học cao đẳng mà cá nhân không có nền tảng văn hóa thì cho dù giỏi chuyên môn cũng chỉ đạt mức trung bình hoặc khá trong sự nghiệp. Rất khó thăng hoa đến đỉnh cao. Làm một người lãnh đạo công ty, tổ chức hay chuyên gia thực sự, nền tảng văn hóa là tất yếu.

Có rất nhiều sinh viên lớn lên ở quê, ra thành phố học rồi về quê vẫn chẳng có gì thay đổi về tư duy, lối sống, phương thức sinh hoạt, tầm nhìn. Nhân sinh quan, giá trị quan vẫn thế. Ấy là vì suốt 4 năm đại học may ra chỉ học được một cái nghề và mảnh bằng giắt lưng đi kiếm tiền ở mức trung bình mà không có sự thay đổi về nền tảng văn hóa.

Dân trí làm sao lên. Quốc gia làm sao phát triển nếu học đại học chỉ là như vậy?

Vậy thì làm gì để giúp sinh viên đọc sách?

Theo kinh nghiệm của tôi thì nếu giảng viên chỉ đưa ra tên sách và yêu cầu sinh viên đọc, sinh viên sẽ KHÔNG BAO GIỜ ĐỌC. Vì vậy cần:

1. Giao sách (cho mượn) và phân công cụ thể nhóm nào, ai đọc và có đánh giá bằng điểm số hoặc có thưởng gì đó (sách, bút chẳng hạn).

2. Photo, in tài liệu trích từ các cuốn sách ra bắt sinh viên đọc tại lớp để giải quyết các bài tập, có đánh giá, khen ngợi cụ thể.

3. Ra đề thi, đề kiểm tra chú trọng năng lực đọc, phân tích, xử lý thông tin. Sinh viên nào đọc nhiều, đọc kĩ sẽ có lợi thế.

4. Tổ chức các câu lạc bộ đọc sách bao gồm cả giảng viên và sinh viên, trao đổi, thảo luận cả online và offline về sách.

5. Đọc phải gắn với viết, nói, suy ngẫm, sáng tạo vì vậy song song với việc cho sinh viên đọc cần tạo ra không khí dân chủ, thoải mái để sinh viên biểu đạt ý kiến, thảo luận, tranh luận, sáng tạo các sản phẩm như bài viết, tiểu luận, bài báo, bài thuyết trình, video clip…

6. Giảng viên phải là người yêu thích đọc và đọc có chất lượng. Chia sẻ trải nghiệm của bản thân về sách và những gì mình nhận được cũng là một cách hiệu quả truyền cảm hứng đọc sách tới sinh viên.

Có lần dạy một lớp sinh viên nọ, thấy các em lười đọc, viết, tôi đã cho các em đọc tài liệu in sẵn (trích từ sách ra), cho các em viết một số chủ đề khá… “ngớ ngẩn” như tả cái cây, bông hoa, con chuồn chuồn… Kết quả là các em cũng bắt đầu quen với đọc và viết. Bộ não con người cũng như cỗ máy. Để lâu sẽ bị rỉ sét. Cần khởi động và sử dụng thường xuyên.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: