Dù việc khắc chữ đã xuất hiện ở nước ta từ lâu, nhưng người giúp hình thành nghề và phát triển trong dân chúng là Thám hoa đầu tiên thời nhà Lê, Lương Như Hộc.

Lương Như Hộc: Thám hoa nhà Lê, ông tổ nghề in
Tranh chân dung Thám hoa Lương Như Hộc. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Thám hoa Lương Như Hộc

Năm 1428, Lê Lợi đánh đuổi được quân Minh và lên ngôi, lập ra nhà Lê, hiệu là Lê Thái Tổ, rất cần các quan lại nhằm ổn định Xã Tắc sau chiến tranh. Triều đình tổ chức các kỳ thi Minh kinh bác học và Hoành từ nhằm nhanh chóng có được đội ngũ quan lại, nhưng đây chưa phải là các khoa thi lớn, vì vậy mà một số nhân tài đã không tham gia.

Sau khi vua Thái Tổ mất, vua Thái Tông lên ngôi đã tổ chức khoa thi lớn quy mô đầu tiên dưới thời nhà Lê vào năm 1442, chấm thi cũng đầu là những bậc hiền tài lúc đó như Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân, v.v..

Những người đỗ đại khoa đợt này sau đều là trụ cột của nhà Lê, như Trạng nguyên Nguyễn Trực với bài văn sách về đạo trị quốc và phép dùng người, ngoài ra còn có Thám hoa Lương Như Hộc cũng là nhân tài lúc bấy giờ.

Lương Như Hộc sinh năm 1420 người làng Hồng Liễu trước thuộc tổng Thạch Khôi, huyện Trường Tân, sau đổi thành làng Thanh Liễu, xã Tân Hưng, huyện Gia Lộc (Hải Dương). Sau khi thi đỗ, ông làm quan trải qua các chức vị khác nhau, đến đời vua Lê Nhân Tông thì làm Đô ngự sử.

Học được nghề in nhờ 2 lần đi sứ sang nhà Minh

Có lần Lương Như Hộc về Kinh đô, có người bạn nhờ mua mấy cuốn sách, nhưng khi đến Kinh đô, ông tìm sách để mua mà không còn. Không nản chí, ông tìm hiểu tiếp xem nguồn sách này ở đâu thì biết là phải nhập từ Trung Hoa. Từ đó ông có ý muốn sang Trung Hoa để tìm hiểu thêm về việc in ấn.

Năm 1449, Lương Như Hộc phụng mệnh đi sứ sang nhà Minh, đến nơi ngoài trọng trách giao phó, ông cũng tìm hiểu thêm về nghề in. Ông thường lui tới các ngôi chùa có thợ khắc làm việc để tìm hiểu việc khắc bản in.

Năm 1459, ông lần thứ 2 được đi sứ sang nhà Minh. Lần này ông mở một cửa hiệu buôn bán ngay cạnh một nhà in để tìm hiểu. Khi hết hạn sứ trở về thì ông cũng đã thành thạo việc in khắc mộc bản.

Phát triển nghề in trong dân chúng

Về nước, Lương Như Hộc truyền nghề lại cho hai người học trò đầu tiên là Phạm Niên và Phạm Đới. Lương Như Hộc tận tình chỉ từng từng ly từng tý cho học trò, từ cách chọn gỗ, chọn dao, chọn bào… nhờ đó mà nghề in khắc phát triển ở làng quê.

Nghề in khắc mộc bản hình thành ở làng Hồng Lục, rồi lan sang chuyển sang Liễu Tràng và Khuê Liễu. Ba thôn làng này trở thành trung tâm in khắc bản mộc của cả nước suốt từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19.

Thời đấy người nam khỏe mạnh thì xẻ gỗ, khắc mộc bản, phụ nữ và trẻ em thì ngồi in, xén cắt giấy. Nhờ có Nghề in khắc mà cả 3 làng đều có cuộc sống khá giả, vì thế mà dân chúng có câu: “Đình Sinh, quán Sếu, chùa Tràng. Trong ba làng ấy không làm cũng có ăn”.

Trước đó việc in ấn trong nước đã có nhưng chủ yếu giới hạn trong Phật giáo để in kinh sách, và Triều đình dùng để làm tiền giấy (vào thời nhà Hồ). Chỉ đến khi Lương Như Hộc truyền dạy thì nghề in khắc mới hình thành và phát triển trong dân chúng.

Làng Liễu Tràng – Hồng Lục trở thành trung tâm in khắc chữ bản mộc sau đó là tranh khắc của cả nước. Nhiều bộ sách và tài liệu có giá trị được in tại đây như bộ “Đại Việt Sử ký Toàn thư” được khắc vào năm 1697 thời vua Lê Hy Tông.

Lương Như Hộc: Thám hoa nhà Lê, ông tổ nghề in
Ván khắc trong ‘Mộc bản Hải Thượng y tông tâm lĩnh’ – theo lối in khắc của Lương Như Hộc. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Cuốn “Hải Dương phong vật khúc” phần viết về nghề in ấn ở Hồng Lục – Liễu Tràng có chép rằng:

Phường Hồng Lục, Liễu Tràng khắc chữ
Bản bộ kinh, bộ sử rành rành.

Lương Như Hộc mất vào năm 1501 thọ 81 tuổi, dân làng Hồng Lục, Liễu Tràng, Khuê Liễu tôn ông làm Thành hoàng và lập đền thờ, tạc tượng thờ ở đình làng, xem là ông tổ nghề khắc bản in.

Lương Như Hộc để lại nhiều tác phẩm như tập thơ chữ Nôm “Hồng Châu quốc ngữ thi tập”, ông cũng tập hợp các bài viết về văn thơ thành cuốn “Cổ kim chế từ tập”.

Sau này khi công nghệ phát triển, máy in du nhập vào nước ta, các thợ cũng chuyển sang làm khắc dấu đồng, dấu gỗ… cho các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp và khắc các loại phụ bản cho nhà in. Ngày nay đa phần các thợ khắc dấu lành nghề có xuất thân từ Liễu Tràng.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: