Vào thời Xuân Thu, nhà Chu có nhiều Chư hầu. Nước Lỗ vì giúp đỡ một công tử của nước Tề mà sau đó dẫn đến hiềm khích, nước Tề ỷ mạnh nhiều lần tiến đánh nước Lỗ. Giai đoạn này có một trận chiến đặc biệt cho thấy nghệ thuật vận dụng trống trận trong chiến tranh.

Một chuyện vận dụng tiếng trống trận thời Xuân Thu
(Ảnh minh họa: Sam Steiner, Flickr, CC BY-NC-SA 4.0 Deed, Trey Ratcliff, Flickr, CC BY-NC-SA 2.0 Deed)

Nguyên nhân Tề tiến đánh Lỗ

Bấy giờ triều chính nước Tề bất ổn khi vua Tề Tương Công bị giết, Công Tôn Vô Tri lên ngôi Vua. Hai em của Tề Tương Công phải trốn sang nước khác, công tử Củ phải chạy sang nương nhờ ở nước Lỗ, còn công tử Tiểu Bạch chạy sang nước Cử.

Chẳng bao lâu đến lượt Công Tôn Vô Tri bị giết, hai anh em công tử Củ và công tử Tiểu Bạch giành ngôi Vua. Công tử Tiểu Bạch nhanh chân về nước trước, lên ngôi Vua hiệu là Tề Hoàn Công vào năm 686 TCN.

Tề Hoàn Công muốn đánh nước Lỗ để diệt công tử Củ. Đó là nguyên nhân dẫn đến việc quân Tề nhiều lần tiến đánh nước Lỗ.

Nước Tề mạnh hơn nước Lỗ nhiều. Tề Hoàn Công tiến quân và giành chiến thắng, lại chặn đường rút của quân nước Lỗ. Tề Hoàn Công yêu cầu Lỗ Trang Công phải giết công tử Củ và giao nộp 2 người giúp đỡ công tử Củ là Thiệu Hốt cùng Quản Trọng. Lỗ Trang Công buộc phải làm theo.

Tề Hoàn Công được nhân tài là Quản Trọng, phong cho ông làm Tướng quốc. Đến năm 684 TCN, Tề Hoàn Công cử Bào Thúc Nha đưa quân tiến đánh nước Lỗ.

Lỗ Trang Công hay tin liền hỏi ý của Thi Bá, Thi Bá liền tiến cử Tào Quế.

Tào Quế là con trai của Tào Thúc Chấn Đạc, mà Tào Thúc Chấn Đạc tên thật là Cơ Chấn Đạc, con trai của Tây Bá Cơ Xương, và là anh em cùng mẹ với Chu Vũ Vương. Khi Chu Vũ Vương đánh bại nhà Thương lập ra nhà Chu thì phong đất cho các em làm Chư hầu, Cơ Chấn Đạt làm Vua đầu tiên của nước Tào, gọi là Tào Thúc Chấn Đạc.

Thi Bá biết Tào Quế là người có tài liền đến rước về giúp nước Lỗ.

Nghệ thuật vận dụng tiếng trống

Quân Tề tiến đến, Lỗ Trang Công cùng Tào Quế dàn quân ở Trường Thược chặn quân tề. Bào Thúc Nha thấy quân của mình mạnh hơn, trước đây đã từng tham chiến đánh bại quân Lỗ nên tự tin cho quân chuẩn bị tấn công.

Bào Thúc Nha cho quân đánh trống trận tấn công, Lỗ Trang Công cũng định đánh trống nhưng Tào Quế ngăn lại nói chưa phải lúc. Bào Thúc Nha thấy quân Lỗ không động gì thì tiếp tục cho đánh trống lần thứ hai, tuy nhiên quân Lỗ vẫn ở trong trại không đánh khiến sĩ khí quân Tề trùng xuống.

Bào Thúc Nha cho đánh trống lần thứ ba. Lúc này Tào Quế mới nói Lỗ Trang Công có thể đánh trống. Quân nước Lỗ chờ mãi không thấy trống, rất nóng lòng, nên khi vừa nghe tiếng trống thì sĩ khí rất hăng, xông lên đánh tan quan Tề.

Quân Tề bỏ chạy toán loạn, Lỗ Trang Công định thúc quân đuổi theo, nhưng Tào Quế ngăn lại, rồi quan sát kỹ thế trận mới nói có thể đuổi theo quân tề.

Lỗ Trang Công lệnh đuổi theo quân Tề, diệt nhiều địch, thu nhiều khí giới và lương lực.

Thắng lớn, Lỗ Trang Công mới hỏi Tào Quế rằng: “Tại sao lại dùng một hồi trống?”

Tào Quế nói: “Đánh địch là nhờ có khí thế. Hồi trống thứ nhất là khí quân Tề đang thịnh, trống thứ hai là khí quân Tề đã suy và trống thứ ba là khí quân Tề đã kiệt. Trong khi quân ta chỉ mới đánh một hồi trống, khí lúc đó đang thịnh. Lấy thịnh chế kiệt thì lý gì lại không thắng.”

Lỗ Trang công lại hỏi thêm: “Lúc quân Tề đã thua chạy, sao lại chưa cho quân truy đuổi?”

Tào Quế đáp: “Người Tề vốn đa trá và lắm xảo thuật, bởi vậy tôi phải xuống xe quan sát, thấy vết bánh xe của họ chạy lung tung, cờ xí ngả đông nghiêng tây. Chắc chắn được lòng quân Tề đã loạn, đang gấp rút đào tẩu thì tôi mới hạ lệnh cho quân truy sát.”

Lỗ Trang Công khen Tào Quế hết lời, rồi phong cho ông làm Đại phu.

Từ điển tích này mà xuất hiện câu thành ngữ “Nhất cổ tác khí”. “Cổ” nghĩa là trống. “Tác khí” mang ý nghĩa làm tinh thần phấn chấn, sĩ khí phấn chấn. “Nhất cổ tác khí” nghĩa là một hồi trống làm sĩ khí phấn chấn.

Trần Hưng

Xem thêm: