Đến Văn Miếu hay đâu đó xin mấy chữ “đỗ”, “đạt”, “đăng khoa”, “thành công” thì cũng tốt vì nếu có triết lý sâu sắc thì “lễ” hay “hình thức” cũng chính là nội dung.

Dạy bảo hay truyền đạt cho người khác hiểu biết về triết lý sâu sắc rất khó. Tương tự, người ta cũng không thể nói vài lời hay chỉ thuyết giảng thuần túy về chân lý mà làm cho người khác giác ngộ được chân lý.

Bởi thế các cao nhân, hiền nhân xưa khi nói về chân lý thường không nói thẳng, diễn đạt bằng lời nôm na mà bằng dụ ngôn, hàm ngôn. Ai có trí tuệ, ai nỗ lực, ai trải nghiệm sâu rộng thì hiểu được. Ai không chịu học, không chịu suy nghĩ thì đành… chịu.

Thế thôi.

Tương tự phong tục do các cao nhân đặt ra để người dân làm theo cũng thường ẩn chứa thông điệp, triết lý sâu xa mà người kém trí tuệ cho dù có làm theo nhưng chưa chắc đã hiểu ý nghĩa thậm chí diễn giải sai lạc.

Và cứ thế là người ta cứ học theo cái bề ngoài, hình thức mà bỏ mất cái bên trong, cái sâu xa của nó.

Ví dụ việc giỗ hay thờ cúng tổ tiên là một phong tục, nghi lễ rất hay. Nó hướng người sống suy ngẫm rất sâu về quá khứ để điều chỉnh suy nghĩ, hành vi ở hiện tại và tương lai. Ngày giỗ, ngày tảo mộ… là ngày người sống suy ngẫm sâu về cuộc đời những người đã mất để xem mình sẽ phải sống như thế nào, sẽ làm những gì mà người xưa chưa thể.

Thế nhưng ít người làm thế. Giỗ biến thành buổi đánh chén linh đình, nói chuyện tào lao, khích bác, bắt bẻ lẫn nhau rồi có nhà biến thành một buổi ẩu đả thực sự.

Vô vàn các phong tục, nghi lễ khác cũng thế. Giống như đi cầu cúng đâu đó cũng chẳng sao nếu coi đó là một nỗ lực kết nối tâm trí mình với thế lực siêu nhiên qua đó tăng thêm sức mạnh nội tâm và nghị lực để hành động trong đời sống thế tục nhằm đạt được mục tiêu. Nhưng trên thực tế, đa số làm rất hời hợt. Hành vi tiêu biểu là đứng trên cầu quăng cả túi ni lông chứa cá xuống sông mong cá chở ông Táo lên trời bẩm báo ngon lành từ đó nhà mình làm ăn giàu có, khỏe mạnh, may mắn. Hời hợt đến thế là cùng thì thần thánh nào chứng cho, thế lực siêu nhiên nào ủng hộ?

Vậy nên xin chữ hay cầu cúng đỗ đạt không sao. Nhưng đừng bao giờ nghĩ cứ xin vài chữ về treo và mong muốn thành công là thành công.

Chúa, thánh thần, Phật hay thế lực siêu nhiên nào đó chỉ có thể cảm động khi con người làm hết, nỗ lực hết mọi thứ thuộc về thế giới con người mà thôi. Thánh thần không làm việc thay con người.

Vậy nên nếu kính trọng thánh thần thì nỗ lực là cách bày tỏ sự kính trọng thành tâm nhất.

Con cháu kính trọng tổ tiên phải bằng cách nỗ lực để tổ chức, kiến tạo cuộc sống của mình tốt hơn thời các cụ đã khuất sống, qua đó vinh danh các cụ chứ không phải là cứ chăm chăm cúng các cụ to làm nhà cửa cho các cụ hoành tráng là… hiếu, là kính.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm:

Mời xem video: