Năm 1679, chúa Nguyễn Phúc Tần cho sáp nhập Đồng Nai và Gia Định vào lãnh thổ Đàng Trong. Gia Định thời đó là tiền thân của thành Phố Sài Gòn sau này, vì thế nhiều địa danh ở Sài Gòn có nguồn gốc tên gọi từ thời kỳ ấy.

Đa Kao

Đây là tên một phường thuộc quận 1, tên gốc là “Đất Hộ” có từ thời nhà Nguyễn. Theo nhà nghiên cứu Trương Thái Du thì “Đất Hộ” nghĩa là vùng đất có tường thành hộ vệ, thành ở đây chính là thành Gia Định.

Đến thời thuộc Pháp, người Pháp phiên âm “Đất Hộ” thành Dakau, chính xác là Dak-Au. Chữ “Đất” được phiên âm thành “Dak”, còn “chữ Hộ” vì tiếng Pháp chữ H là âm câm nên đọc “Ộ”“Au”. Vì thế “Đất Hộ” được người phiên âm thành Dak-Au.

Trên bản đồ người Pháp ghi là Dakau, sau đó là thành Dakao, tên gọi Dakao trở nên phổ biến nhất từ năm 1950.

Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè

Nguồn gốc tên gọi một số địa danh ở Sài Gòn (P1)
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè năm 1945. (Ảnh: Mạnh Hải, Flickr)

Con kênh này chia làm hai đoạn: Đoạn từ cầu Thị Nghè ngược đến đầu nguồn quận Tân Bình được gọi là kênh Nhiêu Lộc; Đoạn từ cầu Thị Nghè đổ ra sông Sài Gòn được gọi là Thị Nghè.

Con kênh này người Khmer gọi là rạch Prêk Kompon Lu, người Việt đến đây gọi là rạch Nghi Giang, rạch Bình Trị.

Vào thời chúa Nguyễn, quan Khâm sai Nguyễn Cửu Vân đến đây giúp dân khai phá vùng đất này, con gái của ông là Nguyễn Thị Khánh có chồng là ông Nghè, nên người dân quen gọi cô là bà Nghè. Bà Nghè Nguyễn Thị Khánh giúp dân khai phá đất, lập chợ, bắc cầu qua kênh thuận tiện việc đi lại. Nhớ ơn bà, người dân gọi cây cầu này là cầu Bà Nghè và gọi kênh là kênh Bà Nghè.

Dù dân chúng quen gọi địa danh này là Bà Nghè, nhưng các quan lại không dùng từ này mà gọi là Thị Nghè. Cuốn “Sài Gòn năm xưa” của Vương Hồng Sển cho rằng: “…gọi cầu và sông Bà Nghè nhưng các quan không chịu xưng hô như vậy và đổi lại là cầu và sông hay rạch Thị Nghè”.

Về tên gọi “Nhiêu Lộc”, xưa kia có người tên là Đặng Lộc giữ chức Nhiêu học đã bỏ công sức tiền của ra sửa sang lại kênh rạch nhằm phục vụ giao thông, giúp dân chúng đi lại dễ dàng. Từ đó dân chúng gọi con kênh nơi đây là Nhiêu Lộc để tưởng nhớ đến ông.

Kênh Tàu Hủ

Nguồn gốc tên gọi một số địa danh ở Sài Gòn (P1)
Kênh Tàu Hủ. (Ảnh: Lê Minh Phát, Wikipedia, CC BY 2.0)

Cuối thế kỷ 17 người Hoa đến Chợ Lớn hình thành nên khu định cư đầu tiên của người Hoa bên con kênh chảy qua khu vực quận 5, quận 6 và quận 8. Con kênh này giúp việc giao thương được thuận lợi. Người Triều Châu định cư ở đây khá đông, họ gọi khu nhà gạch này là Tàu Khậu, về sau dân cư đông lên dần, đọc chệch đi thành Tàu Hủ.

Cầu Chà Và

Cầu Chà Và bắc qua kênh Tàu Hủ giúp thông thương giữa quận 5 và quận 8, góp phần khiến Chợ Lớn xưa kia ngày càng sầm uất và phát triển. Cây cầu này được xây dựng vào khoảng năm 1920. Tại đây người Ấn Độ đến buôn bán vải vóc lụa là, người Việt cứ nhầm họ đến từ đảo Java (Indonesia), nên gọi họ là người Chà Và (phiên âm từ Java). Từ đó có cái tên cầu Chà Và.

Cầu Bông

Nguồn gốc tên gọi một số địa danh ở Sài Gòn (P1)
Cầu Bông năm 1931. (Ảnh: Mạnh Hải, Flickr)

Cầu Bông là cây cầu quen thuộc ở Sài Gòn, nằm giữa 2 phường Đa Kao và phường Tân Định của quận 1.

Năm 1628, vua Cao Miên là Chey Cheta II qua đời, tình hình Cao Miên rối ren, nội bộ hoàng tộc tranh đoạt quyền, Công nữ Ngọc Vạn trở thành Hoàng Thái Hậu, lo bảo vệ người Việt ở Cao Miên.

Hai Hoàng tử con của Vua quá cố nhờ Công nữ Ngọc Vạn giúp đỡ, Ngọc Vạn liền cho báo với cháu mình là chúa Nguyễn Phúc Tần. Chúa cho quân sang Cao Miên giúp hai Hoàng tử lên ngôi. Ang Sur được làm quốc vương, xưng là Barom Reachea V, đóng tại Oudong. Còn Ang Nan (Nặc Nộn) làm phó vương đóng tại thành Sài Gòn ngày nay.

Quốc vương của Cao Miên nhờ Công nữ Ngọc Vạn và chúa Nguyễn mà lên ngôi nên biết ơn và thần phục, nhờ đó người Việt tiếp tục di dân rất đông, kiểm soát nhiều vùng đất.

Sông Thị Nghè ngày nay thời đó người Khmer gọi là rạch Prêk Kompon, người Việt không phát âm được tên này nên gọi là rạch Cao Miên.

Năm 1771, Phó vương đóng ở Sài Gòn là Ang Nan cho làm cây cầu qua rạch Cao Miên giúp dân đi lại thuận tiện. Người Khmer gọi tên cầu là cầu Ang Nan, còn người Việt gọi là cầu Cao Miên (vì cầu bắc qua rạch Cao Miên).

Sau đó Tả tướng Lê Văn Duyệt cho người trồng hoa ở hai bên vệ cầu, người Việt liền gọi tên là cầu Hoa. Sau này dân chúng đọc chệch đi thành cầu Huê.

Có thuyết cho rằng đến thời thuộc Pháp, người Pháp gọi tên cầu là Pont de Dakao tức cầu Đa Kao. Từ “Pont” khi phát âm tiếng Việt như từ “Bông”. Từ đấy người Việt hay gọi là cầu Bông.

(Còn nữa)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: