Năm 1679, chúa Nguyễn Phúc Tần cho sáp nhập Đồng Nai và Gia Định vào lãnh thổ Đàng Trong. Gia Định thời đó là tiền thân của thành Phố Sài Gòn sau này, vì thế nhiều địa danh ở Sài Gòn có nguồn gốc tên gọi từ thời kỳ ấy.

Sài Gòn

Về tên gọi Sài Gòn, có thuyết cho rằng xưa kia người Khmer gọi là Prei Nokor, với “Prei” là rừng, “Nokor” là thị trấn, như vậy Prei Nokor nghĩa là “Thị trấn trong rừng”. Dần dần “Prei” đọc nhanh thành chệnh đi là Rai; còn “Nokor” đọc lướt thành “Kor” và từ “Kor” thành ra “Gòn”. Môt số tài liệu cho thấy vào thế kỷ 18 thời nhà Nguyễn ở Gia Định có hai địa danh là Rai-gon thong (nghĩa là Rai-gon Thượng) và Rai-gon ha (nghĩa là Rai-gon Hạ). Về sau Rai-gon được người Việt phát âm thành Sài Gòn.

Nguồn gốc tên gọi một số địa danh ở Sài Gòn (P2)
Bưu điện Sài Gòn. (Ảnh: Manhhai, Flickr)

Chợ Lớn

Tại vùng đất sau này là Chợ Lớn, từ trước năm 1698 đã có các làng Minh Hương của người Hoa ở đây, nơi đây cũng xuất hiện chợ Đề Ngạn (提岸) của người Hoa, người Hoa quen gọi nơi đây theo tên chợ là Đề Ngạn.

Năm 1776 và 1777, quân Tây Sơn đánh Gia Định, tàn phá Cù Lao Phố, người Hoa bị thảm sát. Trung tâm thương mại Cù Lao Phố nổi tiếng sầm uất giàu có bậc nhất hoàn toàn bị phá hủy, quân Tây Sơn cướp bóc của cải chở về Quy Nhơn, những gì còn lại đều bị đốt sạch. Những người Hoa may mắn còn sống sót chạy đến Đề Ngạn tính kế sinh nhai.

Thêm người Hoa từ trung tâm Cù Lao Phố đến nên chợ Đề Ngạn cũng được mở rộng to lớn hơn, dần dần lớn hơn cả chợ Tân Kiểng của người Việt. Vì để phân biệt người Việt gọi là Chợ Lớn, tên gọi này cũng được chỉ cả vùng đất người Hoa ở đây.

Bến Nghé

Bến Nghé khởi đầu là vùng đất hoang sơ bên con sông lớn. Đến thời chúa Nguyễn phát triển thành bộ máy rộng lớn, cảng Bến Nghé trở nên trù phú và sầm uất ở Nam bộ. Đến thời thuộc Pháp, người Pháp dựa trên cơ sở Bến Nghé để xây dựng nên thành phố Sài Gòn.

Học giả Trương Vĩnh Ký cho rằng vùng đất hoang sơ buổi đầu ấy, người Khmer gọi là Kompong Kon Krabei nghĩa là Bến Trâu. “Kompong” nghĩa là bến, “Kon Krabei” là con trâu. Do ngày xưa bến này người dân thường thả trâu ra tắm.

Tuy nhiên trong cuốn sử “Đại Nam nhất thống chí” thì phân tích khác, gọi nơi đây theo tiếng Hán – Việt là “Ngưu Chử” tức “Bến Nghé”: “Tương truyền sông này trước nhiều cá sấu, từng đàn đuổi nhau, rống lên như trâu rống cho nên gọi tên như thế…”.

Thủ Đức

Khi nhà Thanh đánh bại nhà Minh, nhiều phong trào “phản Thanh phục Minh” nổ ra, trong đó có thủ lĩnh người dân tộc thiểu số là Tạ Dương Minh (còn gọi là Tạ Huy, hiệu là Thủ Đức). Tuy nhiên cuộc khởi nghĩa thất bại, bị quan quân nhà Thanh truy đuổi ráo riết, thủ lĩnh Tạ Dương Minh phải chạy đến Đàng Trong thần phục chúa Nguyễn, xin làm con dân của Đại Việt.

Chúa Nguyễn lúc này đang khai phá về phương nam, liền thu nhận, cho Tạ Dương Minh đến vùng Linh Chiểu Đông, cùng với người Việt, người Khmer và người Champa khai phá vùng đất này.

Sau khi đó có cuộc sống ổn định, Tạ Dương Minh liền cho xây ngôi chợ để dân chúng mua bán, tiện cho việc thông thương. Chợ được chọn ở vị trí đẹp để giao thương và được gọi là chợ Thủ Đức (lấy theo tên hiệu của Tạ Dương Minh), dần dần ngôi chợ này là một trong những ngôi chợ sầm uất nhất lúc bấy giờ.

Sau này nơi đây phát triển và cả khu vực đều được gọi theo tên chợ là Thủ Đức.

Thủ Thiêm

Thủ Thiêm là bán đảo ở Thủ Đức. Thời chúa Nguyễn vào thế kỷ 17 khi nhà Thanh đánh bại nhà Minh, người Hoa chạy đến Đàng Trong lánh nạn, chúa Nguyễn đã cho một nhóm người Hoa đến cư trú ở bán đảo này. Người Việt gọi nơi đây là xóm Tàu Ô.

Đến thế kỷ 18 thì nơi đây được gọi là Thủ Thiêm. Thời bấy giờ chúa Nguyễn cho lập các đồn binh để kiểm soát sông Sài Gòn, chức vụ đứng đầu đồn canh gọi là “Thủ”. Các phân tích cho rằng “Thiêm” có thể là tên một người giữ chức “Thủ” chỉ huy đồn canh tại khu vực này, nhưng cụ thể về người tên Thiêm này thì không một ai còn biết.

Cầu Kho

Cầu Kho là một trong những vùng đất xưa nhất của Bến Nghé, trung tâm quận 1 của Sài Gòn. Khi người Pháp xây dựng thành phố Sài Gòn, vị trí Cầu Kho được xem là bản lề vì nằm giữa hai khu chợ lớn nhất là chợ Bến Thành và Chợ Lớn với các khu phố Tàu.

Vào thời chúa Nguyễn, nơi đây là kho Cẩm Đệm dùng để trữ lương thực. Năm 1778, kho được mở rộng để chứa lúa thu thuế của 4 trấn Gia Định. Đến thời vua Gia Long, kho được tu bổ và được mở thêm với 6 dãy kho lợp ngói.

Gần sát bên kho có cây cầu giao thông quan trọng, vì nằm sát bên kho nên dân chúng hay gọi là Cầu Kho. Sau đấy con rạch không còn, cây cầu cũng biến mất, nhưng khu vực này vẫn được quen gọi là Cầu Kho. Ngày nay khu vực này trở thành một phường của quận 1 – gọi là phường Cầu Kho.

(Còn nữa)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: