Triều đại Lý truyền được 8 đời, không kể Chiêu Hoàng chỉ ở ngôi được 2 tháng thì nhường ngôi cho Trần Cảnh tức Trần Thái Tông (1225-1258).

Đời Lý Cao Tông (1176-1210) bắt đầu suy do vua xây cất nhiều cung điện, cạn kiệt công quỹ, dân tình khốn khổ, giặc cướp nổi lên khắp nơi.

Sang đời Huệ Tông (1211-1225) chính sự rối nát, cả nước nhiễu loạn, vua phải bỏ cung điện lánh nạn.

Tiếp nối triều Lý, Trần Thái Tông nhận lãnh di sản giặc giã của tiền triều.

Giặc Đoàn Thượng

Lý Huệ Tông lên ngôi mới 16 tuổi, đam mê Trần Thị, việc nước giao phó cho Đàm Dĩ Mông. Chỉ là nịnh thần vô tài, Dĩ Mông gây rối nát triều chính, bên ngoài giặc giã cướp phá khắp nơi khiến dân chúng lầm than.

Năm 1212 vua sai Đoàn Thượng mộ lính dẹp giặc. Lợi dụng cơ hội, Đoàn Thượng tác oai tác phúc để trục lợi, dân chúng khiếp sợ nhưng không dám kêu than. Tuy vậy tội ác của Thượng không che mắt được triều đình. Thượng bị triều thần hạch tội và bị vua xuống chiếu bắt giam.

Cưỡng lại lệnh bắt giam, Thượng rút gươm, mình trần, chạy về Hồng châu (nay là Hải dương). Tại đây Thượng tụ tập đồ đảng, xưng vương, xây thành đắp lũy chống lại triều đình.

Từ đó Đoàn Thượng tung hoành ở Hồng châu khiến dân khốn khổ, quan quân không dẹp nổi.

Ngoài giặc Đoàn Thượng còn có giặc Nguyễn Nộn nổi lên ở Bắc giang. Hai đảng giặc này gieo rắc kinh hoàng và nghèo đói cho dân từ cuối đời Lý tới đầu đời Trần. Năm 1226 Trần Thái Tông sai Trần Thủ Độ đi đánh nhưng không thắng được chúng. Thủ Độ phải xin vua phong tước vương cho Thượng và Nộn. Nộn chịu thụ phong nhưng Thượng từ chối.

Năm 1228 Đoàn Thượng chiếm huyện Đường hào, xây đắp thành lũy ở xã Yên nhân (nay là thị trấn Bần yên nhân) bắt dân ở các làng lân cận làm lính sung vào việc phòng thủ.

Nguyễn Nộn tự coi mình là bầy tôi của triều đình nên đem quân đi đánh Đoàn Thượng. Nộn thắng trận, Thượng bị giết, con là Văn đem gia thuộc ra hàng. Từ đó dân Hồng châu được yên ổn làm ăn.

Ngày nay vùng Bần yên nhân có tới 70 làng thờ Đoàn Thượng là thành hoàng và tôn là Đông hải đại vương (giặc được thờ làm thành hoàng!).

Giặc Nguyễn Nộn

Năm 1220 Nguyễn Nộn là thủ từ chùa Phù đổng bắt được vàng và ngọc bích nhưng không chịu nộp vào công khố. Lý Huệ Tông xuống chiếu bắt giam.

Nguyễn Nộn là người có uy tín và được nhiều người trong vùng tuân phục nhờ phong thái ung dung và đức độ.

Trần Tự Khánh (anh vợ của vua) xin vua tha cho Nộn để theo Khánh đánh giặc lập công chuộc tội. Vua chấp thuận.

Bấy giờ người Mán ở miền núi Quảng oai liên kết với nhau nổi loạn, Khánh sai Nguyễn Nộn đi tiễu trừ . Dẹp được giặc Mán, Nguyễn Nộn xưng vương và chiếm Bắc giang làm căn cứ. Tuy tự xưng vương nhưng trong những tờ biểu trình lên vua, Nộn vẫn xưng thần (bầy tôi) với vua để bày tỏ lòng phục tùng.

Sang triều Trần, năm 1226, Thái Tông sai Trần Thủ Độ đi đánh Đoàn Thượng ở Hồng châu và Nguyễn Nộn ở Bắc giang. Không thắng được giặc, Thủ Độ xin vua phong vương cho Thượng và Nộn để chiêu dụ về với triều đình.

Không chịu xưng thần với vua, Đoàn Thượng từ chối.

Nguyễn Nộn đã xưng là bầy tôi với vua nay nhận tước vương để được chính thức thay vì trước đây tự xưng vương. Vua phong cho Nộn tước Hoài đạo vương và cắt đất Bắc giang và Đông ngàn cho Nộn tự trị.

Năm 1228 Đoàn Thượng chiếm huyện Đường hào và lập phòng tuyến ở Yên nhân.

Lập công với triều đình, Nộn đem quân đi đánh Thượng. Vì bại trận, Thượng bị giết, quân sĩ của Thượng bị Nộn thống lĩnh vào lực lượng của mình khiến thanh thế của Nộn thêm lẫy lừng.

Thủ Độ lo lắng, một mặt chia quân phòng giữ, một mặt xin vua phong thêm tước cho Nộn. Thái Tông phong cho Nộn tước Hoài đạo hiếu vũ vương và gả công chúa Ngoạn Thiềm để ngầm theo dõi động tĩnh của Nộn. Cảnh giác, Nộn cho công chúa ở riêng một dinh thự trong doanh trại nên công chúa không biết gì về mưu toan của Nộn.

Nguyễn Nộn trở nên xa xỉ và ăn chơi quá độ. Tự biết mình không thể đối địch lâu dài với triều đình nên Nộn dự định về kinh chầu vua để thật tình tuân phục. Tuy nhiên chưa thực hiện được ý định thì Nộn bị bệnh. Vua cho viên chức trong nội điện tới thăm hỏi.

Để tỏ ra mình vẫn khỏe mạnh, Nộn cố gắng ăn cơm và nhảy lên ngựa chạy biểu diễn.

Nhưng sau đó không lâu, Nguyễn Nộn chết. Bộ tướng của Nộn là Phan Ma Lôi cưỡi ngựa quý của Nộn bỏ đi biệt tích.

Ma Lôi là người Chiêm thành, buôn bán ở Lào, được Nộn thu dụng. Từng trải chiến trận, Ma Lôi có tài dùng binh, mỗi lần ra quân là một lần chiến thắng.

Từ khi Nguyễn Nộn chết, đất nước được ổn định và triều đại mới bắt đầu xây dựng.

Bùi Quý Chiến
Trích đăng từ Đặc San Lâm Viên (www.dslamvien.com)

Tham khảo:

  • Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên.
  • Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn.
  • Việt sử tiêu án của Ngô Thời Sĩ.

Xem thêm:

Mời xem video: