Trong văn hóa truyền thống, có câu nói “Động thiên” (Trời trong hang động); “Trong hang động mới một ngày, trên thế gian đã ngàn năm”. Các hang động trong núi và sông lớn yên tĩnh tự nhiên, thường là nơi tu luyện thành Đạo, là nơi xuất hiện các truyền thuyết về Thần Tiên. Loại người nào có thể đến được “Động thiên”? Có người vì tu luyện cầu Đạo, đi muôn núi ngàn sông mà chẳng thấy gì. Có người vô ý vào sâu trong hang động, gặp cao nhân, tiếp nối Đạo duyên. Nhìn từ ngôn ngữ hiện đại, những điều này đều xảy ra trong “thế giới ở một không gian khác”.

Những ghi chép cổ xưa về thế giới trong một không gian khác
(Tranh minh họa: Thời Thanh, Public Domain)

Sử sách có ghi lại rằng, Hoàng Đế đã từng vấn Đạo Quảng Thành Tử ở núi Không Động, đã đặt nền móng cho văn hóa tu luyện. Trong “Thái Bình quảng ký” do triều đình nhà Tống biên soạn, có không ít sự tích tu luyện của “Động thiên”. Trong “Di kiên chí” và các thư tịch khác cũng có ghi chép những sự tích tu luyện.

Trong “Trường Xuân Chân Nhân Tây Du Ký” thời nhà Nguyên có ghi lại về việc Đạo sĩ Khâu Xử Cơ khi đi về phía tây để thuyết phục Thành Cát Tư Hãn ngừng chiến tranh.

Trong đó mô tả: “Đầu tháng Tám, nhận lời mời của Nguyên soái châu Tuyên Đức là Di Lạt, Khâu Xử Cơ liền đến ở Triều Nguyên Quán: Nơi sâu trong Động thiên, bằng hữu hội ngộ, an nhàn vui vẻ vô biên”. Đối với người tu Đạo mà nói, những hang động ở núi sông lớn thì bề ngoài người thường không nhìn thấy nó có gì huyền bí, nhưng những người tu Đạo lại ‘bằng hữu hội ngộ’ ở đó, vừa gặp nhau đã như cố nhân.

Lại viết: “Giáp Thân, nhân ngày mồng Một tháng Hai, cúng tế ở Thu Dương quán núi Tấn. Đạo quán ở phía Nam núi Đại Cách, núi sông tươi sáng tú lệ, địa y trong sương khói và ánh trăng, là đất của Đạo gia.”

Khâu Xử Cơ từng viết một bài thơ:

Quần sơn nhất đới bích tha nga,
Thượng hữu quần Tiên nhật dạ quá.
Động phủ thâm trầm nhân bất đáo,
Thời văn nham bích động Tiên ca.

Tạm dịch:

Một dải núi xanh vút tầng mây,
Trên núi chư Tiên dạo đêm ngày.
Động sâu thăm thẳm không người tới,
Vách hang chốc chốc vẳng Tiên ca.

Trên đường đi, Khâu Xử Cơ gặp một ngọn núi Đạo giáo nổi tiếng, và gặp nhiều Tiên nhân. Tuy nhiên, hang động quá sâu nên người bình thường không thể nhìn thấy.

Vậy thế giới trong hang động là như thế nào?

Một ghi chép về “Thế giới trong hang động”

“Thái Bình quảng ký” có ghi chép rằng vào năm Nguyên Gia thứ hai mươi sáu, đời Tống Văn Đế thời Nam triều, có một người tên là Văn Quảng Thông ở thôn Đằng, huyện Thần Khê. Một ngày nọ, một con lợn rừng xông vào trang trại của anh ta. Văn Quảng Thông đã dùng cung tên bắn con lợn rừng, con lợn rừng bị thương và chạy trốn thoát, anh ta đuổi theo nó suốt quãng đường và cuối cùng đi vào một hang động. Động sâu, Văn Quảng Thông đi hơn ba trăm bước, còn chưa đi tới cuối cùng, thì đột nhiên trước mặt hiện lên vùng sáng ngời, trước mặt anh xuất hiện mấy trăm ngôi nhà.

Đột nhiên, một ông lão từ ngôi nhà bên bước ra và hỏi: “Có phải anh là người đã bắn con lợn của tôi không?”

Văn Quảng Thông giải thích: “Con lợn đó đã ăn hoa màu của tôi, không phải vì tôi vô cớ làm tổn thương nó.”

Ông lão nói: “Dắt bò đi giẫm nát hoa màu của người khác là sai rồi, nhưng vì điều này mà cướp đi con bò của người ta thì còn tệ hơn.”

Văn Quảng Thông được ông chỉ bảo thức tỉnh, lập tức khom người xin lỗi. Ông lão nói: “Nếu anh biết lỗi mà sửa được thì không tính là có lỗi, con lợn này đáng bị báo ứng lần này, anh không cần phải bồi thường.”

Lão nhân mời Văn Quảng Thông vào trong xem một chút, bên trong có hơn mười vị thư sinh, đều đội mũ Chương Phủ, áo đơn rộng tay. Có một vị quan bác sĩ đang ngồi một mình trên chiếc ghế dài hướng về phía nam, ông ấy đang dạy đạo “Lão Tử”. Một cậu bé mang thức ăn và rượu tới, ông lão liền kéo Văn Quảng Thông lại cùng nhau uống rượu và vui vẻ.

Văn Quảng Thông thấy rằng người qua đường bên ngoài không khác gì thế giới bên ngoài, ngoại trừ hoàn cảnh tươi đẹp và yên tĩnh, và đó thực sự là một thế ngoại đào nguyên của động thiên. Anh ta muốn ở lại đây, nhưng ông lão từ chối và bảo một đứa trẻ đưa anh ta đi.

Văn Quảng Thông hỏi đứa trẻ: “Đây là nơi nào?”

Đứa trẻ trả lời:

“Các thư sinh trong phòng đều là những bậc hiền triết. Họ đến đây lúc đầu để thoát khỏi sự cai trị của bạo chúa Hạ Kiệt, do học Đạo nên đã trở thành Thần Tiên. Vị quan bác sĩ đã dạy đạo Lão Tử đó là Hà Thượng Công. Còn tôi là Vương Phụ Tự người Sơn Dương thời Hán, đây để hỏi Hà Thượng Cộng một số câu hỏi trong đạo Lão Tử, làm môn hạ của Hà Thượng công, tôi đã làm một người hầu quét dọn được 120 năm, bây giờ mới cho tôi làm người gác cổng, vẫn chưa cách nào đắc được yếu lĩnh bí quyết của Đạo kinh.”

Khi hai người đi đến cửa hang, Văn Quảng Thông miễn cưỡng từ biệt Vương Phụ Tự.

Sau khi Văn Quảng Thông bước ra khỏi hang, anh phát hiện ra rằng cung tên đã mục nát một cách kỳ lạ. Sau khi trở về làng, cả làng đều kinh ngạc khi nhìn thấy anh ta, hóa ra đã mười hai năm trôi qua kể từ chuyến đi ngắn ngủi đến động Tiên, và gia đình anh ta đã tổ chức tang lễ cho anh rồi.

Ngày hôm sau, Văn Quảng Thông và một số dân làng đã tìm thấy vị trí của động Tiên một lần nữa, nhưng họ thấy một tảng đá lớn chặn lối vào động, dù thế nào cũng không thể đục thông được.

Con đường kết nối với Thiên Thượng

“Thái Bình quảng ký” có thu lục những nhân vật như Khiết Hư, Bùi Thị Tử, Vương Xa, khách ẩn, dân hái thuốc, Tôi Vĩ, Lý Cầu, Hứa Thê Nham v.v.. Họ đều tình cờ vào một thời điểm cụ thể và trong những điều kiện cụ thể, bước vào một chiều không gian khác. Trong động có trời có đất, giống như nhân gian, chỉ khác là có vẻ như đang đi trong động, nhưng thực chất là một thế giới hoàn chỉnh.

Tại “động thiên”, họ đều được gặp những bậc thầy đã từng tu Đạo, khai sáng cho họ ý nghĩa thực sự của cuộc sống, khai sáng cho họ buông bỏ những chấp trước trần tục, tu luyện mới là đạo phản bổn quy chân. Một số người trân trọng cơ duyên, sau khi rời khỏi hang động họ chuyên tâm tu luyện, cuối cùng đắc Đạo, nhưng cũng có những người bị mê hoặc bởi danh lợi thế gian, đã bỏ lỡ cơ duyên ngàn năm khó gặp.

“Động” có nghĩa là ẩn, sâu và khó tìm, chỉ những người có duyên phận mới có thể đi sâu vào động vào đúng thời điểm.

“Văn hóa động Thiên” có một lịch sử lâu dài, và nó là một con đường thông kết nối nhân gian với Thiên Thượng. Những ghi chép phong phú trong “Thái Bình quảng ký” cho thấy thế giới trong hang động ở xung quanh chúng ta, nhưng thật khó để những người không có cơ duyên nhìn thấy nó.

Trong từ vựng tiếng Hán, các từ liên quan đến “động”, chẳng hạn như Động kiến, Động triệt, Động dật, Động đạt, Động tất, Động sát, Động nhược quan hỏa, đều có nghĩa là nhìn thấy bản chất thông qua các hiện tượng.

Thành tâm linh ứng, chứng kiến không gian khác

Không riêng gì hang động, khi có cơ duyên, những không gian khác sẽ hiện ra trước mắt con người dưới những hình thức khác, để những ai có duyên “thấy” được Thiên cơ. Ví dụ, một “ảo ảnh” giống như mở một cửa sổ trên bầu trời, cho phép mọi người nhìn thấy sự tồn tại của một không gian khác tại thời điểm đó.

Có rất nhiều mô tả về “ảo ảnh”, cả cổ xưa và hiện đại, ở nhiều khu vực trên thế giới, và hầu hết chúng là những ngọn núi, tòa nhà, con tàu tĩnh, v.v..

Trong “Mộng khê bút đàm” do Thẩm Quát viết vào thời Bắc Tống, có ghi lại một trải nghiệm của Âu Dương Tu, một trong Đường Tống Bát Đại Gia. Theo mô tả trong “Dị sự” quyển thứ 21 của bộ sách này, có ghi chép rằng:

“Từ Đăng Châu (Bồng Lai, Sơn Đông ngày nay), nhìn ra biển, thường thấy hí mây, có cái giống lâu đài cung điện, cũng có nhân vật, xe ngựa, trông rất rõ ràng. Mọi người gọi nó là hải thị (thành phố trên biển)… Âu Dương Văn Trung (Âu Dương Tu) từng đi sứ Hà Sóc, trên đường đi qua huyện Cao Đường, ban đêm ở trong khách sạn, nghe thấy có quỷ Thần đi qua trên không trung, âm thanh của ngựa xe, người, động vật đều rất rõ nét. Ông kể lại rất chi tiết, ở đây không viết nhiều. Cụ già địa phương nói: ‘20 năm trước, ở đây ban ngày cũng có những sự việc như thế này, nhân vật đều trông hết sức rõ ràng’. Người dân đều gọi là hải thị (thành phố trên biển)”.

Những điều mà Âu Dương Tu và người dân địa phương nghe và trông thấy cho thấy rằng “hải thị” (thành phố trên biển) không phải là hình ảnh ảo, mà là sự tồn tại chân thực của không gian khác, có sinh mệnh, xe ngựa và đó cũng là một thế giới hoàn chỉnh.

Vào những năm niên đại Tống Triết Tông, Tô Đông Pha bị giáng quan xuống Đăng Châu, nghe nói ở đó có kỳ quan “hải thị” (thành phố trên biển), nhưng ông chưa bao giờ có cơ hội được xem. Sau đó, khi chuẩn bị rời đi, Tô Đông Pha cảm thấy thật đáng tiếc khi không gặp ‘hải thị’, nên đã đến Đền thờ Thần Biển để lễ bái.

Ngày hôm sau, khi Tô Đông Pha chuẩn bị rời Đăng Châu, một cảnh tượng kỳ diệu thực sự xuất hiện, và hình ảnh rất rõ ràng, có thể nhìn thấy người đi bộ, xe cộ và ngựa đến và đi. Tô Đông Pha rất vui và viết bài thơ bảy chữ “Hải thị”. Mấy câu đầu viết:

Đông phương vân hải không phục không,
Quần Tiên xuất một không minh trung.
Đãng dao phù thế sinh vạn tượng,
Khởi hữu bối khuyết tàng châu cung?

Tạm dịch:

Phương đông mây biển tiếp bầu không,
Chư Tiên ẩn hiện ở tầng không.
Rung lắc cõi trần sinh vạn tượng,
Đâu có cổng khuyết giấu cung châu?

Giai thoại này đã được ghi lại trong cuốn sách bách khoa toàn thư “Dạ hàng thuyền” của học giả thời nhà Minh Trương Đại.

Tô Đông Pha tin vào Phật giáo trong những năm cuối đời, chính sự tôn kính của ông đối với Thần Phật đã cho phép ông nhìn thấy sự triển hiện của các không gian khác.

Các chiều không gian khác được giải thích như thế nào trong Phật Pháp? Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói rằng, trong một hạt cát có “tam thiên đại thiên thế giới”. Một hạt cát còn như vậy, thế thì chúng ta cùng lúc cùng nơi, phải chăng cũng có vô số không gian và thời gian khác nhau? Vậy thì thời không khác không phải là truyền thuyết hay cổ tích, chỉ là ai có thể xứng nhìn thấy hay chạm vào Trời và người ở không gian khác mà thôi.

Trong văn hóa truyền thống nghìn năm, rất nhiều hình ảnh thiêng liêng của các vị Thần Phật đã được thể hiện trong các bức tranh hoặc tác phẩm điêu khắc của các nghệ sĩ trong tất cả các triều đại. Ví dụ như sự uy nghiêm của Đức Phật, lòng từ bi của Bồ Tát, và hình ảnh các vị La Hán với những nét mặt và nụ cười khác nhau, những hình ảnh thể hiện trong những bức tranh và tác phẩm điêu khắc này cho mọi người biết sự tồn tại thực sự của Thần Phật ở các không gian khác.

Một ghi chép chân thực thời Trung Hoa Dân Quốc

Trong “Tiểu sử của Tôn Trung Sơn” (Nhà xuất bản Đại học Chiết Giang) có mô tả những điều kỳ diệu mà Tôn Trung Sơn đã nhìn thấy khi ông đến thăm núi Phổ Đà. Vào ngày 25 tháng 8 năm 1916, Tôn Trung Sơn cùng với Hồ Hán Dân, Đặng Gia Ngạn, Chu Trác văn, Chu Bọi Châm, Trần Khứ Bệnh và những người khác, đến núi Phổ Đà vào lúc hoàng hôn.

Khi đến đài Thiên Đăng trên núi Phật Đỉnh, đỉnh cao nhất, cách chùa Huệ Tế khoảng một dặm, Tôn Trung Sơn đột nhiên nhìn thấy hàng chục nhà sư tiến đến chào đón. Trước chùa có một tòa lầu tráng lệ, phướn ngọc cao lớn bay trong gió, các tăng nhân hợp thập tiếp đón, có một vị Thần ở phía sau, có một bánh xe rất lớn đang quay nhanh. Cảnh tượng nhanh chóng biến mất.

Sau khi vào chùa Huệ Tế, Tôn Trung Sơn hỏi từng người tùy tùng rằng họ có nhìn thấy tăng chúng trong tu viện trong rừng với những chiếc phướn quý treo trên đó không, nhưng mọi người đều nói rằng họ chưa nhìn thấy. Sau khi Tôn Trung Sơn nói với trụ trì chùa Huệ Tế – Liễu Dư hòa thượng, ông đã nhận lời mời của Liễu Dư và viết “Du Phổ Đà chí kỳ”, ghi lại trải nghiệm này.

Cuối cùng, Tôn Trung Sơn viết:

“Trong chớp mắt, có một vũ trụ. Trời xanh mây trắng, khói lượn vòng điểm xuyết, cảm thấy rằng cả cuộc đời mình không nơi nào thanh tĩnh thù thắng như thế! Tai nghe tiếng sóng triều, tâm chứa dấu ấn biển, thân cảnh trong như ảnh, cũng vì hình biến hóa mà tâm ý tiêu tan. Ô hô. Đây chính là cái gọi là Thần linh tự thông tỏ nội tâm.”

Trải nghiệm này đã được ghi lại bởi Đặng Gia Ngạn, người đã cùng Tôn Trung Sơn đến chùa Huệ Tế ở núi Phổ Đà, và sau đó được đưa vào cuốn sách “Phượng nhãn Bồ đề” do Lâm Thanh Huyền viết.

Khoa học trước chân lý vũ trụ

Với sự phát triển của khoa học hiện đại, các nhà khoa học khám phá các vấn đề thời không của vũ trụ bằng cách bắt đầu từ một số hiện tượng, dẫn xuất toán học và kinh nghiệm. Trong thuyết tương đối của mình, Einstein sử dụng hình ảnh không gian 4 chiều, trong đó bao gồm cả chiều thời gian. Giáo sư Đại học Harvard Lisa Randall đã đề xuất rằng có thể tồn tại “không gian chiều thứ năm”. Giáo sư David Deutsch từng nói: “Bản chất của cơ học lượng tử thực chất là lý thuyết về đa thời không”.

Trong cuốn sách “Sự tiến hóa của vật lý”, Einstein đã đưa ra một phép ẩn dụ, giống như một bộ phim trên màn hình, nếu màn hình là một thế giới (hai chiều), thì con người trong thế giới này, họ không thể tưởng tượng ra một không gian ba chiều (không gian mà chúng ta nhìn nhận, chưa tính trường thời gian), giống như chúng ta không thể tưởng tượng một thế giới bốn chiều.

Các nhà vũ trụ học thiên văn đã phát hiện ra rằng vật chất thông thường mà con người có thể quan sát được hiện chỉ chiếm khoảng 4% vũ trụ và 96% vũ trụ bao gồm vật chất tối mà con người chưa biết đến. Vậy thì vì sao không thể có những không gian đa chiều, và không thể có nhiều hơn một vũ trụ?

Con người đầy khao khát và sợ hãi đối với vũ trụ bí ẩn. Tác phẩm “Phaedo” của Plato ghi lại trái đất ở một chiều không gian khác được mô tả bởi nhà hiền triết Socrates trước khi ông qua đời, bao gồm các chi tiết như thành phần của địa cầu, màu sắc của trái đất, độ sáng chói của thực vật và hình dạng của đá quý. Tuy nhiên, những chi tiết này đã không được các thế hệ triết học phương Tây coi trọng.

Có một Đấng Tạo Hóa trong vũ trụ? Niềm tin vào Đấng Tạo Hóa vẫn tồn tại trong sự quan sát của các nhà thông thái. Nhà vật lý vĩ đại Newton tin chắc rằng sự phức tạp và trật tự của vũ trụ phải là sự sắp đặt trí tuệ của Đấng Tối Cao. Còn Einstein thì ví con người như một đứa trẻ không hiểu biết bên trong một thư viện bí ẩn là những quy luật thâm sâu của vũ trụ.

Theo “Thế giới trong hang động và không gian khác
Đăng trên Minghui.org
Tác giả: Tiêu Qua

Xem thêm:

Mời xem video: