Giữ gìn gia phong và làm theo gia huấn của tổ tiên là một trong những điều được người xưa xem như sứ mệnh. Cổ nhân khuyên rằng dù không có của cải để lại cho con cái, thì cũng nhất định không thể không lơ là việc dạy bảo và lập gia huấn truyền cho thế hệ sau. Một trong những gia huấn nổi tiếng thời cổ đại là “Nhan Thị gia huấn” của Nhan Chi Thôi.

Gia huấn của Nhan Chi Thôi: Trẻ không được dạy dỗ thì không nên người
(Tranh minh họa: Thời Thanh, Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Thời xưa, cổ nhân không quá chú ý đến việc để lại tài sản cho con cháu mà đặc biệt chú trọng đến việc truyền lại những đạo lý nhân sinh mà mình đã chiêm nghiệm một đời cho đời sau. Những gia huấn nổi tiếng thời xưa có thể kể đến như: “Giới tử thư” của Gia Cát Lượng thời Tam Quốc, gia huấn của Tư Mã Quang, Chu Hy triều Tống, Vương Phu Chi triều Minh, Trịnh Bản Kiều, Tăng Quốc Phiên triều nhà Thanh… Trong những gia huấn nổi danh này, có thể nói gia huấn của Nhan Chi Thôi là được nhắc đến nhiều nhất, bởi nó đề cập đến những điều cơ bản nhất trong việc giáo dục con.

Nhan Chi Thôi là một nhà văn, nhà thư pháp, họa sĩ, nhà soạn nhạc thời Nam Bắc triều. Ông làm quan lần lượt cho bốn triều đại: nhà Lương, nhà Bắc Tề, nhà Bắc Chu và sau đó là nhà Tùy. Nhan Chi Thôi sinh ra trong một gia đình trí thức, từ nhỏ đã chịu ảnh hưởng bởi lễ pháp của nhà Nho. Đồng thời ông cũng là người tín ngưỡng Phật Pháp. Ông là người bác học đa tài, nhanh trí, biết xử sự và có tài giải quyết công việc.

Gia huấn mà Nhan Chi thôi để lại là tổng kết kinh nghiệm lập nghiệp, xử thế, và học tập cả đời của Nhan Chi Thôi. Bộ sách được hoàn thành vào năm 589, bao gồm 7 cuốn, được chia làm 20 phần, nội dung chủ yếu là nhấn mạnh vào việc giáo dục, tu dưỡng đạo đức.

Trong “Nhan thị gia huấn – Giáo tử thiên”, Nhan Chi Thôi trình bày chi tiết và đầy đủ về cách giáo dục con. Ông nhấn mạnh rằng, làm cha làm mẹ không nên một mực yêu chiều con cái. Theo ông, ngay khi con còn nhỏ, cha mẹ nên tiến hành giáo dục đạo đức cho con một cách nghiêm khắc, và cần phải giúp con hiểu được đạo lý làm người:

Người thông minh không cần dạy dỗ cũng thành tài, người ngu đần cho dù có dạy cũng rất khó, còn đối với đại đa số người bình thường, nếu không được dạy dỗ thì không thể nên người được.

Ngày xưa, bậc Thánh Vương có phương pháp “dưỡng thai”: Vương Hậu mang thai được ba tháng thì dọn đến cung thất khác ở, mắt không nhìn những việc không chính đáng, tai không nghe những âm thanh không phải lễ nhạc. Dù là nghe nhạc hay ẩm thực, đều phải lấy lễ để tiết chế. Phương pháp dạy con này còn được chép vào sách, cất trong tủ đồng để cảnh giới. Sau khi đứa trẻ ấy ra đời, ngay khi vẫn còn rất nhỏ, Vua sẽ mời thầy đến giảng dạy cho trẻ học về hiếu, nhân, lễ, nghĩa.

Trẻ nhỏ trong gia đình bình thường cho dù không được như vậy, nhưng cũng phải dạy trẻ biết nhận mặt từng người, biết nét mặt khi vui vẻ, tức giận. Cha mẹ còn phải dạy trẻ biết việc gì nên làm thì mới làm, việc gì không nên làm thì không được phép làm. Nếu làm được như vậy thì khi trẻ lớn lên một chút sẽ không cần phải dùng hình thức trách phạt. Nếu cha mẹ vừa nghiêm khắc vừa có tấm lòng yêu thương con, thì con trẻ sẽ kính sợ và hiếu thuận.

Ta thấy có bậc phụ huynh, không biết dạy con mà chỉ một mực nuông chiều, không giáo dục. Rất nhiều người còn dung túng con từ việc ăn uống, lời nói cho đến việc làm. Có bậc cha mẹ, khi cần răn đe, nhắc nhở con thì lại khen ngợi, khi cần quát mắng con thì lại cười đùa với nó. Như vậy, đợi đến lúc đứa trẻ hiểu chuyện, nó sẽ tưởng rằng những việc như vậy là nên làm. Khi đã tạo cho con thói quen ngạo mạn, thất lễ rồi mới ngăn cản nó, thì lúc đó có dùng roi vọt cũng bằng thừa, không có uy nghiêm. Hơn nữa, nếu lúc ấy cha mẹ càng cáu giận thì con cái lại càng oán hận hơn, đợi khi con trưởng thành thì đạo đức đã hư hỏng mất rồi.

Khổng tử giảng: “Thiểu thành nhược thiên tính, tập quán như tự nhiên”, nghĩa là những thói quen hình thành từ bé thì cũng như thiên tính vậy. Cổ ngữ có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ”, cũng là đạo lý này, là điều hết sức đúng đắn.

Những người giáo dục con không tốt, cũng không phải là họ muốn cố ý cho con mình làm điều ác, chỉ có điều là họ không nỡ răn dạy con nghiêm khắc, mắng con thì sợ làm con mất mặt, đánh thì lại sợ con đau.

Giữa cha con là phải nghiêm khắc, không thể lỗ mãng, không tôn trọng. Giữa cốt nhục máu mủ phải có tình yêu thương nhưng không thể xem thường, thất lễ. Xem thường, thất lễ thì sẽ khuyết thiếu yêu thương và hiếu thuận, còn lỗ mãng không tôn trọng thì sẽ sinh ra thất lễ, thờ ơ.

Cha mẹ yêu thương con, nhưng rất hiếm người có thể đối xử bình đẳng với con cái được. Từ xưa đến nay, tệ trạng này quả thực rất nhiều. Người con tài trí hơn người đương nhiên đáng được yêu quý, nhưng với đứa con kém cỏi càng cần phải thương yêu. Có một số cha mẹ thiên vị, nghĩ là ưu ái với con, nhưng thực ra là lại vô tình mang đến cho con tai họa.

Triều Tề có một bậc sĩ có danh vọng, địa vị, vậy mà người ấy từng nói với ta rằng: “Tôi có một đứa con đã 17 tuổi rồi, nó có học chút ít, tôi còn dạy nó học thêm tiếng Tiên Ti và chơi đàn tì bà. Tôi định khi nó có chút hiểu biết thì cho đi phục vụ các bậc đại quan, nhất định sẽ được sủng ái. Ðây cũng là một việc mà tôi cho là rất quan trọng.” Lúc đó, ta nghe xong mà chỉ cúi đầu không trả lời. Thật sự là kỳ lạ, người này lại dùng cách ấy để giáo dục con mình. Nếu như dùng loại biện pháp đó mà sau này có thể làm khanh tướng, ta cũng không muốn các con đi làm.

Có thể thấy, trách nhiệm giáo dục con về đạo đức làm người ngay từ khi còn nhỏ của bậc làm cha mẹ là vô cùng trọng yếu. Cổ nhân luôn đặt việc giáo dục đạo đức, lễ nghi cho trẻ lên hàng đầu, bởi vì trẻ lớn lên cho dù là người tài năng xuất chúng nhưng nếu khuyết thiếu giáo dưỡng thì cũng khó thành công trong cuộc đời.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: Học con tìm lại chính mình