Thời Chiến Quốc, Trung Nguyên chiến loạn, chư hầu phân tranh, đoạn lịch sử này cần có một cái kết. Nước Tần lớn mạnh, thế của nó có thể thôn tính các nước khác. Tô Tần vì giữ cục diện cho các nước nhỏ mà đưa ra sách lược “hợp tung”, lại dùng ân tri ngộ trợ giúp Trương Nghi làm quân sư cho Tần. Tuy nhiên sau khi Tô Tần sa sút, Trương Nghi không còn phải báo ân, đã đề xuất “liên hoành”, giúp Tần dần dần thôn tính nước nhỏ. Kể từ đó, mấy đời liền Tần xuất hiện nhiều tể tướng hiền năng, nhiều tướng tài dũng mãnh, đã đi đến bước nhất thống Trung Nguyên. Đoạn lịch sử này đã chứng kiến những màn diễn gay cấn đầy kịch tính, tất cả đều xoay quanh hai chiến thuật “hợp tung” và “liên hoành”.

Sơ lược một đoạn lịch sử "hợp tung", "liên hoành" thời Chiến Quốc
(Tranh minh họa: Họa sĩ Lý Đường, Metropolitan Museum of Art, Public Domain)

Vào giữa và cuối thời Chiến Quốc, Tần và Tề là hai nước lớn lúc bấy giờ, đều muốn mở rộng lãnh thổ để thôn tính Trung Nguyên. Khi đó Tô Tần đã kiến nghị với Tần Huệ Vương kế sách “Thôn tính chư hầu, xưng đế rồi cai trị”, nhưng không được Tần Huệ Vương chấp nhận. Sau mấy lần thất bại, Tô Tần quay ra thuyết phục được những nước nhỏ yếu là Hàn, Triệu, Nguỵ, Sở, Yên cùng Tề liên hiệp lại đối kháng với nước Tần. Nguyên tắc “tập hợp những nước yếu để đánh một nước mạnh” này gọi là “hợp tung”. Nhờ sự thành công của kế sách hợp tung, Tô Tần đã trở thành tể tướng của liên minh sáu nước.

Về sau Trương Nghi chịu ân Tô Tần đến nước Tần, gặp được Tần Huệ Vương. Tần Huệ Vương lúc ấy đang đau đầu với kế sách hợp tung của sáu nước. Trương Nghi dùng tài ăn nói của mình phân tích tình thế lúc bấy giờ, Tần Huệ Vương vô cùng vừa ý, cho rằng Trương Nghi là một nhân tài, do đó đã ban cho Trương Nghi làm Khách khanh, sau đó lại phong làm tướng quốc, trực tiếp tham dự việc mưu tính thảo phạt chư hầu.

Trương Nghi ở Tần, ngầm thi hành kế của Tô Tần nhằm khiến cục diện các nước không thay đổi. Nhưng sau khi Tô Tần sa sút, kế không được dùng rồi qua đời, Trương Nghi không phải báo ân nữa, lại được Tần Huệ Vương trọng dụng, nên đã tận tâm dốc sức thể hiện năng lực của mình, đề xuất sách lược “liên hoành”, dùng uy bức, lợi dụ, phản gián, v.v.. liên kết với nước nọ để phá nước kia, cuối cùng làm sụp đổ kế sách hợp tung của sáu nước.

Bấy giờ các chư hầu tuy liên minh hợp tung nhưng nội bộ vẫn có mâu thuẫn, không phải thật tâm đồng lòng hợp sức. Trong sáu nước thì Tề và Sở là nước lớn, nên Trương Nghi quyết định động thủ với Sở trước, tự mình đi sứ, lấy lễ vật hậu hĩnh mua chuộc trọng thần tín sủng của Sở Hoài Vương.

Lúc bấy giờ nước Tần là nước lớn mạnh nhất nên khi Tần phái sứ giả đến, Sở Hoài Vương đã đón tiếp rất nồng nhiệt. Trương Nghi không vòng vo mà nói thẳng rằng: “Tần Vương phái tôi đến giao hảo cùng quý quốc, chỉ cần ngài đoạn giao với nước Tề, nước Tần nguyện mãi mãi hoà hảo với quý quốc, còn nguyện ý đem 600 dặm vùng Thương Dư dâng cho quý quốc nữa”.

Sở Hoài Vương thấy lợi quên nghĩa, dù bị trung thần nhắc nhở cũng gạt bỏ ngoài tai. Ông tuyệt giao với nước Tề, mặt khác chuẩn bị tiếp nhận Thương Dư. Khi sứ giả của nước Sở đến Hàm Dương chuẩn bị tiếp nhận Thương Dư, Trương Nghi một mực phủ nhận nói: “Điều ta nói là sáu dặm chứ không phải sáu trăm dặm”. Ngay khi sứ giả báo về, Sở Vương giận đến nỗi lập tức phát binh tấn công nước Tần. Nước Tần không những nghênh chiến, còn mời nước Tề đến trợ chiến, nước Sở thất bại thảm hại, từ đó nguyên khí tổn thương nặng nề.

Trương Nghi sau đó lại đến nước Tề, nước Triệu, nước Hàn, nước Vệ thuyết phục chư hầu các nước kết thân với Tần. Vì nước Sở mạnh đã phá vỡ liên minh, nên liên minh yếu đi nhiều. Các nước vốn cũng có mưu tính riêng, cứ như thế liên minh hợp tung của sáu nước cuối cùng đã bị Trương Nghi phá hỏng.

Sau này các đời tể tướng, thừa tướng của Tần tiếp tục cách làm của Trương Nghi, sử dụng uy bức, lợi dụ, phản gián, dần diệt hết trung thần của chư hầu còn lại. Nước Tần lại như tằm ăn rỗi, cứ dần dần lấn bức, cuối cùng thôn tính được Trung Nguyên, Tần Vương lên ngôi Hoàng đế, chính là Tần Thủy Hoàng.

Dựa theo “Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp: Thiên Tự Văn”
Đăng trên ChanhKien.org
Ninh Sơn biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: