Sự ảnh hưởng của Lễ Nhạc truyền thống đối với con người
- An Hòa
- •
Thời cổ đại, “lục nghệ” (sáu loại kỹ nghệ bao gồm: lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số) được xem là cách giáo dục toàn diện, trong đó bao hàm cả giáo dục đạo đức nhân cách, truyền đạt tri thức, bồi dưỡng kỹ năng. Đây là điều mà Nho gia lấy làm nội dung học tập cho các đệ tử. Trong “lục nghệ” thì Lễ Nhạc là có tác dụng lớn đối với việc an định tâm linh của con người.
Lễ đứng đầu trong “lục nghệ”. Trong văn hóa truyền thống, Lễ không chỉ là cách thức kết giao, quan hệ qua lại mà còn có hàm nghĩa sâu sắc. Lễ được dùng để sắp xếp trật tự xã hội, “Lễ thừa Thiên đạo, dĩ trị nhân tình” (lễ thừa chịu đạo trời để chi phối các mối quan hệ giữa con người với nhau).
Ví như thời thượng cổ, căn cứ sự vận chuyển của Mặt Trời, Mặt Trăng mà người ta chế định lịch pháp, một năm có 24 tiết khí, từ đó phân ra các việc nhà nông trong một năm, gieo trồng vào mùa xuân, sinh trưởng vào mùa hạ, gặt hái vào mùa thu và cất giữ vào mùa đông.
“Chu Lễ” chia quan viên trông coi các phương diện của xã hội làm sáu loại. Bởi vì trong giới tự nhiên có “thiên, địa, xuân, hạ, thu, đông”, cho nên sáu loại quan viên này được mệnh danh là: Thiên quan, Địa quan, Xuân quan, Hạ quan, Thu quan, Đông quan.
Thời Tùy Đường hình thành chế độ lục bộ: Lại bộ, Hộ bộ, Lễ bộ, Binh bộ, Hình bộ và Công bộ. Chế độ lục bộ này kéo dài đến triều nhà Thanh. Lục bộ có nguồn gốc từ sáu chức quan trong “Chu Lễ”. Trong đó, Lại bộ đối ứng với Thiên quan, quan viên chủ quản việc tuyển chọn khảo hạch; Hộ bộ đối ứng Địa quan, chưởng quản hộ tịch dân chúng, quản lý đất đai; Lễ bộ đối ứng với Xuân quan, chủ quản việc tế tự; Binh bộ đối ứng với Hạ quan, chủ quản việc quân sự; Hình bộ đối ứng với Thu quan, chủ quản việc tư pháp, xử quyết phạm nhân phần nhiều thực hiện vào mùa thu; Công bộ đối ứng với Đông quan, chủ quản việc xây dựng công trình vì mùa đông, việc nông nhàn hạ, công trình nhiều.
Sau khi chế độ xã hội an định, Lễ lại được dùng để sắp xếp trật tự giữa người với người, bao các mối quan hệ vợ chồng, cha con, anh em, bạn bè, vua tôi, còn có việc tang ma, cưới xin…
Đứng thứ hai trong “lục nghệ” là Nhạc. Trong văn hóa cổ có câu nói “Sĩ vô cố bất triệt cầm sắt”, kẻ sĩ sẽ không vô cớ mà từ bỏ đàn sắt, đàn cầm. Người xưa vô cùng xem trọng âm nhạc, thông qua âm nhạc để điều chỉnh thể xác và tinh thần của mình.
Con người trời sinh đã có các loại cảm xúc như hỉ, nộ, ai, lạc, khủng, ác, dục. Văn hóa truyền thống cho rằng cảm xúc và sức khỏe của thân tâm con người là có sự đối ứng với nhau, loại cảm xúc nào quá mức đều sẽ tạo thành tổn thương đối với con người. Như sách “Hoàng Đế Nội Kinh” viết: “Hỉ thương tâm, nộ thương can, tư thương tỳ, bi thương phế, khủng thương thận”.
Chữ “Dược” (藥) và chữ “Nhạc” (樂) rất giống nhau, biểu thị rằng âm nhạc và thuốc là tương thông. Ngũ âm trong âm nhạc gồm “cung, thương, giốc, chủy, vũ”, đối ứng Ngũ hành trong tự nhiên “kim, mộc, thủy, hỏa, thổ” và đối ứng với ngũ tạng trong cơ thể người là “tâm, can, tỳ, phế, thận”. Thông qua sự điều tiết của âm nhạc có thể khiến nội tâm con người đạt tới cảnh giới trung chính, bình hòa.
Vào thời cổ, không phải tất cả âm nhạc đều có thể được gọi là Nhạc. Âm nhạc được chia làm ba tầng cấp là Thanh, Âm và Nhạc. Phàm là những gì có thể phát ra tiếng vang thì được gọi là thanh, như tiếng nước chảy, tiếng chim hót…; Thanh có tiết tấu nhịp điệu thì được gọi là Âm; chỉ những Âm mà có thể tịnh hóa tâm linh con người, làm cho cảnh giới tinh thần của con người tăng lên thì mới được gọi là Nhạc, loại nhạc này cũng được gọi là Đức âm nhã nhạc.
Cổ nhân đã tạo ra một số đức âm nhã nhạc, từ Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn đến Hạ, Thương, Chu, tổng cộng có sáu loại vũ nhạc, hợp lại gọi là “lục đại vũ” (vũ nhạc của sáu thời đại). Vũ nhạc mà Hoàng Đế tạo ra là “Vân môn”. Vân môn cũng chính là Thiên môn. Tương truyền, lúc Hoàng Đế trị vì thiên hạ, quan viên phần nhiều đều lấy mây để đặt tên gọi, ví dụ như: Thanh Vân thị, Bạch Vân thị, Hắc Vân thị,… chữ “thị” nguyên ban đầu là chỉ Thần linh. “Vân môn” do Hoàng Đế sáng tác có nội dung chủ yếu là ca tụng các vị Thần chưởng quản thiên không, cũng là nói rõ cho con người trên mặt đất biết được cố hương thực sự của mình chính là trên thiên thượng.
Âm nhạc tốt đẹp có sự dung hợp với lòng người, có tác dụng làm an ổn lòng người. Nhưng âm nhạc không tốt lại làm cho người ta theo đuổi dục vọng mà trở nên mê lạc, không ít quân vương bởi vì mê thích loại âm nhạc này mà dẫn đến mất nước. Ví như khi Chu Vũ Vương thảo phạt Thương Trụ Vương, lúc tuyên đọc tội trạng của Thương Trụ vương đã nhắc đến việc Thương Trụ Vương chế tác dâm khúc lấy lòng phụ nữ, làm bại hoại triều cương.
Mỗi vị minh quân trong các triều đại của lịch sử lên nắm quyền thì điều trước tiên họ làm là “chính” (điều chỉnh cho đúng) lại Lễ Nhạc. Vì sao các vị Hoàng đế này lại coi trọng Lễ Nhạc như vậy? Nguyên nhân rất đơn giản, chính là âm nhạc có thể dưỡng tâm con người, giáo hóa con người. Âm nhạc ở trên có thể tương hợp với Trời, ở dưới có thể tương hòa với Đất, mà ở giữa thì lại tương thông với con người.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
- Âm nhạc tương hợp với Trời, tương hòa với Đất, tương thông với người
- Tưởng Giới Thạch và kiến giải độc đáo về lễ nhạc
Mời xem video:
Từ khóa Lễ nhạc đức âm nhã nhạc Lục nghệ