Những sự thật ít biết về nhà văn Lỗ Tấn
- Trí Đạt
- •
Lỗ Tấn thường được biết đến như một nhà văn lớn, một dịch giả nổi tiếng sống vào thời Trung Hoa Dân Quốc. Ông được coi là người sáng lập ra văn học Trung Quốc hiện đại. Dù cuộc đời có nhiều bi kịch, nhưng Lỗ Tấn đã đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử văn học cánh tả Trung Quốc, tác phẩm của ông cũng có ảnh hưởng lớn đối với nhiều thanh niên Trung Quốc. Nhưng có rất nhiều sự thật về ông mà ít người biết đến.
Lỗ Tấn cực đoan phủ định tất cả
Cuộc đời Lỗ Tấn là một chuỗi bi kịch, từ cuộc hôn nhân không nguyện ý tới sự rạn nứt tình anh em. Chính vì vậy mà Lỗ Tấn có ác cảm với xã hội, bi quan với hiện tại, và thường công kích các thói hư tật xấu của người đời bằng giọng văn châm biếm cay nghiệt.
Cá tính của Lỗ Tấn rất cực đoan, muốn đổ lỗi toàn bộ những bất hạnh mà ông gặp phải cho nền văn hóa truyền thống, hoàn toàn đứng ở thái cực phủ định mà xem xét vấn đề. Dưới tác dụng của chủ nghĩa dân tộc hư vô, thuyết tiết hóa, thuyết vô thần luận, Lỗ Tấn cảm thấy Trung Quốc đã hết hy vọng, hễ đặt bút là thóa mạ người Trung Quốc, nói họ tê liệt, dốt nát, hèn nhát, tự khinh rẻ bản thân, hung bạo… Ông cũng phủ định trung dược, trung y, còn tuyên bố: “Quyết không bao giờ đi coi bệnh trung y”. Ông thậm chí còn muốn triệt để phá bỏ chữ viết Trung Quốc, hô hào những thứ như: “Trung văn không bị hủy diệt, thì Trung Quốc không có hy vọng”.
Kỳ thực trong mỗi con người đều có thiện – ác, trong mỗi xã hội nào đều có tốt – xấu, chính – phản. Các giá trị phổ quát thiện lương mà văn hóa truyền thống Trung Hoa đề cao kỳ thực cũng là điều mà mỗi người đều không thể không hướng đến. Chiến tranh là việc của lòng tham con người, trong chiến tranh thì tôn giáo cũng hoàn toàn có thể bị lợi dụng. Ở phương Tây, thậm chí có rất nhiều lần chiến tranh tôn giáo xảy ra, nhưng người Tây phương đều không cho rằng Kitô giáo là xấu, mà lỗi là ở con người, còn quan niệm phổ quát và giá trị phổ quát của Kitô giáo vẫn luôn được người ta thừa nhận.
Chính vì Lỗ Tấn mang theo tâm tình tiêu cực tuyệt vọng, cho nên những giá trị như thiện lương hay hữu ái tương thân trong lịch sử và văn hóa quốc gia bị Lỗ Tấn xem là “đạo đức giả” hết. Sống vào thời Trung Hoa Dân Quốc, khi quốc gia gặp nạn, Lỗ Tấn không những không kêu gọi người Trung Quốc đoàn kết kháng Nhật, lại còn phơi bày những điểm yếu của người dân Trung Quốc, những mặt trái của xã hội, để chứng minh rằng việc ngoại tộc xâm nhập hay lăng nhục Trung Hoa là điều hết sức hợp lý.
Nếu sống cùng ĐCSTQ, Lỗ Tấn sẽ rất thê thảm
Tâm tình của Lỗ Tấn rất hòa điệu với những gì ĐCSTQ cần để lên nắm quyền. Đứng trước những giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống Trung Hoa là Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín, ĐCSTQ khó lòng có thể thuyết phục người dân vứt bỏ đạo đức để theo đảng làm bạo lực cách mạng, khó lòng xúi bẩy người dân quay ra giết lẫn nhau chỉ vì lợi ích cá nhân, khó lòng kích động người dân đi theo lá cờ máu của đảng. Bản chất giả tạo, ác độc, và tranh đấu của ĐCSTQ hoàn toàn đối lập không thể dung chứa trong văn hóa 5.000 năm, nên đảng phải tìm được một văn nhân có tầm ảnh hưởng, có sự cực đoan, có ác cảm đối với văn hóa truyền thống.
Lỗ Tấn lại là người làm được điểm đó. Ông phỉ báng văn hóa truyền thống Trung Hoa là văn hóa “ăn thịt người”, miêu tả lịch sử xã hội thành hai thời kỳ: “thời kỳ người dân muốn làm nô lệ cũng không được (phong kiến) và thời kỳ tạm thời được làm nô lệ (Trung Hoa dân quốc)”, hoàn toàn vứt bỏ tầm quan trọng của đạo đức truyền thống trong con mắt của người dân. Điều này đã giúp ĐCSTQ khai mở một con đường tiến tới gây dựng thanh thế ở Trung Quốc.
Những yếu tố âm ám, bạo lực, lãnh mạc, thờ ơ, thù địch và cừu hận trong tác phẩm văn học của Lỗ Tấn có thể khởi tác dụng gây tê liệt và đầu độc người dân, từ đó ĐCSTQ đã ra sức tuyên truyền các tác phẩm này. Vậy nên cho tới hiện tại, các tác phẩm tuyên dương thù hận và bạo lực vẫn được đưa vào sách giáo khoa từ tiểu học đến trung học. Nhiều thế hệ người Trung Quốc thông qua Lỗ Tấn mà bị ĐCSTQ đầu độc.
Sách giáo khoa ngữ văn của trung học đa phần là văn chương của Mao Trạch Đông và Lỗ Tấn. Mao nói “phản đối chủ nghĩa tự do”, Lỗ Tấn nói lịch sử 5.000 năm, đâu đâu cũng thấy viết hai chữ “ăn thịt người”, phải “đánh đập kẻ sa cơ”, “muốn chơi đẹp thì phải làm từ từ”, rất nhiều phần trong những bài văn này phải học thuộc lòng.
Lợi dụng Lỗ Tấn là vậy, nhưng ĐCSTQ cũng ghét sự cực đoan của Lỗ Tấn. Lỗ Tấn tính cách cực đoan, mà thói quen oán hận có thể phát tiết bất cứ lúc nào là rất khó kiểm soát khắc phục. Lỗ Tấn nếu như sống cùng thời điểm ĐCSTQ thiết lập được chính quyền (ông mất trước đó), thì quả thực kết quả sẽ rất thê thảm. Nếu như trước đó Mao Trạch Đông và Lỗ Tấn có vẻ “tâm ý tương thông”, thì năm 1949, sau khi Mao Trạch Đông lên nắm quyền đã từng nói, nếu như Lỗ Tấn còn sống, thì “ông ấy hoặc là ngoan ngoãn im miệng, hoặc là ngồi trong lao tù để không nói gì được.” Mao Trạch Đông hiểu rất rõ rằng thời đại của ông ta còn xám xịt hơn tất cả những thời đại đi trước, nên có thể nghĩ nếu văn chương Lỗ Tấn viết về thời đại này thì sẽ xám xịt đến mức nào. (Xem thêm: Tóm tắt lịch sử giết người của đảng Cộng sản Trung Quốc)
Sự thật việc phê phán “ngụy tự do”
Những tác phẩm văn chương phê bình, thậm chí là mắng chửi chính phủ Quốc Dân của Lỗ Tấn có thể tự do phát biểu trên báo chí Trung Quốc. Nhưng Lỗ Tấn còn chưa hài lòng về điều này, tiếp tục công bố cuốn “Sách về ngụy tự do”, coi chính phủ Quốc Dân cùng sự tự do và quảng đại của nó là “ngụy tự do”. Mà tất cả mọi người đều biết, Trung Quốc Đại Lục sau năm 1949, những phần tử trí thức nếu có bất kỳ ngôn luận bất mãn nào đối với ĐCSTQ đều dẫn đến họa sát thân. Tự do và không có tự do, tự do thật sự và tự do giả tạo, khi đặt vào thế so sánh giữa hai thời kỳ này có thể thấy hết sức rõ ràng.
Hiện thực trong mắt Lỗ Tấn là “một căn phòng đen tối không thể nào phá vỡ”, không còn hy vọng gì để nói nữa. Cái nhìn vào “mặt đen tối” phiến diện mà Lỗ Tấn đưa đến khiến người ta trở nên tiêu trầm, cảm thấy thời đại này ngoài bóng tối ra không còn gì khác, khiến người ta nghĩ rằng việc ĐCSTQ lật đổ chính phủ Quốc Dân hay Nhật Bản xâm lược Trung Quốc cũng đều là để “phá vỡ căn phòng đen tối”. Mà một trong hai kết quả này kỳ thực đều là thảm họa của dân tộc Trung Hoa.
Trên thực tế, trong thời kỳ chiến tranh khó khăn, chính phủ Quốc Dân chưa bao giờ tiếc tiền đầu tư cho giáo dục, chi phí cho giáo dục chỉ đứng sau chi phí cho quân đội. Trong quá trình học từ trung học đến đại học, số lượng sinh viên dựa vào vào các khoản tiền vay ngân hàng hoặc công quỹ lên đến 1,28 triệu người, trong đó có cả Lý Chính Đạo và Dương Chấn Ninh là hai người sau này đạt giải Nobel. Vậy mà so với xã hội của ĐCSTQ hiện tại, chi phí trấn áp dân chúng để “duy trì ổn định” vượt quá cả chi phí cho quân đội, mà tại Trung Quốc Đại Lục thì vô số trẻ em miền núi nghèo khó không có tiền đến lớp.
Liệu Lỗ Tấn có bán nước?
Lỗ Tấn không nhìn thấy hy vọng của Trung Quốc liền đặt hy vọng ở nơi khác. Theo “Hai phần tử trí thức của thế kỷ 20: Lỗ Tấn và Hồ Thích” (xuất bản tháng 1/2008) của Thiệu Kiến, Lỗ Tấn là người ủng hộ xã hội chủ nghĩa Liên Xô, vô cùng quan tâm, giới thiệu và hỗ trợ Liên Xô, hình thành nên một chủng “tình cảm gắn kết Liên Xô” không thể nào hóa giải.
Trung Quốc đối với nước Nga ở biên giới phía Bắc vẫn luôn có tâm phòng bị. Nước Nga quá khứ và Liên Xô lúc bấy giờ vẫn luôn có ý định thôn tính Trung Quốc. Ngay từ hồi đầu thế kỷ 19, Nga và Nhật Bản đã đánh một trận vì lợi ích riêng của mình. Năm 1920, khi Tôn Trung Sơn ngã bệnh nằm liệt giường, ông đã dặn đi dặn lại Trương Học Lương về dã tâm xâm chiếm Trung Quốc của hai “hồng bạch đế quốc” Nhật Bản và Liên Xô.
Lỗ Tấn ngoài gắn kết đặc biệt với hồng quốc Liên Xô, còn gắn bó càng sâu đậm hơn với bạch quốc Nhật Bản.
Ngày 18/9/1931, khi Nhật Bản chiếm lĩnh Đông Bắc Trung Quốc thì Lỗ Tấn gọi đây là sự kiện đế quốc Nhật Bản “trừng phạt” nô bộc quân phiệt Trung Quốc, đồng thời “trừng phạt” người dân Trung Quốc, bởi vì dân Trung Quốc chính là nô lệ của quân phiệt.
Năm 1932 trong một bài phát biểu tại Đại học Công giáo Phụ Nhân ở Bắc Kinh, Lỗ Tấn tuyên bố rằng, Nhật Bản xâm chiếm vùng Đông Bắc chính là mở màn cho việc bắt đầu tấn công Liên Xô. Việc Nhật chiếm lãnh thổ Trung Quốc, trong con mắt của Lỗ Tấn có vẻ như không có gì là nghiêm trọng, quan trọng đây chính là bước đầu tiên làm bàn đạp cho Nhật bản tấn công Liên Xô. Đối mặt với quốc nạn, Lỗ Tấn coi sự kiện này không có quan hệ gì với Trung Quốc cả, có quan hệ cũng chỉ là sự trừng phạt của hai nước lớn.
Học giả người Canada gốc Trung Quốc, Tôn Nãi Tu, từng chỉ ra nhiều điểm về đến tiệm sách Uchiyama của Lỗ Tấn, trích dẫn một số thông tin nghi ngờ Lỗ Tấn là kẻ hai mặt và có giao du với một số gián điệp Nhật Bản, chẳng hạn như Yamamoto Hatsue. Một số học giả khác cũng cho rằng tiệm sách Uchiyama chính là nơi dành cho gián điệp Nhật Bản.
Ngày 21/10/1935, người rao giảng chủ nghĩa cuồng tín Nhật Bản là Yone Noguchi trong một cuộc đàm thoại, đã nói rằng Lỗ Tấn rất thân thiện với người Nhật Bản. Noguchi nhắc lại lời Lỗ Tấn rằng, giới chính khách và quân phiệt Trung Quốc không thể nào mang lại thái bình cho quốc gia này, trong khi Ấn Độ được nước Anh quản lý về chính trị và quân sự lại hoàn toàn thái bình. Lỗ Tấn nói vậy thì chi bằng Trung Quốc cũng mời Nhật Bản sang giúp đỡ quản lý về quân sự chính trị.
Trí Đạt
Xem thêm:
- Văn hóa nghệ thuật có thể bị tuyên truyền độc tài lợi dụng như thế nào?
- Tuyên truyền kiểu Trung Quốc: Chuyện ăn uống của Mao Trạch Đông
Mời xem video:
Từ khóa Quốc Dân Đảng Lỗ Tấn Đảng Cộng Sản Trung Quốc Mao Trạch Đông