Trong Kinh Dịch viết: “Mông dĩ dưỡng chính, Thánh công dã”, nghĩa là nếu có thể giáo dục những người trẻ tuổi một cách đúng đắn, dẫn dắt họ đi theo con đường chính đạo, thì công lao ấy có thể ví với công lao của bậc Thánh nhân. Con trẻ nhỏ tuổi, dễ dàng tiếp nhận chỉ dẫn, nếu ngay từ bé đã được giáo dưỡng chính xác thì tương lai sẽ trở thành người hiền, vừa có tài vừa có đức, có ích cho xã hội và nhân quần. Bởi vậy những cuốn sách vỡ lòng dạy con của người xưa đều được biên tập công phu, không chỉ là học chữ.

Tản mạn về vài cuốn sách vỡ lòng dạy con của người xưa
(Tranh: Chí Thanh, Vision Times tiếng Trung)

Trong văn hóa cổ xưa, tài liệu học vỡ lòng của trẻ chính là ba trước tác quan trọng bao gồm: “Tam tự kinh”, “Bách gia tính”“Thiên tự văn”. Trong ba cuốn này, cuốn sách ra đời sớm nhất là “Thiên tự văn”, ra đời vào thời Nam Bắc Triều. Cuốn “Bách gia tính” xuất hiện vào triều nhà Đường. Cuốn “Tam tự kinh” xuất hiện vào thời nhà Tống.

“Thiên tự văn” được coi là cuốn sách vỡ lòng cho trẻ em được sử dụng lâu nhất trên thế giới.  Mở đầu “Thiên tự văn” viết: “Thiên địa huyền hoàng, vũ trụ hồng hoang, nhật nguyệt doanh trắc, thần túc liệt trương”, nghĩa là bầu trời màu đen, mặt đất màu vàng, vũ trụ hồng hoang, mặt trời lên cao rồi lặn dần, mặt trăng tròn rồi khuyết. Mở đầu của “Thiên tự văn” đã giảng cao như vậy, nói tới không gian vô biên, mặt trời và mặt trăng luân phiên nhau, cho nên “Thiên tự văn” nội dung bao hàm toàn diện, gồm tất cả thiên văn địa lý, lịch sử văn hóa, tu thân xử thế… Vì thế cuốn sách này được coi là bộ bách khoa toàn thư bỏ túi của nền văn hóa cổ đại. 

Trong “Thái bình quảng ký” ghi chép rằng Lương Vũ Đế vô cùng thích thư pháp của Vương Hy Chi nên đã lấy ra một nghìn chữ trong thư pháp của Vương Hy Chi để dạy hoàng tử biết chữ. Nhưng những chữ này không ăn khớp, rất tản mạn và khó ghi nhớ. Hoàng đế biết sử học gia Chu Hưng Tự tài hoa hơn người, vì thế đã tìm đến Chu Hưng Tự để nhờ tổng hợp nghìn chữ này thành một bài văn. Đó là sự hình thành của “Thiên tự văn”, cứ bốn chữ tạo thành một cụm, tổng cộng có 250 câu. Nội dung của “Thiên tự văn” mạch lạc, ăn khớp, gọn gàng, toàn bộ ngoại trừ chữ “khiết” là xuất hiện hai lần, còn lại đều không có chữ nào lặp lại. Kiệt tác này khiến Lương vũ Đế vô cùng cao hứng, ban thưởng hậu cho Chu Hưng Tự.

Bởi vì “Thiên tự văn” là có quan hệ đến thư pháp Vương Hy Chi cho nên thư pháp gia của các triều đại đều viết “Thiên tự văn”, có thể kể tới như Hoài Tố, Tống Huy Tông, Triệu Mạnh Phủ, Văn Trưng Minh… Bởi vậy “Thiên tự văn”không chỉ là sách giáo khoa vỡ lòng, mà còn là một bản mẫu để mọi người học tập viết thư pháp.

Cuốn sách thứ hai, “Bách gia tính”, xuất hiện vào triều nhà Đường, viết về 504 dòng họ, trong đó họ đơn gồm 444 và họ kép gồm 60. Nguồn cội luôn là truyền thống mà cổ nhân coi trọng. Văn hóa gia phả bắt đầu phát triển mạnh vào triều nhà Đường và triều nhà Tống, trong tên của mỗi người đều có thông tin về gia tộc. Tên của các thành viên trong gia đình sẽ được sắp xếp theo thế hệ, và văn hóa gia phả ghi lại một cách mạch lạc rõ ràng về một gia tộc, sự ra đời, mất đi và thay đổi. Văn hóa gia phả được xưng là tam đại lịch sử văn hiến. Vì vậy, hiểu được nguồn gốc của dòng họ và văn hóa của dòng họ cũng trở thành một phần rất quan trọng trong việc dạy dỗ con trẻ.

Cuốn “Tam tự kinh” thì xuất hiện vào thời nhà Tống, các câu đều ngắn gọn xúc tích và dễ học thuộc lòng, là tác phẩm nổi tiếng được lưu truyền hàng ngàn năm qua. “Tam tự kinh” chỉ có trên 1000 chữ nhưng cũng bao trùm cả văn học, lịch sử, triết học, thiên văn, địa lý, luân thường đạo lý…, là cuốn sách vỡ lòng của trẻ. Tư tưởng xuyên suốt của “Tam tự kinh” là chuyên cần học tập. Bởi vì “Nhân chi sơ, tính bản thiện” (Lúc ban đầu người ta sinh ra vốn tính thiện), nhưng nếu không giáo dục, không chăm chỉ học tập, cái bản tính thiện đó của người sẽ bị ô nhiễm bởi thế tục, sẽ biểu hiện càng ngày càng ít đi. Do đó, “Giáo chi đạo, quý dĩ chuyên”, cái đạo của giáo dục quan trọng nhất, mấu chốt nhất là ở chuyên cần.

Ngoài những cuốn sách vỡ lòng cần phải học này ra thì người xưa còn dạy trẻ qua thơ từ. Trẻ em thời cổ thường không tách rời với thơ, như tác phẩm “Thiên gia thi”. “Thiên gia thi” là tác phẩm gồm hơn 1200 bài thơ của các thi nhân nổi danh đời nhà Đường và Tống do tác giả Lưu Khắc Trang thời Tống biên soạn. Trải qua các đời Nam Tống, Nguyên, Minh, Thanh, “Thiên gia thi” có tầm ảnh hưởng rất lớn và mở rộng hơn. Đến thời Minh Thanh, “Thiên gia thi” cùng với “Tam tự kinh”, “Bách gia tính” “Thiên tự văn” trở thành tài liệu học tập vỡ lòng không thể thiếu của trẻ, được xưng là “Tam – Bách – Thiên – Thiên”. Trẻ đọc các bài thơ sẽ hiểu được rất nhiều điều về nhân sinh quan, đạo lý làm người, làm việc, từ đó hình thành được cách đối nhân xử thế khi dần trưởng thành.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: