Trong Luận Ngữ, Khổng Tử nói: “Nếu có thể thường xuyên ôn tập những học vấn mà mình mong cầu thì chẳng phải rất cao hứng sao? Nếu có người bạn cùng chí hướng từ phương xa đến chơi, chẳng phải sẽ khiến người ta cảm thấy hân hoan sao? Cho dù người ta không hiểu được mình thì cũng không vì thế mà cảm thấy oán hận, giận dữ, đó chẳng phải bậc quân tử có đức sao?” Điều này thể hiện niềm vui thích của người xưa đối với việc học tập.

Trí tuệ cổ nhân: Học không biết chán, niềm vui học tập
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Niềm vui thích lớn nhất trong cuộc đời của Khổng Tử là học tập và dạy học. Trong cuốn Luận ngữ, ngay từ chương đầu tiên của thiên đầu tiên, ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nỗ lực học tập. Trong toàn bộ cuốn Luận ngữ có thể nói là chỗ nào cũng thấy Khổng Tử đàm luận về các kinh nghiệm học tập, ví dụ trong thiên “Vi chính”, Khổng Tử đã nói: “Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học” (ta lúc 15 tuổi đã lập chí học tập), trong thiên “Thuật nhi” ông còn đề cập rằng bản thân “phát phẫn vong thực, lạc dĩ vong ưu, bất tri lão chi tương chí” (nỗ lực quên ăn, vui quên cả âu lo, không biết rằng tuổi già đã cận kề).

“Học nhi” là thiên mở đầu của Luận Ngữ, chính là muốn nhấn mạnh “học tập” là nội dung căn bản. Với người xưa, học tập là niềm vui, làm được “nhân bất tri nhi bất uấn”, học không biết chán, dạy người không thấy mệt mỏi, chú trọng tu dưỡng, nghiêm khắc yêu cầu bản thân.

Thời nhà Tống, nhà văn Âu Dương Tu khi nói về những tâm đắc đối với tác phẩm của mình đã kết luận rằng: “Làm văn có ba việc nhiều: đọc nhiều, làm nhiều, thương lượng nhiều”. Trong suốt cuộc đời của mình, Âu Dương Tu đã đọc rất nhiều tác phẩm của các bậc Thánh hiền, trong đó ông đặc biệt thích văn chương của Hàn Dũ thời Đường. Người ta nói rằng khi Âu Dương Tu chưa thành danh, có một lần ông đã bị hấp dẫn bởi văn chương của Hàn Dũ trong một hòm sách cũ, đến mức quên ăn quên ngủ, cần mẫn khắc khổ.

Trải qua sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Âu Dương Tu không chỉ học được những ưu điểm của Hàn Dũ, hơn nữa nhờ sự sáng tạo đã khiến văn xuôi cổ từ thời Đường được khai hoa kết trái vào thời Tống, tạo ra phong cách văn chương giản dị lưu loát, thiết thực và đi vào trọng tâm.

Sau khi làm quan, Âu Dương Tu mặc dù bận rộn với việc công nhưng vẫn viết ra rất nhiều tác phẩm thơ và tản văn. Thái độ sáng tác của ông vô cùng nghiêm túc và cẩn thận, mỗi lần viết xong một tác phẩm ông liền dán ở trên tường để thuận tiện chỉnh sửa, cho đến khi cảm thấy hoàn thiện rồi mới đưa ra.

Khi bị giáng chức đến Trừ Châu, tỉnh An Huy làm thái thú, Âu Dương Tu đã viết “Túy ông đình ký”. Khi viết bản sơ thảo, ông đã dùng mười mấy từ để mô tả phong cảnh huyện Trừ. Tuy nhiên sau nhiều lần suy ngẫm, cuối cùng ông khái quát lại trong vỏn vẹn năm chữ “Hoàn Trừ giai sơn dã” (Tạm dịch: Huyện Trừ toàn là núi). Có người hiếu kỳ hỏi rằng sao ông có nhiều thời gian để suy nghĩ đến thế? Âu Dương Tu đáp rằng: “Tôi viết văn đa phần ở ba nơi, đó chính là tận dụng thời gian ở trên lưng ngựa, nằm trên giường và khi vệ sinh cá nhân”.

Khi làm văn Âu Dương Tu rất khiêm tốn xin lời khuyên từ người khác, chưa từng tỏ ra kiêu ngạo. Có một lần, Âu Dương Tu, Tạ Hy Thâm và Doãn Sư Lỗ cùng viết bài về một chủ đề tương tự nhau. Kết quả, bài của Tạ Hy Thâm có khoảng 700 chữ, bài của Âu Dương Tu có 500 chữ, còn bài của Doãn Sư Lỗ chỉ có hơn 380 chữ, kết cấu chặt chẽ, lập luận hoàn chỉnh, ngôn từ tinh tế. Âu Dương Tu đọc xong vô cùng bái phục. Sau bữa tối, ông đích thân mang rượu đến nhà họ Doãn hỏi thăm và thỉnh giáo, hai người đã đàm đạo đến tận khi trời sáng. Sau khi về nhà, ông không cần nghỉ ngơi chút nào mà ngay lập tức vực dậy tinh thần viết lại một lần nữa. Kết quả, ông không chỉ viết ít hơn Doãn Sư Lỗ 20 chữ, mà bài văn của ông còn thêm phần hoàn chỉnh và lắng đọng. Doãn Sư Lỗ đọc xong đã phải giơ ngón tay cái lên khen ngợi Âu Dương Tu rằng: “Quả là một ngày đi ngàn dặm!”

Vào những năm cuối đời, Âu Dương Tu đã trở thành một văn nhân danh tiếng hiển hách. Nhưng ông vẫn vì việc lựa chọn câu chữ mà trầm ngâm suy tư. Vợ ông đã khuyên rằng: “Văn chương của ông đã vang danh thiên hạ rồi, lẽ nào vẫn sợ các vị tiên sinh mắng sao?” Âu Dương Tu vuốt râu cười lớn nói rằng: “Không phải, tôi không sợ các vị tiên sinh mắng mỏ, mà sợ bị hậu thế cười chê!” Có thể nói rằng với ông, việc học hành chính là như thế, không có điểm dừng, không biết chán nản.

Dựa theo “Tinh giải Luận Ngữ: Học mà thường xuyên ôn tập thực hành chẳng phải vui lắm sao
Đăng trên ChanhKien.org
Quang Minh tổng hợp

Xem thêm:

Mời xem video: