“Nhìn mầm biết cây, thấy khởi đầu biết được kết thúc” (kiến vi tri trứ, đổ thủy tri chung) là một câu cổ ngữ với hàm ý nhìn thấy sự việc khi nó mới xuất hiện, thì có thể đoán biết được thực chất và xu hướng phát triển của nó. Cũng chính là nói, nhìn thấy khởi đầu của sự việc liền có thể biết kết quả sau cùng của việc ấy; nhìn thấy bề mặt của sự việc liền có thể đoán biết được bản chất nội tại của sự việc ấy. Cho nên người ta mới nói rằng: một tấm gương bé nhỏ, có thể phản chiếu ra dung mạo và hình dáng của một người; và ngôn ngữ hành vi cử chỉ của một người trong cuộc sống thường ngày, có thể cho thấy sự tu dưỡng và nội tâm của người ấy.

Trí tuệ cổ nhân: Nhìn mầm biết cây
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan)

Từ thói quen nhìn ra nhân phẩm

Sau khi tốt nghiệp đại học, Minh Chí ở lại tỉnh thành làm việc. Một hôm, Minh Chí và một người bạn đi ăn cơm, lúc này vừa hay bố của cậu đến thăm, do đó Minh Chí đã đón bố đến cùng ăn cơm.

Trong quá trình ăn cơm, bố của cậu luôn lặng lẽ lắng nghe hai người họ nói chuyện. Sau khi ăn cơm xong, trên đường trở về nhà, bố của Minh Chí nói với cậu: “Người bạn này của con không thể kết giao thâm tình được”.

Minh Chí nghe thấy thì không tài nào hiểu được, bởi vì người bạn này của cậu là quen biết nhau khi làm ăn cùng, đã hợp tác được mấy lần rồi, luôn có ấn tượng rất tốt.

Bố thấy Minh Chí hoài nghi không hiểu liền nói với cậu ấy: “Từ cách ăn của người bạn này của con, bố cơ bản có thể đoán ra được cậu ấy là người thế nào. Cậu ta có thói quen gắp đồ ăn là luôn dùng đũa xới đồ ăn từ dưới đĩa lên, đảo mấy lượt sau đó mới gắp. Đối với món mình thích, thì càng đảo đi đảo lại nhiều hơn nữa”.

Minh Chí nghe xong không cho là như vậy nói: “Đây chỉ là thói quen dưỡng thành từ bé của mỗi người, nó không nói lên điều gì cả, chúng ta không thể yêu cầu quá khắt khe như vậy được”.

Bố của Minh Chí nghe xong lắc đầu nói: “Nếu là một người có cuộc sống khốn cùng, đối diện với đồ ăn ngon, ăn uống bất nhã thì có thể hiểu được, nhưng người bạn này của con vốn là người làm ăn kinh doanh, cuộc sống vật chất không hẳn khó khăn, ăn uống như thế thì chỉ có thể nói lên rằng cậu ta là người ích kỷ, hẹp hòi. Đối diện với một đĩa thức ăn, cậu ta đã có thể không hề mảy may để ý đến cảm nhận của người khác, dùng đũa đảo đi đảo lại đồ ăn trong đĩa cứ như xào nấu vậy, chỉ nghĩ cho bản thân. Nghĩ cũng biết nếu đối diện với sự cám dỗ của lợi ích, cậu ta nhất định sẽ không từ thủ đoạn mà chiếm lấy”.

Tiếp đó, bố của Minh Chí kể lại một câu chuyện khi ông còn bé. Khi ông được 5 tuổi thì bố mất, những tháng ngày mẹ góa con côi thường là cơm ăn không đủ no. Thi thoảng đến làm khách nhà họ hàng, bà nội đều sẽ nhắc đi nhắc lại: “Con à, lúc ăn cơm nhất định phải chú ý cách ăn uống của bản thân, không được chăm chăm ăn món ăn mà mình thích”. Lời của bà nội, bố luôn khắc ghi trong lòng, cho nên dù trước mặt là một mâm toàn đồ ăn ngon, thì bố với cái bụng luôn đói cồn cào cũng sẽ không thất lễ.

Bố nói một cách thâm thuý rằng: “Đừng coi thường một đôi đũa, một chi tiết nhỏ cũng có thể nhìn ra được sự tu dưỡng và nhân phẩm của người cầm đũa đó”.

Từ hành vi nhìn ra nhân phẩm

Danh tướng Vương An Thạch nhà Tống thích chơi cờ, khi ông làm tể tướng, trong nhà có nuôi mấy người chơi cờ. Vương An Thạch mỗi ngày sau khi làm xong việc công trở về nhà, thường hay chơi cờ với những người này, nếu ai thắng được Vương An Thạch một ván cờ, ông sẽ thưởng cho người đó 10 lượng bạc.

Một hôm, Vương An Thạch đang cùng một người chơi cờ trong khuôn viên. Đang lúc gay cấn, thì thuộc hạ mang đến một chồng công văn cần Vương An Thạch xử lý.

Đối thủ thấy ông cặm cụi phê duyệt công văn, cho rằng ông không để ý đến thế cờ, liền nhanh chóng trộm đổi một quân cờ. Không ngờ, hành động nhỏ này lại bị Vương An Thạch nhìn thấy.

Sau khi phê duyệt xong công văn, Vương An Thạch chẳng nói năng gì vẫn tiếp tục chơi cờ. Cuối cùng, đối thủ đã thắng ván cờ này.

Sau khi người kia trở về nơi ở của mình, trong lòng hoan hỉ lắm, cứ chờ phần thưởng của Vương An Thạch.

Ngày hôm sau, Vương An Thạch cử người mang đến cho anh ta một ít bạc cùng vật phẩm, và mời anh ta rời đi.

Sau đó, Vương an Thạch cho gọi con trai đến bên cạnh, nói về chuyện chơi cờ hôm đó, ông nói: “Người kia trộm đổi quân cờ, khiến ta thua mất một ván. Thua một ván cờ chẳng là gì cả, tuy nhiên, trộm đổi quân cờ thì thật bỉ ổi. Từ đó có thể thấy, phẩm cách chơi cờ của anh ta rất kém. Phẩm cách chơi cờ cũng chính là nhân phẩm vậy, cho nên từ phẩm cách chơi cờ của anh ta có thể thấy anh ta là một người có nhân phẩm thấp kém, người như vậy không thể kết giao, cho nên ta mời anh ta đi rồi”.

“Nhìn mầm biết cây”, chung quy lại, không ước chế được hành vi, không chú ý tới tiểu tiết, thì không phải chỉ là vấn đề thói quen, mà chính là vấn đề tâm thái. Suy cho cùng thì là vì tự tư, không để tâm tới cảm thụ của người khác. Trong xã hội coi trọng vật chất ngày nay, hầu như ai cũng có lúc như vậy. Điều quan trọng là có thể nhận ra và sửa đổi mình.

Theo “Thiếu niên thời không: Nhìn mầm biết cây, thấy khởi đầu biết được kết thúc
Đăng trên ChanhKien.org
Tác giả: Tịnh Trúc

Xem thêm:

Mời xem video: