Thông thường, học theo những thói ác thói xấu là rất dễ dàng, nhưng học làm điều tốt điều thiện thì lại vô cùng khó. Một người sau khi đã học những thói xấu thói ác rồi mà muốn học theo cái tốt cái thiện thì lại càng khó khăn hơn. Đúng như cổ nhân nói: “Tòng thiện như đăng, tòng ác như băng”, làm việc thiện thì khó và lâu như trèo lên núi cao, làm việc ác thì lại nhanh và dễ như núi lở. Chính vì vậy, một người cần phải luôn luôn cẩn trọng, giữ sự thiện lương trong tâm, tránh xa cái ác, không thỏa hiệp với cái ác.

Trí tuệ cổ nhân: Làm việc thiện khó, làm việc ác dễ
(Tranh minh họa: Họa sĩ Cừu Anh đời Minh, Public Domain)

Người xấu luôn cho rằng tổn người lợi mình là chuyện tất nhiên không phải kiêng dè. Một người muốn trở thành người tốt thực sự thì trước tiên cần phải xem nhẹ được mất của cá nhân, làm như vậy thì không hề dễ dàng. Nếu như nhìn cuộc đời bằng con mắt của người xấu, chúng ta sẽ thấy là người tốt sẽ luôn chịu thua thiệt, còn người xấu sẽ luôn chiếm lợi ích. Nhưng nếu nhìn cuộc đời dài hơn, xa hơn, sau năm năm, mười năm hay dài hơn nữa, quay đầu nhìn lại thì ta sẽ thấy kết quả rất khác biệt so với ban đầu. Nói chung, kết quả thường là người tốt được phù trợ giúp đỡ, còn kẻ ác thì sẽ tự tiêu diệt mình. 

Người tốt làm việc thiện, tích được đức thì cuối cùng sẽ sống an yên, dù không phải ai cũng trở nên giàu có về vật chất nhưng trong tâm họ luôn luôn không lo lắng, không sợ hãi, lòng dạ thản đãng. Thậm chí ngay cả gặp phải nguy nan thì cuối cùng họ vẫn có thể gặp dữ hóa lành. Trái lại, những người làm việc ác thì phải chịu quả báo vào những thời điểm khác nhau, hoặc là sẽ bị bất hạnh về gia đình sự nghiệp, hoặc là bị chết đột ngột hay vì một căn bệnh nan y nào đó, thậm chí không còn cơ hội để suy ngẫm và hối hận.

Nhưng chính vì làm người tốt không dễ, không thể thấy được ích lợi trước mắt, nên không phải ai cũng có thể kiên trì. Sách “Quốc ngữ” thời Xuân Thu viết “Tòng thiện như đăng, tòng ác như băng” chính là ý này. Một người làm việc thiện, giữ tâm hướng thiện thì giống như việc leo núi, phải không sợ khó sợ khổ, siêng năng mà làm; còn người làm việc ác, thuận theo tà ác thì giống như núi nở đá nứt vậy, rớt xuống ngàn trượng, đôi khi chỉ trong phút chốc sẽ rơi xuống vực sâu tội lỗi, thậm chí không còn cơ hội cứu vãn.

Làm việc thiện gian nan như leo núi nhưng hành trình ấy sẽ giúp chúng ta hoàn thiện bản thân, dần dần hướng tới sự cao quý và hướng tới sự mỹ hảo. Ngược lại, kết quả của việc làm điều ác và giúp đỡ điều ác sẽ là hủy hoại tương lai của chính mình và làm hại vận mệnh tương lai của chính mình. Mà trong cuộc sống, hành thiện hay là hành ác đều là quyền quyết định của cá nhân. Thông thường đó chính là sự tình mà cá nhân có thể hoàn toàn nằm trong tay mình.

Cổ nhân nói: “Chớ thấy việc ác nhỏ mà làm, chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm”. Bậc thánh nhân, hiền triết thời cổ đại, trong suốt cuộc đời luôn coi việc tế thế và khuyến khích những việc làm tốt là trách nhiệm của bản thân mình, tận tình khuyên bảo, không ngại phiền hà, đó thực sự là suy nghĩ đến tương lai của người khác. Tự trong quá trình ấy mà họ thành tựu bản thân.

Xã hội hiện đại ngày nay, quan niệm vô thần và lối sống vật chất khiến không ít người chỉ ham hưởng lạc, không nghe lời khuyên chân thành, có rất nhiều người còn khinh thường người khuyến thiện, chê cười người khuyến thiện. Họ không biết rằng người theo thiện sẽ hướng đến ánh sáng, người theo ác sẽ hướng đến bóng tối. Báo ứng là không sai, thiên lý là chí công chí chính. Chỉ ai có thể kịp thời bỏ ác theo thiện mới có thể nhìn thấy ánh sáng của hy vọng. 

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: