Người đạo đức giả thường có nhiều thủ đoạn và ý đồ xấu. Nếu trong cuộc sống, bạn thấy người nào có 3 đặc điểm này thì rất có thể họ là người đạo đức giả, cần sớm nhận ra và tránh kết giao với họ, nếu không cuối cùng bạn sẽ là người phải gánh chịu đau thương!

dao duc gia 2
Người đạo đức giả thường có 3 đặc điểm này, nếu nhận ra thì hãy kịp thời tránh xa. (Ảnh: Antonio Guillem/ Shutterstock)

Vì lợi ích mà không từ thủ đoạn nào

Người xưa dạy rằng, chỉ có “Trọng nghĩa khinh lợi”  thì mới có thể tồn tại lâu dài, tuy nhiên con người trong xã hội hiện tại lại chọn “Trọng lợi khinh nghĩa”. Tại sao lại như vậy? Bởi vì bây giờ mọi người cho rằng tiền là quan trọng nhất và nó phải được ưu tiên hàng đầu. Nó quan trọng đến mức tất cả các mối quan hệ như bạn bè, yêu đương, thậm chí cả quan hệ huyết thống máu mủ cũng có thể bị gạt sang một bên. Về mặt tâm lý mà nói, những người như vậy nhìn chung là những kẻ đạo đức giả và dối trá, trông thì có vẻ như họ đang đùa với bạn nhưng thực chất trong lòng có thể đang nghĩ cách để “hạ gục” bạn. 

Có một câu chuyện như thế này về Ngô Khởi, nhà quân sự nổi tiếng, nhà chính trị và nhà cải cách lớn thời Xuân Thu Chiến Quốc. Năm ấy, nước Tề muốn đánh nước Lỗ.  Lỗ Hầu muốn phong Ngô Khởi làm tướng, nhưng vợ Ngôi Khỏi lại là Công chúa nước Tề, cho nên vua Lỗ vẫn còn nghi ngờ và không dám dùng ông. Biết vậy, Ngô Khởi bèn ra tay giết vợ để chứng tỏ lòng vô tư, không theo Tề để Lỗ Hầu phong làm tướng. Sau đó Lỗ Hầu đã phong ông làm tướng, cầm quân đánh tan quân Tề.

Sau này người đời dùng câu “Sát thê cầu tướng”, tức là giết vợ để cầu làm tướng, miêu tả loại người sẵn sàng làm điều xấu để mưu cầu danh lợi, thậm chí cho dù là phải trả giá bằng lương tâm, bằng ân nghĩa. Những người như vậy thực sự là “Không bằng cầm thú”, toan tính, lạnh lùng và tàn nhẫn. Nếu trong cuộc sống bạn gặp những kiểu người như vậy thì tốt nhất là tránh xa và không nên “đụng” vào họ để tránh rước họa vào thân.

dao duc gia 1
Một người nếu xuất hiện ý bất lương vì muốn thỏa mãn dục vọng của bản thân mà không từ một thủ đoạn nào, kể cả giết người hại mệnh thì tốt nhất là tránh kết giao với họ để không rước họa vào thân. (Ảnh: rudall30/ Shutterstock)

Ghen tức khó chịu khi thấy người khác tốt hơn mình

Có những người như thế này, họ thường không thể chịu được khi thấy bạn sống một cuộc sống tốt hơn họ và họ luôn tìm cách hất một gáo nước lạnh vào bạn. Ví dụ: Khi trò chuyện, bạn có thể đang nói về một số câu như “điều này đúng”, thế nhưng người kia ngay lập tức đáp trả rằng: “Cái gì, nó không phải như thế này!” Tất cả chúng ta đều đã nghe câu nói này, tức là đàn áp bằng lời, tuy nhiên đây được coi là cách rẻ tiền và có hại nhất. Vậy nên nếu xung quanh bạn có một người như vậy thì đừng chọn họ làm bạn nhé.

Nói xấu sau lưng

Có một số người dù họ không hài lòng nhưng cũng không nói thẳng với bạn, họ thậm chí còn có thể nói chuyện và tươi cười với bạn. Tuy nhiên, khi họ đi chỗ khác thì họ có thể phàn nàn về bạn bằng nhiều cách khác nhau, nói thẳng ra đây chính là một hành động “phi quân tử” hoặc “nói xấu sau lưng”. “Nói xấu sau lưng” là nói ra khuyết điểm của người khác một cách lén lút với mục đích không tốt. Thậm chí nếu không thể kiểm soát cảm xúc thì họ có thể dèm pha, bôi xấu và cố tình bóp méo hình ảnh nhằm hạ bệ người khác, mục đích cũng là để thỏa mãn nhu cầu vị kỷ của cá nhân. 

Trong cuộc sống, hãy luôn đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để ứng xử phù hợp, đề ra những nguyên tắc phát ngôn đúng chuẩn mực cho bản thân để tránh dính vào những thị phi không đáng có, bởi người nói xấu sau lưng cũng có thể trở thành nạn nhân của chính thói xấu này.