Trong lịch sử, danh nhân được dân yêu quý, khi mất rồi được dân lập đền thờ có không ít. Tuy nhiên đối với những người đặc biệt lập công đức to lớn cho dân chúng, thì dân chúng cũng vì yêu mến họ mà lập “sinh từ”, thờ phụng họ ngay khi còn sống.

Phía nam dãy núi Hồng Lĩnh là huyện Thiên Lộc, trấn Nghệ An xưa kia (nay là huyện Can Lộc, Hà Tĩnh). Nơi đây sinh xuất ra nhiều nhân tài giúp nước, có thể kể đến dòng họ Đặng và dòng họ Hà. Dòng họ Đặng nổi tiếng là cha con Đặng Tất, Đặng Dung, còn họ Hà nhiều đời phát khoa bảng.

Hà Tông Mục

Năm 1653 họ Hà sinh ra Hà Tông Mục. Kế tục truyền thống của dòng họ, ông trở thành niềm tự hào của người dân huyện Thiên Lộc.

Gia phả của dòng họ ghi chép về cha mẹ của Hà Tông Mục như sau: “Cha là Minh Duệ, mẹ là Phan Thị Hạnh, hiệu là Từ Thục, ăn ở hiền lành, làm nhiều việc thiện có phúc đức”

Theo nguồn tư liệu từ “bia Sùng Chỉ”, Hà Tông Mục từ bé đã thông minh, 7-8 tuổi đã thông Thi lễ, khi 13 tuổi đã thuộc văn từ, năm 21 tuổi trúng trường Sinh, năm 23 tuổi trúng Hương giải (tức Giải nguyên đỗ đầu kỳ thi Hương), năm 32 tuổi trúng khoa sỹ vọng nhận chức Hồng lô Tự khanh.

Khoa thi năm 1688, Hà Tông Mục đỗ đầu tức Đình nguyên Tam giáp Tiến sĩ, được Triều đình bổ nhiệm làm quan. Mấy năm sau Triều đình tổ chức kỳ thi Đông các chỉ dành cho những ai đã đỗ tiến sĩ và đang làm quan, Hà Tông Mục lại đỗ khoa thi này.

Chuyện tiến sĩ Trần Thế Vinh được bà hàng nước báo trước đỗ đại khoa
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online)

Hà Tông Mục làm quan giữ các chức vụ như: Lại khoa cấp sự trung (kiểm tra công việc quan lại, tổ chức); Nội tán (dạy học cho con cháu vua chúa); Thủy sư; Biên tu quốc sử quán; Ðốc đồng (trấn giữ) hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang; Phủ doãn phủ Phụng Thiên (đứng đầu kinh thành Thăng Long); Chánh sứ; Tả thị lang bộ Hình (đứng thứ hai sau thượng thư, hàng tam phẩm).

Bang giao với nhà Thanh, giữ yên vùng biên giới

Gia phả họ Hà và văn bia Sùng Chỉ ghi chép lại rằng năm 1699, Hà Tông Mục đang giữ chức Phủ doãn phủ Phụng Thiên (tức quan đứng đầu trông coi Kinh thành Thăng Long). Lúc này Sầm Trì Phượng trấn giữ châu Tiểu Trấn Yên của nhà Thanh nhiều lần đưa quân vượt biên giới quấy nhiễu dân chúng, Vua phải sai Hà Tông Mục đi kinh lược Tuyên Quang.

Hà Tông Mục đến Tuyên Quang viết thư gửi Sầm Trì Phượng nói rõ tình lý, Sầm Trì Phượng phúc đáp rồi rút quân.

Thấy Hà Tông Mục giỏi ngoại giao, năm 1703, Triều đình cử ông làm Chánh sứ đến nhà Thanh để bang giao. Nhờ đối đáp và ứng xử giỏi, vua Khang Hy đã tặng ông bức đại tự có 3 chữ là “Nhược – Xung – Hiên” nghĩa là khiêm nhường, trí tuệ, chí khí cao. Hiện nay bức đại tự này vẫn được lưu giữ ở khuôn viên Di tích Hà Tông Mục ở xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc.

Hoàn thành công tác đi sứ, ông được phong chức Bồi tụng, Tả thị lang bộ Hình, tước Hoan Lĩnh nam. 3 năm sau ông được phong chức Tham chính sứ đạo Sơn Nam.

Công đức to lớn, dân chúng lập sinh từ

“Bia Sùng Chỉ” cũng ghi chép lại rằng Hà Tông Mục làm quan ở đâu đều khuyến khích dân chúng lấy nghề nông làm gốc, chăm lo cày cấy, ông lại có tấm lòng bao dung với những người phạm lỗi. Vì thế mà ông làm quan nơi đâu thi nơi đó mùa màng bội thu, xã hội ổn định, văn hóa kinh tế phát triển.

Năm 1696, cho rằng những công ơn của Hà Tông Mục là không thể báo đáp, các quan viên và dân chúng 4 thôn Mông Tiết, Trung Hậu, Vinh Phúc, Hựu Phúc thuộc xã Tỉnh Thạch, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang đã lập “bia Sùng Chỉ” thờ Hà Tông Mục ngay khi ông đang sống, năm đó ông mới chỉ 43 tuổi. Người soạn văn bia là Nguyễn Trí Trung từng đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ.

Thấy văn bia ghi nhiều công trạng của mình, Hà Tông Mục đã nói rằng:

“Việc trung cần đối với nước, việc hiếu thuận đối với nhà, ăn ở hòa mục với dân làng là chức phận đương nhiên của tôi vậy. Sau này kẻ hậu sinh có chí thì noi theo, có lòng thì cảm nhận. Ngày nay mọi người đã suy nghĩ như vậy (lập sinh từ) cũng là lẽ Trời, lòng người. Nay xin tự tạ”.

Hà Tông Mục mất năm 1707. Trước khi mất ngoài ruộng đất tài sản để lại cho gia đình và người thân, ông cũng không quên chia cho dân chúng 2 làng ở huyện Thiên Lộc xưa.

Sau này “bia Sùng Chỉ” thuộc sở hữu của họ Hà ở xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, lưu giữ trong khuôn viên Di tích Hà Tông Mục. Năm 2020, “bia Sùng Chỉ” được công nhận là bảo vật quốc gia. Di tích Hà Tông Mục cũng được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1998.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: