Họ Trương Phước thuộc dòng võ tướng, nhiều đời trấn giữ ải bắc ngăn quân chúa Trịnh nam tiến, lại giúp việc di dân mở rộng lãnh thổ về phương nam của các đời chúa Nguyễn thành công, định hình nên nước Việt ngày nay.

 

Trương Phước: Dòng họ võ tướng công thần thời Chúa Nguyễn (P2)
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Hùng Lộc hầu ra bắc vào nam

Trương Phước Phấn có người con trưởng là Trương Phước Hùng, ban đầu được làm Cai Cơ, thường đem quân theo cha chống quân Trịnh, có cốt cách giống cha mình là dũng cảm và thiện chiến.

Năm 1648 khi quân Trịnh tiến đánh rất mạnh, Trương Phước Hùng theo cha cố thủ ở lũy Trường Dục. Quân Nguyễn ít, trong khi viện binh chưa tới kịp thì quân Trịnh tiến đánh rất mạnh, Trương Phước Hùng cùng cha dũng cảm cố thủ thành công. Sau khi viện binh đến thì hai cha con cho mở cửa thành phối hợp cùng tiến đánh quân Trịnh.

Sau chiến công này Trương Phước Hùng được Chúa phong tước Hùng Lộc hầu, một phần thưởng to lớn và vinh hạnh. Cũng từ đó, ông được chúa Nguyễn cất nhắc và bố trí vào những nhiệm vụ quan trọng.

Năm 1653, Chiêm Thành cho quân tấn công quấy nhiễu Đại Việt ở Phú Yên. Chúa Hiền sai Hùng Lộc hầu đưa 3.000 quân đến Phú Yên chống giữ. Hùng Lộc hầu đánh bại quân Chiêm Thành, đồng thời vượt đèo Hổ Dương (núi Thạch Bi) đuổi theo quân Chiêm đến tận kinh thành nước Chiêm, vua Chiêm là Po Nraup chạy trốn khỏi kinh thành rồi sai con là Xác Bà Ân dâng thư xin hàng.

Chúa Hiền đồng ý cho hàng, lấy sông Phan Rang làm biên giới, sáp nhập hai Phủ Thái Khang và Diên Ninh (thuộc tỉnh Khánh Hòa ngày nay), mở rộng thêm biên giới lãnh thổ.

Trịnh – Nguyễn phân tranh có 7 lần giao tranh lớn, trong đó 6 lần quân Trịnh tấn công xuống phía nam, lần duy nhất quân Nguyễn chủ động đánh quân Trịnh là lần thứ 5 vào năm 1655. Lần này chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật mang quân vượt sông Gianh đánh Bắc Bố Chính.

Hùng Lộc hầu theo Nguyễn Hữu Tiến tiến đánh quân Trịnh, quân Nguyễn liên tục chiến thắng, tiến đến tận sông Lam ở Nghệ An. “Đại Nam liệt truyện” mô tả rằng: “Hùng khỏe mạnh, can đảm, thường đi trước xông pha đánh phá trận giặc, đến đâu giặc cũng chạy giạt. Quân Bắc hà sợ Hùng, gọi là Hùng Thiết”.

Năm 1663, Hùng Lộc Hầu được phong làm Chương cơ, trấn thủ doanh Bố Chính. Sau đó được thăng làm trấn thủ trấn Quảng Bình, cầm quân nơi địa đầu phía bắc ngăn quân Trịnh, giúp việc mở cõi về phương nam thuận lợi.

Trương Phước Cương đẩy lui quân Trịnh

Trương Phước Phấn còn có một người con thứ là Trương Phước Cương, được phong làm Chưởng cơ, cũng như cha và anh mình, ông trấn giữ nơi địa đầu phía bắc ngăn quân Trịnh.

Năm 1672, Thế tử Trịnh Căn đưa đại quân nam tiến. Cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt ở Trấn Ninh, cả Nguyễn Hữu Dật cùng Trương Phước Cương cùng chỉ huy quân Nguyễn phòng thủ nơi đây. Quân Trịnh tấn công suốt nhiều tháng liền nhưng không sao tiến được đành phải rút về. Đây cũng là cuộc tấn công cuối cùng của quân Trịnh.

Trương Phước Cương lập công lớn được thăng làm Hữu Chưởng cơ, rồi phong làm Thống suất đạo Lưu Đồn, sau được thăng làm Chưởng doanh.

Trương Phước Phan đánh bại quân Anh

Con trai của Phước Cương là Trương Phước Phan tiếp nối truyền thống của dòng họ, được chúa Nguyễn Phúc Thái tin tưởng gả con gái là Công nữ Ngọc Nhiễm.

Lúc này vì quân Trịnh không còn ý nam tiến nữa, nên chúa Nguyễn cũng không cần cử người giỏi trấn thủ phía bắc, mà ưu tiên cho cuộc nam tiến, Phúc Phan được phong làm Chưởng doanh.

Năm 1700, Nguyễn Hữu Cảnh mất, Trương Phước Phan lên thay làm trấn thủ doanh Trấn Biên và huyện Phước Long (bao gồm Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay) nhằm bảo vệ người Việt di dân vào phương nam.

Trương Phước Phan giúp dân khai hoang mở đất, xây dựng bộ máy hành chính giúp dân nơi đây ổn định, đồng thời đánh ngoại bang bảo vệ chủ quyền.

Tháng 8/1702, quân Anh đưa 8 chiến thuyền cùng 200 lính đổ bộ vào đảo Côn Lôn (nay là Côn Đảo), xây pháo đài, bốn mặt đều đặt đại bác, rồi dựng cờ xác định chủ quyền. Trương Phước Phan báo tình hình với chúa Nguyễn Phúc Chu, Chúa đồng ý cho ông tự tìm kế diệt bọn này.

Nhận thấy quân Anh có pháo đài với đại bác và vũ khí hiện đại không dễ đánh, Phước Phan bèn dùng mưu. Ông tuyển mộ 15 người Chà Và (Java tức Indonesia ngày nay) đang sinh sống ở Trấn Biên đến làm thuê cho quân Anh ở Côn Lôn.

15 người Chà Và làm thuê hơn 1 năm liền nên dần quân Anh tin tưởng mà không nghi ngờ. Theo kế hoạch, một lần đến nửa đêm, những người Chà Và này đốt doanh trại giết được các chỉ huy của quân Anh. Trương Phước Phan cũng cho quân chuẩn bị sẵn tiến đến Côn Lôn, thu hết của cải và vũ khí ở đậy, làm chủ Côn Lôn.

Để chống quân Anh quay lại và cướp biển hay tấn công, Trương Phước Phan giúp dân bảo vệ đảo. Sách “Gia Định thành thông chí” có chép lại rằng:

“Dân ở đảo tự kết lại làm binh sĩ, gọi là Tiệp Nhất, Tiệp Nhị, Tiệp Ba đội trực thuộc đạo Cần Giờ, có đủ khí giới để giữ lấy đất ấy phòng quân cướp hung dữ Đồ Bàn, không cần kêu gọi chỗ khác đến cứu giúp. Dân lính ở đây thường lấy yến sào, đồi mồi, vích, quế hương, mắm, ốc tai tượng, rồi theo mùa mà dâng nộp; còn lại thì đánh bắt hải sản như cá tôm để sinh sống”.

Sau đó quân Anh có mấy lần đến mưu chiếm lấy Côn Lôn nhưng đều thất bại.

Sau khi Trương Phước Phan mất, chúa Nguyễn phong cho ông là Thái bảo Phan quốc công.

Dòng họ Trương Phước nhiều người lập công lớn, chặn đứng quân Trịnh ở phía bắc, lại giúp việc nam tiến mở cõi thành công, định hình nên nước Việt ngày nay. Tiếc rằng con thứ của Trương Phước Phan là Trương Phước Loan lại dẫn Chúa Võ vào con đường ăn chơi sa đọa, trở thành quyền thần nhưng chỉ lo làm giàu cho bản thân, khiến muôn dân oán thán, Đàng Trong suy sụp và mất vào tay quân Tây Sơn.

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video “Nét đẹp chưa kể hết sau tà áo Tày”: