Người xưa cầu học, coi việc tôn sư trọng Đạo ở vị trí hàng đầu, muốn tu tâm, trước hết phải ý nghĩ phải chân thành, một ngày làm thầy cả đời là cha. Tử Cống tuy không phải là học trò yêu nhất của Khổng Tử, nhưng trong các ghi chép thì ông là học trò rất được Khổng Tử quý trọng. Tử Cống cũng là người học trò có công nhất trong việc hoằng dương Nho gia.

Tử Cống họ Đoan Mộc là người nước Vệ vào cuối thời Xuân Thu. Tử Cống ít hơn Khổng Tử 31 tuổi. Năm 17 tuổi ông bái Khổng Tử làm thầy, 20 tuổi kế thừa cơ nghiệp của gia đình, giữ chức thừa tướng nước Lỗ và nước Vệ. Ông là người có tài hùng biện, tài năng hơn người, làm việc thông đạt, từng được Khổng Tử gọi là “hồ liễn chi khí” (tài năng lớn). Chiếc bình quý phái dùng để đựng lúa trong các buổi hiến tế cổ xưa được gọi là “hồ” vào thời nhà Hạ và “liễn” vào thời nhà Ân. “Hồ liễn chi khí” là ẩn dụ cho những người đặc biệt tài năng, và có thể đảm nhận trọng trách lớn.

Tu Cong ton su 03
(Tranh: Bảo tàng Cố Cung quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Tôn sư trọng đạo

Khổng Tử từ bỏ chức quan của mình và rời Lỗ khoảng sau 50 tuổi. Ông đi chu du nhiều nước, bao gồm Vệ, Trần, Tống, Tào, Trịnh, Thái, Sở và các nước khác. Chuyến đi này kéo dài 14 năm, chủ yếu là để tìm kiếm cơ hội truyền đạo và thi hành đạo. Ai đã quyên tặng tiền cho Khổng Tử đi chu khắp nơi và giảng dạy? Đó là Tử Cống. Tư Mã Thiên viết trong Sử Ký rằng Khổng Tử có hơn 70 đệ tử, Tử Cống là người giàu nhất. Tài trợ của Tử Cống không giống như xã hội hiện đại, thương mại hóa giáo dục và nói về lợi tức đầu tư, quảng bá thương hiệu. Tử Cống chỉ dốc sức thực hiện đạo thầy trò, dốc sức vì ước nguyện truyền bá đạo. Không chỉ vậy, với việc là thừa tướng các nước, dùng đạo mình học được để “trong mười năm, làm năm quốc gia thay đổi”, Tử Cống đã khiến Nho học lan rộng khắp thiên hạ.

Có lần Tề Cảnh Công hỏi Tử Cống rằng Khổng Tử hiền năng ra sao. Tử Cống đáp: “Khổng Tử là một vị Thánh nhân, không chỉ là một người hiền năng.” Tề Cảnh Công hỏi: “Thánh nhân ở chỗ nào?” Tử Cống đáp: “Thần không biết!” Tề Cảnh Công ngạc nhiên. Tử Cống lại nói: “Cả đời Tứ (tức Tử Cống) gánh trời không biết trời cao, đi trên đất cả đời không biết đất dày. Việc Tứ thờ Trọng Ni, thì cũng giống như khi khát nước, cầm cái bình, cái thìa ra sông biển để uống. Khi đã uống no thì rời đi, mà không biết sông và biển sâu bao nhiêu!” Tề Cảnh Công nghe được lời này, trong lòng vô cùng cảm động. Tử Cống thông minh, nhưng khi so sánh mình với thầy thì chỉ nhận làm giọt nước trong sông biển mà thôi.

Tư Mã Thúc Tôn Vũ Thúc của nước Lỗ đã nói với các quan đại thần trong triều đình rằng: “Học vấn của Tử Cống uyên bác hơn Khổng Tử”. Tư Mã Tử Phục Cảnh Bá đi ngang qua đã nói với Tử Cống điều này. Tử Cống nói: “Tường nhà ta chỉ cao ngang vai, từ ngoài nhìn vào có thể nhìn thấy bên trong bức tường. Tường nhà tôn sư của ta cao mấy trượng, người không tìm được cửa thì không thấy được sự uy nghi đường hoàng của tông miếu bên trong. Vũ Thúc nói lời này, là đã nói rõ đạo lý này.”

Sau này Thúc Tôn Vũ Thúc lại hạ thấp Khổng Tử, Tử Cống nói rất nghiêm túc rằng: “Đừng làm điều này, Trọng Ni là người mà người ta không thể nói xấu ông được. Sự hiền năng của người khác giống như những ngọn núi có thể vượt qua, nhưng Trọng Ni giống như ánh sáng mặt trời và mặt trăng, làm sao có thể vượt qua được? Nếu có người muốn tách mình ra khỏi mặt trời mặt trăng, thì đối với bản thân mặt trời mặt trăng nào có tác hại gì? Đó chính là không biết tự lượng sức mình.”

Vào thời Xuân Thu, thời gian để tang là ba năm. Khi Khổng Tử qua đời, tất cả các đệ tử khác đều để tang Khổng Tử trong ba năm, ngoại trừ Tử Cống để tang sáu năm.

Kinh doanh có đạo

Xã hội cổ đại trọng đức khinh lợi, “Quân tử hiểu rõ đạo nghĩa, tiểu nhân hiểu rõ lợi ích”. Vì vậy, Khổng Tử “rất ít khi nói đến lợi”. Nhưng trong môn đồ của ông lại xuất hiện Tử Cống, một doanh nhân, hơn nữa còn trở thành một trong số ít doanh nhân giàu có thời Xuân Thu.

Tử Cống là đệ tử đắc ý của Khổng Tử, từng làm ăn buôn bán với nước Tào và nước Lỗ, trở nên giàu có, là người giàu nhất trong số các đệ tử của Khổng Tử. Người đời sau nhắc đến “Đoan Mộc di phong” là đề cập đến văn hóa kinh doanh thành tín do Tử Cống để lại.

Tư Mã Thiên đã ghi lại công việc làm ăn của Tử Cống trong “Sử Ký – Hóa thực liệt truyện”. Tử Cống từng dẫn đầu một đội hàng trăm cỗ xe chất đầy vàng bạc châu báu đến gặp các vị vua của các nước, đi đến đâu đều nhận được lễ đón tiếp như với quân vương tể tướng, khí phách phi thường. Từ đó có thể thấy, có lẽ không quá lời khi miêu tả sự giàu có của Tử Cống sánh với một quốc gia.

Theo ghi chép lịch sử, một trong những bí quyết thành công trong kinh doanh của Tử Cống là “Người bỏ ta lấy, người lấy ta bỏ”. Thương Thánh Phạm Lãi cũng có cùng bí quyết kinh doanh này.

Ví dụ năm Lỗ Ai Công thứ 11, nước Ngô muốn đem quân tấn công nước Tề. Tử Cống cho rằng nước Ngô nhất định sẽ thu bông lụa từ khắp nơi để chuẩn bị cho quân đội chống rét. Như thế nước Ngô sẽ thiếu lụa và bông. Nếu tích trữ tơ lụa và bán cho người dân nước Ngô, chắc chắn sẽ có được giá hời. Vì vậy, ông đã sắp xếp nhiều người đi nhiều nơi để mua tơ lụa, sau đó dùng xe chuyển nhanh tới nước Ngô. Đúng lúc người dân nước Ngô mặc quần áo mỏng manh, chịu lạnh, nên tơ lụa của Tử Cống đem đến liền bán hết ngay.

Tử Cống làm việc không mệt mỏi, đi lại giữa các quốc gia khác nhau để thực hiện các hoạt động thương mại. Ông lấy thành tín làm gốc, và thực hiện nguyên tắc “lời nói phải giữ chữ tín, làm việc phải có kết quả”. Phong cách này đã giúp ông có được danh tiếng tốt trong kinh doanh, nhờ đó công việc kinh doanh của ông ngày càng phát triển lớn mạnh. Dưới ngòi bút của Tư Mã Thiên, trong số các doanh nhân cổ đại, Phạm Lãi đứng đầu, và Tử Cống chỉ xếp sau Phạm Lãi.

Ngộ ra đạo “Giàu mà không kiêu”

Người ta hễ có tiền thì sẽ như thế nào? Có đủ thứ, rồi dựa vào tiền để đạt được quyền lực. Vào thời Tây Tấn, có một người giàu có tên là Thạch Sùng, giàu hơn cả quân vương. Nhưng ông ta bất nhân, mua quan bán tước, vơ vét của bách tính, lại thông đồng với giặc cướp để cướp của dân buôn nên thu được vô vàn của cải. Ông qua đời bi thảm ở tuổi 52, làm liên lụy đến gia đình, toàn bộ 15 thành viên trong gia đình ông bị giết. Đây là kết quả của việc giàu có nhưng không nhân đức.

Về phần Tử Cống, ông luôn ghi nhớ lời dạy của Khổng Tử, “Ôn, Lương, Cung, Kiệm, Nhượng”, kiềm chế bản thân và đề cao người khác, xây dựng những giá trị đạo đức “Nhân, Lễ, Nghĩa“. Ông dùng tư tưởng Nho gia để phát triển kinh doanh, trung thành thủ tín, dùng nghĩa kiếm lợi, mưu lợi có chừng mực, và không bao giờ gian lận. Sau khi trở nên giàu có, ông không vì giàu có mà bất nhân, ông dùng của cải để giúp đời, thường phân phát của cải của gia đình và cứu trợ những người gặp khó khăn.

Tất nhiên, Tử Cống cũng có lần lầm lỗi. Tử Cống từng gặp người bạn học cũ Nguyên Hiến. Nguyên Hiến mặc quần áo rách rưới. Tử Cống nhìn thấy bất giác bật cười: “Đã lâu không gặp, bạn học cũ, sao lại khốn cùng như vậy?” Nguyên Hiến vẻ mặt nghiêm túc, trả lời: “Tôi nghe nói không có tiền thì chỉ là nghèo, nhưng theo đuổi đạo mà không thành thì mới thật sự là khốn cùng”. Tử Cống nghe vậy lập tức xấu hổ.

Tử Cống: Tôn sư hoằng đạo, giàu có mà không kiêu ngạo
Một phần bức tranh “Úng Dũ đồ” của Nguyên Triệu Mạnh Phủ, kể chuyện Tử Cống gặp Nguyên Hiến. (Tranh: Bảo tàng Cố Cung quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Thời Xuân Thu, kẻ sĩ coi việc theo đuổi Đạo giữa trời và đất là mục tiêu của sinh mệnh. Ai mà nói đến Đạo thì sẽ được người khác tôn trọng. Ai đi chệch khỏi Đạo là đi chệch khỏi con đường đúng đắn nhân sinh. Giá trị phổ quát này đã tồn tại hàng nghìn năm. Nếu là hôm nay, câu trả lời của Nguyên Hiến chắc chắn sẽ bị cười nhạo. Nói cách khác, khoảng cách đạo đức giữa thời cổ đại và thời hiện đại thực sự là rất lớn.

Sự việc với Nguyên Hiển khiến Tử Cống nhìn ra thiếu sót của mình, tiếp tục tu dưỡng và tự vấn bản thân. Tử Cống sau này lại hỏi Khổng Tử: “Nếu làm được nghèo mà không siểm nịnh, giàu mà không kiêu ngạo thì thầy thấy thế nào?” Khổng Tử nói: “Điều đó tốt, nhưng không bằng an tâm với cái nghèo mà vui với Đạo, giàu mà thích học Lễ”.

Điều mà Khổng Tử suốt đời theo đuổi là khắc chế bản thân, khôi phục lễ nghĩa, khiến thiên hạ quy theo nhân đức. “Không học lễ thì không thể đứng vững được”. Tử Cống thể hội chữ Lễ này, giỏi ca ngợi cái đẹp của người nhưng không che giấu cái xấu của họ.

Ca ngợi cái cái đẹp, không che giấu cái xấu

Sau khi Khổng Tử qua đời, Lỗ Ai Công đến viếng, nhưng Tử Cống đã từ chối: “Khi thầy tôi còn sống, ngài đã không trọng dụng. Bây giờ thầy tôi đã mất rồi, ngài còn ở đây làm gì?”

Tử Cống cũng phản đối cách đối xử hà khắc với dân chúng. Tử Cống đánh giá cao sự nhân đức của Tử Sản ở nước Trịnh. Khi Tử Sản chết vì bệnh tật, “sĩ đại phu khóc trong triều đình, thương nhân khóc ở chợ, và nông dân khóc trên cánh đồng”. Ông cho rằng, nếu những quân vương không giáo dục lễ nghĩa cho người dân, mà chỉ biết trừng phạt, thì đó là một hành động tàn ác như trộm cướp.

Khổng Tử nói: “Người trị vì giỏi phải có đủ lương thực, đủ sức mạnh quân đội và được người dân tin”. Tử Cống hỏi: “Nếu phải loại bỏ một thì trong ba điều đó nên bỏ điều gì?” Khổng Tử nói: “Bỏ đi bỏ quân đội trước”. Tử Cống lại hỏi: “Nếu phải bỏ tiếp một thứ?” Khổng Tử nói: “Bỏ đi dự trữ lương thực.” Từ xưa đến nay con người không thể nào tránh khỏi cái chết, nhưng nếu không có lòng tin của người dân thì vương triều không thể đứng vững được.

Trong Luận Ngữ có ghi lại rằng Tử Cống hỏi Khổng Tử: “Người quân tử có ghét ai không?” Khổng tử nói: “Có ghét. Ghét kẻ đi nói xấu người khác, ghét kẻ dưới gièm pha kẻ trên, ghét người dũng mà không giữ lễ, ghét người quả quyết mà không thông hiểu lý lẽ. Ngươi nói xem có ghét ai không?”

Tử Cống đáp: “Con ghét kẻ hay rình mò người khác mà tự nhận người trí, ghét kẻ thiếu khiêm tốn mà nhận mình là dũng, ghét người bới móc chuyện riêng tư người khác mà tự nhận mình ngay thẳng.”

Tuy vậy, Khổng Tử đã ba lần nhắc nhở Tử Cống về sự “khoan thứ”, nên có thể thấy khuyết điểm của Tử Cống có lẽ là thiếu sự đồng cảm vậy.

Con đường của kẻ sĩ

Giàu mà yêu thích nhân đức, giàu mà yêu thích lễ nghĩa, giàu mà yêu thích đức hạnh, giàu mà hiếu học. Tử Cống thực hiện lòng nhân từ của Nho gia, thông thạo việc làm quan cũng như việc kinh doanh, có công trạng và giúp ích cho đời. Ông làm lợi cho thiên hạ, đã thành tựu hình ảnh “Nho thương” có đủ lòng nhân ái, thành tín và tạo ra sinh kế từ đạo đức.

Khổng Tử bình luận về kẻ sĩ (chưa đạt đến mức người quân tử): “Hành vi của mình thì biết hổ thẹn, đi bốn phương thì không làm nhục mệnh vua, như vậy có thể gọi là kẻ sĩ”. Khổng Tử lại bàn “Học rộng và giữ vững chí hướng, khẩn thiết học hỏi và suy nghĩ những chuyện trước mắt, thì nhân đức ở trong đó”. Đây có lẽ là những lời ứng với Tử Cống.

Theo “Tôn sư hoằng đạo, giàu mà không kiêu ngạo
Đăng trên Minghui.org
Tác giả: Thư Đồng
Biên tập: Minh Vũ

Xem thêm:

Mời nghe radio: