Thành ngữ “đại trượng phu” lần đầu tiên xuất hiện trong cuốn “Mạnh Tử – Đằng Văn Công hạ”, trong đó có nói: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thử chi vị đại trượng phu”, ý nghĩa là phú quý không thể làm rối loạn tâm tính, nghèo khó không thể làm thay đổi tiết tháo, quyền thế không thể khuất phục được ý chí, người như vậy mới có thể được xưng là đại trượng phu. Do vậy, “đại trượng phu” là danh xưng tốt đẹp để chỉ một người đàn ông có phẩm đức, có chí khí, có tài năng.

Từ đó về sau, người ta thường dùng từ “đại trượng phu” để ca ngợi những người đàn ông có khí chất cương trực, dám làm việc lớn, có dũng khí đảm nhận trọng trách lớn, hoặc mượn câu nói “đại trượng phu” để biểu đạt chí khí hào hùng của mình.

Vài tìm hiểu về thành ngữ “đại trượng phu”
(Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Trong “Sử ký – Cao Tổ bản kỷ”, Tư Mã Thiên ghi chép lại rằng khi Lưu Bang ở Hàm Dương, kinh đô của nước Tần, được nhìn thấy nghi trượng xung quanh xe giá đi tuần của Tần Thủy Hoàng, ông liền than thở rằng: “Ôi chao, đại trượng phu đáng phải như thế!”.

Trong “Hoài Âm Hầu liệt truyện”, khi Hàn Tín gửi thư tấu xin, muốn bản thân được phong là “giả vương” (vua giả), Lưu Bang tức giận chửi bới, may mà Trương Lương dẫm lên chân Lưu Bang, giải thích. Lưu Bang hiểu ra tình cảnh của bản thân, mới thay đổi lời nói: “Đại trượng phu bình định chư hầu, chính là chân vương, cớ chi còn làm giả vương?” Sau đó Lưu Bang phong vương cho Hàn Tín.

Trong “Hậu Hán thư”, danh tướng Mã Viện từng nói: “Trượng phu là người có chí, nghèo nhưng có hoài bão, tuổi càng già chí hướng càng cao!”

Trần Phồn khi đối mặt với sự chuyên quyền của hoạn quan, từng cảm khái nói rằng: “Đại trượng phu nên vì đất nước mà quét sạch rác rưởi trong thiên hạ, lẽ nào chỉ quản việc trong nhà?” Tức là người trượng phu không được chỉ lo những việc nhỏ của cá nhân, mà nên vì đại nghiệp định quốc an bang mà phó xuất cống hiến.

Trong “Tấn Thư – Thạch Lặc tái ký” có câu: “Đại trượng phu hành sự, phải lỗi lỗi lạc lạc, như nhật nguyệt sáng tỏ”

“Nam sử – Vương Tăng Đạt truyện” có nói: “Đại trượng phu thà làm ngọc vỡ, chứ sao có thể im lặng cầu sống!” Vì chính nghĩa mà tình nguyện hy sinh bản thân, sao có thể vì mạng sống mà không dám làm gì.

Trong “Thượng An Châu Bùi Trường sử thư”, Lý Bạch cũng có câu “Đại trượng phu tất có chí tứ phương”.

Sách “Tống Nguyên học án” của Thanh Vương Phu có nói: “Đại trượng phu hành sự, bàn về đúng sai, không bàn về lợi hay hại; bàn về thuận nghịch, không bàn kết quả; bàn về vạn thế, không bàn về một đời”.

Trong cuốn “Tiết Văn Thanh Công tòng chính lục” cũng nói: “Đại trượng phu lấy ngay chính lập chí, lấy quang minh hành sự, sẽ không bị tiểu nhân tà ám mê hoặc, mà dễ dàng giữ được bản thân”.

Trong các bài thơ cổ, có không ít người mượn dùng “đại trượng phu” lập thân hành sự, để biểu đạt tâm tình. Ví dụ như Tào Thực nhà Ngụy thời Tam Quốc trong bài “Tặng Bạch Mã vương Bưu”: “Trượng phu chí tứ hải, vạn lý do bỉ lân” (Bậc trượng phu chí ở bốn phương, xa nhau vạn dặm cũng như ở cạnh).

Dương Quýnh thời Đường, trong bài thơ “Xuất tái”: “Trượng phu giai hữu chí, hội kiến lập công huân” (Bậc trượng phu đều có chí, gặp được nhau sẽ cùng lập công).

Bạch Cư Dị với “Tân chế bố cừu”: “Trượng phu quý kiêm tế, khởi độc thiện nhất thân” (Bậc trượng phu cao quý và tế thế, sao lại chỉ có một mình).

Tô Thuấn Khâm thời Tống trong bài “Thủy điệu ca đầu”: “Trượng phu chí, đương cảnh thịnh, sỉ sơ nhàn” (Bậc trượng phu có chí, trong lúc cảnh đẹp, thấy xấu hổ vì bản thân rảnh rỗi)…

Có thể thấy được từ “đại trượng phu” là để chỉ một người đàn ông mang trong mình hoài bão lớn với tấm lòng ngay thẳng, hiểu rõ thị phi, dũng cảm thực hành chính khí của trời đất, vang danh thiên hạ, là một bậc nam tử quang minh lỗi lạc, không sợ hiểm nguy, bảo vệ chân lý và coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Cho dù là tới những năm cuối đời, họ vẫn giống như những áng mây vàng tỏa sáng lúc tịch dương.

Tào Tháo trong “Bộ xuất Hạ Môn thành” có nói: “Tuổi già sức yếu, chí tại ngàn dặm; liệt sĩ tuổi già, tráng tâm không đổi”.

Trong cuốn “Ngày thu Đăng Hồng Phủ Đằng Vương Các tiễn biệt tự” của Vương Bột có viết: “Già không sờn chí, thà biết lòng của kẻ đầu bạc, nghèo nhưng hoài bão, không ngã xuống chí của mây xanh”.

Lục Du không chỉ nói bản thân là “Tâm như người già với hoài bão đi ngàn dặm” (Đi đến Thành Đô), thậm chí còn hô lớn: “Tráng tâm không hề già đi theo tuổi tác, chết đi vẫn có thể làm quỷ hùng”.

Phẩm đức của đại trượng phu thật thuần khiết cao thượng, khí khái của đại trượng phu quả là quang minh lỗi lạc.

Theo “Ôn cổ minh kim: Đại trượng phu chính trực trừ tà
Đăng trên ChanhKien.org
Tác giả: Lục Văn

Xem thêm:

Mời xem video: