Trong lịch sử dân tộc thì trường hợp lên ngôi của vua Lê Đại Hành thật đặc biệt, nhận được nhiều lời khen chê của hậu nhân. Bên cạnh đó, ngai vàng còn giống như một thử thách to lớn: chống đỡ cuộc tấn công của quân Tống hùng mạnh muốn giành lấy mảnh đất Giao Châu.

Đầu năm 981, quân Tống tiến sang Đại Cồ Việt. Về quá trình điều quân của quân Tống và việc kháng cự của nước ta trong giai đoạn này, thì có rất nhiều nguồn sử liệu có mâu thuẫn với nhau, có nguồn nói quân Tống tiến qua Lạng Sơn, có nguồn lại mô tả tiến men theo vùng ven biển, sự tham gia của các cánh viện binh cũng có sự chênh lệch không thống nhất. Căn cứ so sánh Việt sử và Tống sử, căn cứ vào sự xuất hiện của thủy quân Tống trong trận đánh sông Lục Đầu, dưới đây chỉ xin mạn phép được đưa ra một kịch bản phù hợp với mô tả của lịch sử.

Lê Đại Hành
Có nguồn mô tả cuộc tiến công rất chung chung, thậm chí mâu thuẫn về phía thắng trận trên sông Bạch Đằng. Đơn cử như trong bản đồ này, thì hướng tiến công trận ở Tây Kết của quân Tống là không rõ ràng. Ngoài ra theo mô tả tại bản đồ này thì quân thủy bộ của Tống chưa hề xuất hiện cùng lúc mãi cho đến trận ở Tây Kết. Tuy nhiên trận Bình Lỗ đã có bóng dáng thủy quân Tống rồi. Sông Lục Đầu là đoạn hợp nhau của các con sông trên bản đồ, có 6 hướng như 6 cái đầu. (Tranh: Ctmt, Wikipedia, Public Domain)

Nhà Tống chủ trương chỉ huy động quân số trong các vùng Ung Quảng và Kinh Hồ, nhưng chia ra hai đợt. Đợt đầu điều quân ở vùng Ung Quảng, dự định đến khoảng cuối thu năm Canh Thìn (980) có thể cho tiến vào đất Giao Châu. Đợt sau điều quân ở vùng Kinh Hồ sang tiếp viện, do Phó chỉ huy Giao Châu hành doanh là Hứa Trọng Tuyên cùng bên thuỷ là tướng Lưu Trừng và bên bộ là Trân Khâm Tộ nhận quân trực tiếp chỉ huy.

Ở đợt điều quân đầu tiên của nhà Tống, Hầu Nhân Bảo chỉ huy thủy quân tiến vào cửa Bạch Đằng. Trong trận Bạch Đằng đầu tiên này, quân Đại Cồ Việt đã thất bại, không những không ngăn được quân Tống mà còn bị thương vong nhiều. Quân Tống lấy được 200 thuyền, tiêu diệt hơn 1.000 quân lính Đại Cồ Việt. Lê Đại Hành phải rút về vùng Xạ Sơn (huyện Kinh Môn), An Lạc (huyện Chí Linh, Hải Dương) củng cố lại thế trận, đồng thời gửi thư trá hàng.

Trong khi đó, sau khi trận Bạch Đằng xảy ra, Tôn Toàn Hưng mới chỉ huy lục quân tới Hoa Bộ. Tại Hoa Bộ, lục quân Tống đã gặp và giao tranh với quân Đại Cồ Việt. Tục tư trị thông giám trường biên của Lý Đào chép rằng quân Tống đã đánh bại “hơn vạn quân Giao Chỉ, chém được 2.345 đầu giặc”.

Trận chiến sông Lục Đầu: Lúc gian nan bỗng vẳng tiếng “Nam quốc sơn hà”

Tháng 2/981, Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng chỉ huy quân thủy bộ tiến theo sông Kinh Thầy đến sông Lục Đầu.

Nhận được tin báo quân Tống di chuyển đến sống Lục Đầu, vua Lê Đại Hành đích thân chỉ huy ba quân trấn giữ con sông này. Tuyến phòng thủ được xây dựng từ sông Đại La đến sông Lục Đầu nhằm ngăn quân Tống vào thành Đại La. Tại sông Lục Đầu, quân Việt xây dựng được căn cứ Phù Lan với nhiều bãi cọc để ngăn thuyền quân Tống.

Quân Tống đến sông Lục Đầu, các thuyền chở quân Tống đổ bộ lên bờ lập trại rồi tiến đánh quân Việt. Hai bên giao trận rất ác liệt, quân Tống cố chọc thủng phòng tuyến quân Việt nhằm tiến đến thành Đại La nhưng chưa được.

Theo sách Lĩnh Nam chích quái thì giữa lúc cuộc chiến ác liệt nhất, thì vua Lê Đại Hành mộng thấy hai thần nhân ở trên sông vái mà nói rằng họ là Trương Hống, Trương Hát xưa theo Triệu Việt Vương; nay xin cùng nhà vua đánh giặc để cứu sinh linh. Vua Lê Đại Hành tỉnh dậy liền đốt hương khấn cầu thần giúp. Đêm ấy thấy một người dẫn đoàn âm binh áo trắng và một người dẫn đoàn âm binh áo đỏ từ phía Bắc sông Như Nguyệt mà lại cùng xông vào trại quân Tống mà đánh. Quân Tống kinh hoàng, thần nhân tàng hình trên không, lớn tiếng ngâm rằng:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư
Như hà Bắc Lỗ lai xâm lược
Bạch nhận phiên thành phá trúc dư.

Lời thờ văng vẳng rõ ràng khẳng định chủ quyền dân tộc, khích lệ quân sĩ, giúp quân Đại Cồ Việt được tiếp thêm sức mạnh đánh quân Tống đại bại phải tháo chạy.

Sau này bài thơ Nam quốc sơn hà còn xuất hiện cuộc chiến Tống – Việt lần thứ hai (Xem bài: Không phải của Lý Thường Kiệt, bài thơ Nam quốc sơn hà có từ bao giờ?), lần này có hơi khác một chút:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phân định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Không sao chiếm được Lục Đầu, quân Tống bị thiệt hại nặng nề về người và thuyền nên phải rút về các vùng xung quanh sông Bạch Đằng chờ thêm quân tiếp viện. Sông Lục Đầu vì thế còn gọi là sông Đồ Lỗ (“đồ” nghĩa là giết, “lỗ” là chỉ quân Tống).

Sau trận Đồ Lỗ, tinh thần quân Tống sa sút, tướng Tôn Toàn Hưng cho quân về Hoa Bộ để chờ viện binh trong đợt điều quân lần thứ hai của nhà Tống, bất chấp sự thúc giục của Hầu Nhân Bảo.

Trận Bình Lỗ: Chủ tướng Hầu Nhân Bảo tử trận

Mãi đến tháng 4/981, thủy quân tăng viện của Lưu Trừng mới đến sát cánh với quân của Hầu Nhân Bảo, quân Tống lại có thêm lục quân tăng viện của Trần Khâm Tộ, nên mạnh lên nhiều. Quân của Trần Khâm Tộ đã chọc thủng phòng tuyến của quân Đại Cồ Việt, đến thẳng Tây Kết (bên sông Hồng, thuộc địa phận huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên ngày nay).

Lúc này quân Tống muốn chiếm thành Đại La phải qua Bình Lỗ (gần sông Cà Lồ). Trong cuốn “Thiền Uyển Tập Anh” có ghi chép rằng vua Lê Đại Hành đã cử thiền sư Khuông Việt đến Bình Lỗ để chuẩn bị một trận địa mai phục đánh Tống.

Trong trận này, vua Lê Đại Hành đã dùng kế sách trá hàng để dụ quân Tống. Cuốn Đại Việt Sử lược mô tả:

“Vua tự làm tướng đem quân ra chống cự. Vua cho cắm cọc cứng dưới sông.Quân Tống rút về giữ mặt Ninh Giang. Vua sai người sang trá hàng để dụ Hầu Nhân Bảo. Quân Tống thua trận, Hầu Nhân Bảo bị bắt và bị chém. Bọn Trần Khâm Tộ nghe tin thất trận phải rút lui.”

Về việc vua Lê Đại Hành trá hàng rồi bắt và chém được Hầu Nhân Bào, nhà nghiên cứu Trần Bá Chí dẫn các nguồn từ sử Trung Quốc và Việt Nam cho rằng: Lê Đại Hành đã gửi thư trá hàng rồi lập đài tuyên thệ. Hầu Nhân Bảo tưởng thật liền cho thuyền đến, thì bất ngờ bị thủy quân Đại Cồ Việt đổ ra chia cắt khỏi quân bảo vệ, rồi quân tinh nhuệ của Đại Cồ Việt xông vào giết chết.

Tống sử cũng ghi chép rằng: “Lê Hoàn giả vờ xin hàng, mà Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng cứ tưởng là thật…”

Sách Thiền Uyển Tập Anh còn mô tả rằng: “Quân giặc kinh hãi, rút về giữ sông Hữu Ninh, lại thấy sóng gió nổi lên, giao long nhảy nhót, giặc bèn tan vỡ.”

Trần Hưng Đạo lúc sắp mất cũng nhắc đến tầm quan trọng của thành Bình Lỗ: “Đời nhà Đinh, nhà Tiền Lê dùng người tài giỏi, đất phương Nam mới mạnh mà phương Bắc thì mệt mỏi suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống…”

Nghe tin Hầu Nhân Bảo bị giết, Tôn Toàn Hưng hoảng hốt dẫn quân bỏ chạy, cánh quân Trần Khâm Tộ ở Tây Kết cũng lo sợ rút lui. Vua Lê Đại Hành nhận đuộc tin báo liền cho quân truy kích tiêu diệt quá nửa.

Các tướng lĩnh nhà Tống thua trận chạy về nước đều bị trị tội, “Tục tư trị thông giám trường biên” của Lý Đào có ghi chép rằng Lưu Trừng và Giả Thực đều bị giết bêu đầu ở chợ Ung Châu, Tôn Toàn Hưng bị giam rồi bị khép vào tội chết, các tướng khác đều bị giáng chức.

(Còn nữa)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: