Nếu thời gian có thể quay ngược, tôi nghĩ bà Aung San Suu Kyi nhất định nguyện ý trở lại ngày 10/12/1991 – ngày mà hai người con trai của bà đại diện bà đứng trên bục trao giải thưởng Nobel Hòa bình. 30 năm sau, khi một lần nữa bà lại bị chính phủ quân đội phát động đảo chính và giam lỏng, bà đã không còn vòng hào quang năm xưa. Thế giới đã từng hoan hô cổ vũ cho bà, nhưng hiện nay lại là sự lặng im.

Aung San Suu Kyi
Bà Aung San Suu Kyi tại một cuộc họp báo ở Berlin, tháng 4/2014. (Ảnh: 360b/Shutterstock)

Bà Suu Kyi thời điểm đó là lãnh tụ phe đối lập và đang bị chính phủ quân đội giam lỏng, trên quốc tế cũng đã trở thành chiến binh dân chủ bất tuân dân sự phi bạo lực nổi tiếng nhất sau ông Gandhi (ở Ấn Độ) và ông Mandela (Nam Phi). Cộng đồng quốc tế liên tiếp trao cho bà các vinh dự, với số lượng đạt đến mức cao nhất, hàng mấy chục quốc gia và trường đại học trao tặng cho bà danh hiệu công dân danh dự, tiến sĩ danh dự, khiến bà trở thành biểu tượng chói sáng trong lịch sử cận hiện đại ở vùng đất thuộc địa của Anh Quốc này – Myanmar.

Ông Aung San – bố của bà Suu Kyi, là người cha của phong trào độc lập Myanmar, là thủ tướng nhiệm kỳ cuối cùng của thuộc địa Anh, bố của bà lãnh đạo toàn bộ quá trình Myanmar độc lập, nên được người Myanmar gọi một cách tôn trọng là người cha lập quốc. Tuy nhiên, rất đáng tiếc, trước khi Myanmar độc lập, ông đã bị đối thủ chính trị ám sát. Do dưới tay ông Aung San có rất nhiều lực lượng vũ trang, sau khi độc lập như rắn mất đầu, cả một quốc gia thiếu một nhân vật có sức hiệu triệu, mâu thuẫn giữa quân đội và các nhóm quan văn thống trị ngày càng sâu sắc. Điều này đã trở thành duyên cớ khiến quân đội can dự chính trị trong nhiều thập kỷ tại Myanmar.

Năm 1962, quân đội Myanmar phát động đảo chính, thủ lĩnh quân đội Ne Win bắt đầu thống trị chính phủ quân đội dài 26 năm. 

Là người con gái của người cha lập quốc, nửa đầu cuộc đời của bà Suu Kyi cũng không được coi là quá tệ. Vì để làm suy yếu sức ảnh hưởng của gia đình bà, mẹ của bà đã bị điều chuyển đến Ấn Độ làm đại sứ, cho nên thời thiếu niên của bà là sinh sống tại Ấn Độ. Do có liên quan sâu xa đến Anh Quốc, và sau đó lại thuận lợi đến Anh Quốc học hành chuyên sâu, bà học tại Đại học Oxford, sau đó lại cầm được tấm bằng tiến sĩ của Đại học London. Trong thời gian ở Anh Quốc, năm 1972, bà kết hôn với người Anh tên là Michael Vaillancourt Aris, và sinh được 2 người con trai. Ngoại trừ bà, cả gia đình bà đều mang quốc tịch Anh.

Tháng 3/1988, mẹ của bà Suu Kyi lâm bệnh nặng, cuối cùng bà trở về Myanmar. Lúc này đang đúng thời điểm nội bộ quân đội Myanmar chia rẽ, ông Ne Win bị đuổi hạ đài, chính quyền quân đội mới đàn áp tàn bạo thế lực phản đối, cục diện toàn quốc trở nên hỗn loạn. 

Là con gái của người cha lập quốc, bà Suu Kyi có thể nói là một bảng hiệu tự nhiên. Dù trước đó bà không có kinh nghiệm chính trị, lại không ở trong nước thời gian dài, nhưng vẫn được các nhóm phản đối để mắt tới, mời bà ra mặt tập hợp lực lượng các nơi để đối kháng với chính phủ quân đội. Tháng 8/1988, lần đầu tiên bà Suu Kyi lộ diện, bà đã thể hiện lực hiệu triệu lớn mạnh, có đến hàng triệu người dân tập trung ủng hộ bà. Là một người không am hiểu về chính trị, nhưng lần đầu tiên bà Suu Kyi đề xuất lý tưởng cải cách cần đi con đường phi bạo lực và hòa bình. 

Trong sự ủng hộ cuồng nhiệt của quần chúng, bà Suu Kyi đã từ bỏ giấc mơ làm tác gia của mình, từ đó quyết tâm bước vào con đường chính trị. Sau đó, bà đã thành lập Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ, nhanh chóng trở thành đảng đối lập lớn nhất Myanmar. Danh tiếng của bà cũng khiến cho chính phủ quân đội Myanmar vô cùng sợ hãi. Tháng 7/1989, chính phủ quân đội lấy lý do kích động bạo loạn và tiến hành giam lỏng bà, từ đó bà bắt đầu cuộc sống bị giam lỏng thời gian dài

Các nhân tố như bối cảnh giáo dục phương tây, chủ trương thúc đẩy dân chủ, đường lối hòa bình bất tuân dân sự phi bạo lực, v.v, đã khiến bà nhanh chóng nhận được sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế, trở thành nhân vật đấu tranh sánh ngang với Nelson Mandela.

Trong thời gian bà bị giam lỏng, để biểu thị sự ủng hộ bà, cộng đồng quốc tế đã liên tục thực thi chế tài mọi mặt đối với chính phủ quân đội Myanmar, liên tiếp có nhiều tiếng nói yêu cầu thả bà Suu Kyi. Thời điểm đó, bà Suu Kyi có thể nói là đã trở thành đại diện tích cực của của Myanmar trên trường quốc tế. Đạo diễn nổi tiếng nước Pháp Luc Besson còn đặc biệt dùng nguyên hình mẫu của bà để sản xuất bộ phim điện ảnh cùng tên “Aung San Suu Kyi” do Dương Tử Quỳnh đóng vai chính, bộ phim đã khiến bao nhiêu người rơi nước mắt. 

Tháng 11/2010, Chính phủ Myanmar dưới áp lực của quốc tế, cuối cùng đã thả bà Suu Kyi và đồng ý cho bà tranh cử. Tháng 3/2012, bà Suu Kyi được chính quyền đương nhiệm phê chuẩn phát biểu trên truyền hình có chủ đề “Tự do khỏi nỗi khiếp sợ”, bài phát biểu này đã vén lên bức màn nổi dậy chính trị. Sau đó đảng đối lập do bà lãnh đạo đã giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử lần đầu tiên công khai đối với truyền thông quốc tế, và trở thành nghị viên quốc hội. Năm 2015, chính đảng của bà lại tiến thêm một bước, đánh bại đảng chấp chính khi đó, lần đầu tiên tổ chức nội các của chính đảng của mình. 

Khi bắt đầu leo lên đỉnh cao quyền lực, trong ánh mắt trông đợi của toàn thế giới, bà lại bắt đầu biến đổi khiến người trố mắt nhìn một cách kinh ngạc. 

Năm 2008, Myanmar thông qua hiến pháp, quy định rõ bản thân ứng cử viên tổng thống và người nhà không thể mang quốc tịch nước ngoài. Điều luật này mặc dù có vẻ như đặc biệt nhắm vào bà Suu Kyi – bởi vì chồng, con trai của bà đều là người Anh. Nhưng từ góc độ lợi ích quốc gia mà nói, hạn chế này cũng không thể nói là hoàn toàn vô lý, bởi đại đa số các quốc gia khác cũng đều có quy định thế này. Để một người mà toàn bộ gia đình đều là quốc tịch nước ngoài, thực tế đều sinh sống ở nước ngoài tham gia tranh cử, dù nói thế nào thì cũng không hợp lý. 

Sau khi đảng chấp chính của bà Suu Kyi thắng trong cuộc tổng tuyển cử, bà đã kiêm chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Các vấn đề tổng thống, nhưng dù sao vẫn còn khoảng cách để với tới chức tổng thống. Để vòng qua điều luật này, bà đã nghĩ ra cách mới, đó là thiết lập một chức vị “Cố vấn Nhà nước” phù hợp với chính bản thân mình. Danh từ quen thuộc này bắt nguồn từ ông Lý Quang Diệu ở Singgapore. Năm 2004, mặc dù thân của ông Lý Quang Diệu đã rút lui nhưng tâm ông vẫn không lui, nên ông đã đặc biệt thiết lập một chức vị mà bề mặt có vẻ là nhàn hạ, nhưng thực chất là chức vị “thái thượng hoàng”, về bản chất là để chuyển giao thuận lợi, để cho người con trai có sự từng trải còn nông cạn là Lý Hiển Long kế nhiệm. 

Bà Suu Kyi làm “Cố vấn Nhà nước” cũng hoàn toàn y hệt như thế, để tiện cho việc nắm giữ đại cục, bà ta đã đưa thân tín của mình lên giữ chức vị tổng thống để làm đại diện cho mình. Hoàn toàn giống như thủ pháp ông Putin đưa ông Medvedev ra làm tổng thống và bản thân buông rèm chấp chính. Hơn nữa, bà cũng không hề né tránh ý đồ của bản thân, công khai gọi bản thân là lãnh tụ thực quyền trên tổng thống. 

Nếu nói mánh khóe trên quyền lực chỉ là khiến người ta thấy hơi thất vọng, vậy thì cuộc khủng hoảng người Rohingya sau này và cuộc đàn áp phóng viên của bà Suu Kyi mới khiến cho người ta phải trố mắt. 

Người Rohingya là nhóm người theo đạo Hồi ở Myanmar. Năm xưa, chính phủ thực dân Anh vì để phát triển Myanmar nên đã để họ di dân từ Bangladesh ở ngay bên cạnh đến. Sau khi độc lập, Chính phủ Myanmar coi họ là di dân phi pháp, vẫn luôn không thừa nhận địa vị công dân của người Rohingya. Cộng với tín ngưỡng chính của Myanmar là Phật giáo, nên sự xung đột về tín ngưỡng dẫn đến mâu thuẫn dân tộc ngày càng gay gắt. Từ năm 2010, xung đột đẫm máu liên tiếp xảy ra giữa người Rohingya và Chính phủ Myanmar, cuối cùng diễn biến thành đàn áp quy mô lớn. Người Rohingya tử thương trầm trọng, dẫn đến khủng hoảng người tị nạn. Sau khi Liên Hiệp Quốc điều tra, đã công khai lên án bà Suu Kyi không thể ngăn cản hành động bạo lực, cáo buộc bà không vận dụng chức quyền và uy tín đạo đức của mình để ngăn chặn phát tán những ngôn luận thù hận trong nước, để mặc cho quân đội làm càn, cho nên bà phải chịu một phần trách nhiệm. Đối mặt với chỉ trích của Liên Hiệp Quốc, bà Suu Kyi lựa chọn đứng về phía quân đội. Về việc này, năm 2019, bà còn dẫn đầu đoàn luật sư đến tòa án quốc tế tại Hà Lan, đích thân biện hộ cho các cáo buộc liên quan, nhưng lại hời hợt sơ sài, khiến cộng đồng quốc tế một phen xôn xao. 

Điều khiến người ta kinh ngạc hơn là, năm 2018, có 2 phóng viên Myanmar được Reuters thuê, do báo cáo về việc thảm sát của chính phủ quân đội, kết quả bị kết án 7 năm tù với tội danh vi phạm “Luật viễn thông” – điều luật này ở Myanmar tương tự như “gây gổ và gây rối”. Năm 2017, ngay cả bà Suu Kyi cũng nói cần phải sửa đổi điều luật này. Nhưng kết quả bà vẫn kết án nặng 2 phóng viên. Trong cùng năm, một bình luận viên chính trị của tờ “Ánh Sáng Mới Hoàn Cầu Myanmar” do liên tiếp chỉ trích bà Suu Kyi nên đã bị cơ quan tư pháp Myanmar kết án 7 năm tù với tội danh “chia rẽ”. Tòa án Myanmar cho rằng ngôn luận chỉ trích này “dẫn đến mọi người có suy nghĩ không đúng thực tế về và Suu Kyi”. 

Điều này cùng với điều mà ‘Nữ thần dân chủ’ từng công khai rao giảng “Tự do khỏi nỗi khiếp sợ” trên truyền hình cách đây mấy năm, chủ nhân của giải Nobel phát biểu tại Oslo (Na Uy) rằng “Giải Nobel khiến cộng đồng quốc tế ý thức được sự theo đuổi dân chủ và nhân quyền của Myanmar, chúng tôi sẽ không bị thế giới lãng quên”, dường như hoàn toàn trái ngược.

Lý tưởng mà bà từng vì nó mà chiến đấu hết mình, đã hoàn toàn biến mất sau khi bà cầm quyền. 

Hàng loạt những hành động này, khiến cho cộng đồng quốc tế kinh ngạc vô cùng, cũng dẫn đến sự phẫn nộ thu hồi lại hàng loạt vinh dự dành cho bà. Mấy chục quốc gia và tổ chức quốc tế liên tục rút lại các vinh dự đã trao cho bà như Giải Tự do Oxford, Giải Tự do Berlin, công dân danh dự Canada, Giải thưởng Đại sứ Lương tâm của Tổ chức Ân xá Quốc tế. Chỉ trong một đêm, lâu đài danh vọng cao quý mà bà Suu Kyi phải mất đi tự do để đổi lấy, đã sụp đổ chỉ còn lại mấy viên gạch nát. 

Ngày 1/2/2021, khi chính phủ quân đội quay trở lại, phát động mô thức đảo chính quen thuộc, bà Suu Kyi lại một lần nữa quay trở lại điểm xuất phát. Mặc dù cộng đồng quốc tế vẫn chỉ trích, nhưng đối với cá nhân bà thì lại là sự ủng hộ hiếm thấy. 

Từ xưa đến nay đều có rất nhiều ví dụ về quyền lực ăn mòn nhân tâm. Những lãnh tụ tinh thần hoặc thần tượng đạo đức có vẻ rất có khiếu thẩm mỹ về chính trị kia, dù cho vẻ ngoài có hào nhoáng bao nhiêu, cũng không thể thoát khỏi quy luật tự nhiên của nhân tính nếu không có những ràng buộc về thể chế. Thậm chí có thể còn hơn cả những mặt tối mà năm xưa họ công kích. 

Trong hoàng hôn của một thần tượng, điều lưu lại chỉ là tiếng thở dài não nề. 

Man Tank
(Bài viết thể hiện lập trường và quan điểm của cá nhân tác giả, bài gốc tại đây)

Xem thêm: