Lá phiếu Mỹ, món hàng Việt
‘Khinh miệt, nghi ngờ hay tẩy chay nhau chỉ vì chọn lựa khác nhau là một thái độ phi dân chủ. Và thái độ ấy, khi vẫn chưa thực sự có quyền chọn lựa, là một trong những trở ngại lớn nhất cho tiến trình dân chủ.’
Khoảng 24 giờ nữa cả thế giới sẽ biết dân Mỹ chọn bà hay ông làm tổng thống thứ 45.
Bỏ phiếu thế nào là một quyết định cá nhân, một sự chọn lựa không hoàn toàn tùy thuộc vào lý trí, có thể không dựa vào lý trí. Tại sao một tay như Donald Trump lại có thể là đối thủ của Clinton vào lúc này? Tại sao hàng chục triệu người, hơn 40% cử tri Mỹ, trong đó có nhiều trí thức từ mọi ngành nghề cũng như rất nhiều người Việt ở Mỹ sẽ bỏ phiếu cho Trump là một câu hỏi không có câu trả lời đơn giản. Không thể miệt thị tất cả những người bầu cho Trump là thiếu trí tuệ hay kém đạo đức. Tôi đã bầu cho Clinton nhưng cũng thông cảm với những người không thèm bầu, hoặc bầu cho một ứng cử viên thứ ba vô hy vọng, hay nghiến răng bịt mũi bầu cho Trump. Họ không theo Trump, họ chống Clinton, biểu tượng của những gì họ chán ghét trong chính trị Mỹ.
Cựu ngoại trưởng Colin Powell, qua tiết lộ chưa được xác nhận của Wikileaks, đã có cùng suy nghĩ với nhiều người. Ông không muốn bầu cho Clinton vì theo ông thì bà có nhiều tham vọng và tham lam, sẽ không có thay đổi đáng kể nào, và bà đụng vào việc gì thì rách việc đấy. Thế nhưng Powell, cũng như nhiều người, trong đó có tôi, vẫn quyết định bỏ phiếu cho Hillary Clinton. Môt sự chọn lựa giữa cái tệ và tệ hơn theo cảm xúc của mình.
Nhiều người khác bầu cho Trump cũng vì sự chọn lựa giữa cái tệ và tệ hơn theo cảm xúc của họ. Tờ Wall Street Journal đã có một số bài với quan điểm này. WSJ là một tờ báo hữu khuynh, cũng như tờ NYT thường thiên tả, nhưng cả hai vẫn là tiếng nói trí thức có trọng lượng, không phải là đất dụng võ của những người mà nhận thức chính trị chỉ hoàn toàn giới hạn trong khả năng đọc thơ và làm thơ bằng cả văn vần lẫn văn xuôi.
Suy luận đến tận cùng, trí thức Mỹ chọn lựa khác nhau, với cùng những thông tin và dữ kiện thực tế như nhau, vì họ cân nhắc những giá trị chủ quan khác nhau. Thoá mạ và lập đi lập lại những khuyết điểm lớn của ứng cử viên (cũng như sự thối nát đã hiển nhiên đến nhàm của chính quyền độc tài) là một việc làm vô dụng nếu muốn thay đổi cách nhìn của những người có tư duy độc lập (thường bị mắng là thiếu nhận thức hay bị nhồi sọ). Chủ quan được hình thành bởi kiến thức, kinh nghiệm, giáo dục… qua một thời gian dài. Thay đổi chủ quan là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự đối thoại cỡi mở và cái nhìn… khách quan về con người.
Vì thế mà khó có thể “lý luận” để thuyết phục ai vào giờ phút cuối. Tôi đã bỏ đi một đoạn khá dài giải thích sự chọn lựa của mình. Theo tôi, điều quan trọng hơn, đáng nói hơn, có giá trị hơn khi nghĩ về thực trạng chính trị Việt Nam nhân cuộc bầu cử tổng thống Mỹ này là nhận thức và chấp nhận rằng sự chọn lựa chính trị của những người cùng “có tâm và có tầm” vẫn có thể không đồng nhất. Khinh miệt, nghi ngờ hay tẩy chay nhau chỉ vì chọn lựa khác nhau là một thái độ phi dân chủ. Và thái độ ấy, khi vẫn chưa thực sự có quyền chọn lựa, là một trong những trở ngại lớn nhất cho tiến trình dân chủ.
Mỗi người dân một lá phiếu. Cứ tùy vào tâm tư, suy nghĩ, tùy vào những nhu cầu tinh thần cũng như vật chất mà bỏ phiếu quyết định riêng và cùng chấp nhận quyết định chung. Không thể đặt điều kiện “trí tuệ” và “đạo đức” trước khi chấp nhận quyết định dân chủ.
Lựa chọn đúng hay sai trong chính trị thường tùy vào góc nhìn hay nhu cầu riêng của mỗi người. Đứa trẻ Việt nào cũng học bài ca ngợi Trần Bình Trọng. Xưa nay có lẽ không một ai dám chê ông kém trí khi thét vào mặt Thoát Hoan để chọn ngay cái chết. Nếu ông chọn kế hoãn binh, sống để có cơ hội chiến đấu tiếp, thì chắc hẳn cũng không ai dám chê ông hèn. Tấm gương bất khuất là bài học đơn giản cho trẻ em. Bài học về con người, cảm xúc trong chọn lựa cá nhân, và quyết định của xã hội… đòi hỏi đầu óc của người đã trưởng thành. Định nghĩa theo luật pháp Mỹ thì đấy là những người trên 18 tuổi. Thực tế thì ở đâu cũng không hiếm những bé thơ cao tuổi.
Chọn lựa thế nào tùy thuộc vào chủ quan, nhưng phương pháp để đi đến một quyết định chung từ những chọn lựa riêng là một “chân lý khách quan”, ít ra là với người Mỹ. Tuyệt đại đa số dân Mỹ (có thể ngoại trừ I-am-alone Trump) đều tin vào “chân lý” dân chủ này.
Tuy nguồn gốc phức tạp, và dĩ nhiên không phải là độc quyền riêng của Mỹ, nhưng nếu cho rằng dân chủ là món hàng “made in USA” thì chắc cũng tạm được chấp nhận. Và cũng như nhiều món hàng hiệu USA, món hàng dân chủ khá thời thượng, văn minh và lại rất đắt tiền nếu là hàng thật. Nhiều người phải trả đến cái giá mất tự do cá nhân mà vẫn chưa có được dân chủ thật.
Món hàng quý, được nhiều người ưa chuộng nào cũng tạo ra một công nghiệp chế hàng nhái để bán trong những cửa tiệm hoành tráng, lóng la lóng lánh. Thường khi chính người bán vẫn còn nhầm lẫn. Làm thế nào biết được ai bán hàng gì, thật giả thế nào?
Người bán hàng thật luôn để khách sờ mó vặn vẹo, chất vấn cách sử dụng. Họ vui mừng khi có khách hàng đa nghi, so sánh dìm hàng, vì đó là cơ hội để quảng cáo hàng thật thêm rõ ràng. Gặp khách sành điệu, đặt câu hỏi khó trả lời, họ điện về nhà máy, tham vấn ban kỹ thuật để trả lời khách hàng và tự nâng kiến thức. Họ thật sự tin tưởng vào món hàng dân chủ.
Người bán hàng giả luôn sợ tiệm mất danh, sợ hàng đứt chỉ. Họ không cho khách vặn vẹo. Họ sẳn sàng tỏ thái độ khinh thị tầm hiểu biết của khách hàng. Gặp khách hỏi khó, có thái độ bất mãn hay khen hàng khác, tiệm khác là họ cấm cửa, unfriend, block ngay.
Không như những kẻ buôn các loại hàng nhái khác, đại đa số người buôn dân chủ giả hoàn toàn không có ý gian trá. Họ chỉ vì vướng mắc với văn hóa Khổng Mạnh và tư duy giáo điều mà không phân biệt được thật giả, không thể chấp nhận người khác nghi ngờ hay chống đối chủ quan của họ. Họ cũng như những thầy đồ hay giáo sĩ tụ họp các môn đệ có cùng chủ quan về “đạo đức”, “công lý”, “lẽ phải” vân vân. Họ ủng hộ hay hô hào cải cách dân chủ nhưng không nhìn thấy rằng chấp nhận và tạo điều kiện để đối thoại, tranh luận tự do với người không cùng chính kiến là viên đá đầu tiên của một nền dân chủ vững vàng. (Nếu họ là những người đang buôn “dân chủ xã hội chủ nghĩa” thì họ sẽ tống giam hay trấn áp những ai dám làm người khác nghi ngờ món hàng này; họ không khác gì các vua quan thời phong kiến.)
Trước hết, trên hết là phải có tự do ngôn luận. Một xã hội có lương tâm không thể có tù nhân lương tâm.
Từ khóa Hillary Clinton bầu cử tổng thống Mỹ Donald Trump bầu cử tổng thống