bao-lu-mien-trung

Sáng nay, đi taxi ở Nha Trang, nhìn thấy một anh chàng chở một bình ga màu hồng loại lớn, chiều cao có lẽ hơn 1 mét. Bình ga đặt nằm ngang, thẳng trên yên xe, chỗ của người ngồi sau, không ràng cột gì. Sợi dây thun ràng đồ cuốn vòng vòng trên ba-ga sau.

Hình như để tỏ ra mình chạy xe rất tài, anh ấy lượn ra lượn vô, lách qua xe gắn máy và xe tải. Anh chàng lái taxi phải đi chậm lại, đằng sau, cách xa anh ấy một khoảng. Được khoảng 1 km thì anh ta quẹo. Lúc đó xe taxi mới vượt lên. May mà không có chuyện gì xảy ra.

Suốt dọc đường, tôi cứ suy nghĩ mãi. Tại sao mình không hành động kiên quyết, yêu cầu anh ấy ràng cột cái bình ga đàng hoàng chẳng hạn. Nếu không may cái bình ga kia bị rớt xuống đường, bao nhiêu người đi đường sẽ bị tai nạn? Đấy là chưa kể, nếu vì rớt xuống mà cái bình ga đó nổ, thì hậu quả sẽ như thế nào? Nếu hôm nay chuyện đó xảy ra, tôi sẽ phải ân hận thế nào khi mình không có hành động ngăn cản nó.

Nhưng nếu tôi ngăn cản chuyện đấy thì sao nhỉ? Thực ra thì tôi có yêu cầu anh lái taxi chạy vượt lên. Khi xe vừa vượt lên ngang với chiếc xe đó, và tôi định bấm cửa xuống để nói với anh chàng kia thì anh ấy tăng ga vọt lên, cắt ngang đầu xe của tôi rồi chạy lên trước mặt chiếc xe taxi mà tôi đang đi, và cứ thế mà biểu diễn tài nghệ của mình. Chưa hết, anh ấy còn thò tay ra sau, xốc cái bình ga. Cứ mỗi lần như vậy, xe lại loạng choạng. Anh tài xế taxi sợ quá, cho xe chạy chậm lại để cách xa anh chàng kia. Tôi cũng nhận thấy đó là giải pháp hợp lí nhất lúc ấy nên không nói gì.

Giả sử như tôi có thể nói với anh ấy một câu, rằng anh ấy cần dừng lại, cột chặt cái bình ga, thì chuyện gì sẽ xảy ra? Trường hợp tốt nhất, anh ấy nghe lời tôi, dừng xe lại, cột chặt bình ga. Một vài người tán đồng với hành động của tôi. Nhưng một nhà phân tích nào đó sẽ nói, tôi gián tiếp cổ vũ cho việc vi phạm pháp luật của anh ấy. Hình như là có qui định rất cụ thể chở bình ga phải như thế nào, chứ ngay cả việc đặt ngang sau xe gắn máy và cột chặt cũng không đúng với qui định.

Nhưng nếu anh ta không nghe, sừng sộ lên với tôi, chửi tôi, thậm chí cho bình ga quẹt vào xe taxi, tôi có phải đền cho hãng taxi hay không? Xấu hơn nữa, có ai đó quay phim, chụp hình đưa lên mạng, tôi sẽ biến thành kẻ hợm hĩnh, ỷ giàu hiếp nghèo, không biết thương người lao động nghèo. Xấu hơn nữa là sẽ có kẻ lấy điều đó làm lí do để vận động tẩy chay chương trình “Dĩa cơm trên tường“. Nếu vậy thì sao nhỉ?

Thực ra, đó là suy nghĩ bây giờ, khi tôi rảnh rang, ngồi chờ ở sân bay, không có việc gì bắt buộc phải làm ngay. Còn lúc đó, tôi chỉ nghĩ, mình cần làm việc gì mà mình thấy là đúng, thấy là nên làm. Tôi tin là khi đọc được những dòng này, không ít người bạn của tôi cho rằng sao mà tôi lại đa mang thế, việc của thiên hạ quàng vào mình làm gì, ôm rơm chỉ tổ rặm bụng. Tệ hơn, chắc chắn không ít người cho rằng tôi lập dị, muốn chơi nổi.

Thế đấy, muốn làm một việc tốt ở xã hội ta không phải là dễ. Văn hóa của chúng ta chưa đến lúc coi những hành động bảo vệ cộng đồng như vậy là việc tốt, việc nên làm.

Liên tưởng qua chuyện khác. Đó là chuyện ngập lụt ở Quảng Bình, Hà tĩnh mấy hôm nay. Rất nhiều người cho rằng việc xả lũ là bất khả kháng, và việc người dân ở hạ lưu bị mất tài sản, mạng sống bị đe dọa nặng nề là chuyện tất yếu, do trời định. Đồng ý là việc xả lũ là bất khả kháng, đồng ý là nếu không xả lũ thì thiệt hại sẽ còn lớn hơn. Nhưng chuyện thiệt hại của người dân do việc xả lũ có thực sự là bất khả kháng hay không?

Nếu có báo trước trực tiếp cho địa phương, người dân kịp thời sơ tán người và tài sản, thiệt hại có hạn chế được không? Đấy là chưa kể, việc duyệt cho làm hàng loạt nhà máy thủy điện khi đã có bao nhiêu cảnh báo về tác hại cho môi trường… Tuy nhiên, tôi tin rằng 99% những người đọc stt này sẽ vì nhiều lí do khác nhau, cho rằng, phải chấp nhận thiên tai, hoặc cho dù đó là nhân tai thì cũng bất khả kháng.

Và thế là chúng ta lại ôm rơm vô bụng, đi vận động đóng góp tiền cứu trợ, hoặc phồng mang trợn má tranh cãi nhau, xem đây là thiên tai hay nhân tai, hoặc nếu không làm như thế thì phải làm thế nào. Trong khi, những kẻ quyết định xây đập thủy điện vẫn ung dung tận hưởng những gì họ thu được từ sự phê duyệt của mình. Chủ các nhà máy thủy điện thì mở cờ trong bụng, rằng tài sản của họ vẫn không bị suy suyển. Họ vẫn tiếp tục nhận được những khối tiền khổng lồ từ việc bán điện cho EVN.

Như trên đã nói, văn hóa của chúng ta chưa đến lúc coi những hành động bảo vệ cộng đồng là việc tốt, việc nên làm. Cho nên, sẽ có rất nhiều người coi cái stt này là thứ vớ vẩn, nếu như họ không qui chụp cho tôi là kích động dư luận.