Nếu bạn luôn muốn làm kẻ thắng, thì ắt phải có người thua, gia đình bạn chắc chắn sẽ trở thành một bãi chiến trường. Người xưa dạy “gia hòa vạn sự hưng”, một gia đình muốn hưng thịnh nhất định phải có sự khiêm nhường. Người ta luôn hỏi nhau làm sao để gia đình hòa thuận, an vui? Bí quyết chính là ở chỗ này.

gia đình hòa thuận
(Ảnh: imtmphoto/ Shutterstock)

Một gia đình nọ thường xuyên gây gổ, bất hòa, nhìn thấy gia đình nhà bên cạnh rất hòa thuận, vô cùng ngưỡng mộ. Vì vậy, họ bèn tới xin lời khuyên: “Gia đình chúng tôi ngày nào cũng cãi nhau, gia đình anh thì ngược lại, sống thật hạnh phúc, trước giờ tôi chưa tưng thấy người nhà anh cãi nhau bao giờ. Anh có thể chia sẻ cho tôi bí quyết không?”

Người hàng xóm mỉm cười đáp: “Thật ra không có gì đặc biệt cả. Nếu anh muốn biết thì tôi sẽ nói cho anh biết. Đơn giản là vì nhà của anh toàn là người tốt, còn nhà tôi ư, thì toàn là người xấu!

Trong nhà anh mọi người đều cho rằng mình là người tốt, làm sai rồi thì cứ đổ lỗi cho người khác, nên dễ xảy ra tranh cãi. Còn gia đình chúng tôi thì khác, làm sai rồi đều là do tôi, bạn không có sai, lỗi là do tôi cả, đơn giản như vậy.”

Con người không nên sợ làm sai, bởi vì chúng ta không phải là thánh nhân, ai có thể chưa từng sai lầm? Nhưng làm sai mà biết sửa thì mới là điều đáng quý hơn tất cả.

Đáng sợ nhất là sai mà không nhận, còn đổ lỗi cho người khác, như thế không những anh em cãi vã, thậm chí mẹ con cha con đều cãi nhau.

Lấy một ví dụ, người anh trai uống hết một nửa tách trà, tiện tay đặt trên mép bàn, người em đang chơi đùa vô tình va vào bàn, làm rơi tách trà xuống đất và bị bỏng tay.

Người anh liền mắng em trai: “Sao em lại vô ý làm đổ tách trà của anh?” Người em đáp lại: “Sao anh không cho tách trà vào trong khay chứ!” Hai người họ anh một câu, em một câu, thế là bắt đầu cãi nhau, “không phải lỗi của tôi, đều là lỗi của bạn!”

Tuy nhiên, nếu người anh nhìn thấy em mình làm đổ tách trà và nói: “Em có bị bỏng không đấy? Tất cả là lỗi của anh vì đã không đặt nó đúng vị trí”. Em trai cũng nói: “Do em không cẩn thận, mới làm rơi tách trà. Xin lỗi anh, đều là lỗi của em”. Nếu ai cũng làm được thế, không phải là gia đình hòa thuận, thiên hạ thái bình rồi sao?

Cho nên nói, mọi việc đều có nhân quả. Bạn trách người khác không tốt thì họ cũng trách bạn, còn nếu bạn biết nhận lỗi về mình thì người khác sẽ bao dung bạn.

Chỉ cần bạn ôm giữ tâm thái này khi đối nhân xử thế, bạn sẽ được bình yên dù đi đến bất cứ nơi đâu.

Trong mọi tình huống, hãy tự xét bản thân, đầu tiên chúng ta nên tĩnh tâm lại, và sau đó nhận lỗi về mình. Đó chính là cách thức hiệu quả nhất khi giải quyết sự việc.

Khi xảy ra tranh chấp, con người thường không thừa nhận lỗi lầm của mình, trước tiên họ sẽ cho rằng đó là lỗi của người khác, tự bào chữa cho mình và đổ lỗi cho đối phương. Như mọi người đều biết, bản thân việc “không nhận lỗi” là một sai lầm lớn!

Vì vậy, việc nhận lỗi không những không tốn hạt cơm bát gạo, mà còn giúp bạn hóa giải mâu thuẫn.