Tỷ phú 80 tuổi David Green, CEO của chuỗi bán lẻ hàng thủ công mỹ nghệ tư nhân lớn nhất thế giới Hobby Lobby, đã gây xôn xao dư luận về quyết định từ bỏ quyền sở hữu công ty. Thay vì tiếp tục làm chủ doanh nghiệp, ông Green mong muốn trở thành “người quản lý của Chúa”.

Hobby 1 Copy
Chuỗi bán lẻ hàng thủ công mỹ nghệ tư nhân lớn nhất thế giới Hobby Lobby. (Ảnh: damann/ Shutterstock)

Ông và vợ, bà Barbara Green, đã mở cửa hàng Hobby Lobby đầu tiên ở Oklahoma, Hoa Kỳ vào năm 1970 với khoản vay 600 USD. Hobby Lobby hiện đã có hơn 900 cửa hàng trên toàn quốc, phủ khắp 47 bang, với hơn 43.000 nhân viên.

Tỷ phú Green đã chuyển 100% cổ phiếu có quyền biểu quyết của Hobby Lobby thành một quỹ ủy thác do những người được ủy thác tuần tự quản lý, để Green và vợ không còn coi mình là “chủ sở hữu”.

Trong một bài viết của Fox News, tỷ phú Green giải thích về quyết định của mình: “Tôi đã chọn Chúa.”

“Có một sự khác biệt lớn giữa việc sở hữu một công ty và điều hành một công ty. Chúng tôi muốn trở thành người quản lý của cải mà Chúa đã ban cho chúng tôi,” ông Green nói khi thảo luận về bài báo của mình trên Fox Weekend with Friends.

“Chủ doanh nghiệp có những quyền và trách nhiệm nhất định, bao gồm quyền bán doanh nghiệp và giữ lại lợi nhuận cho bản thân và gia đình họ. Khi công ty chúng tôi phát triển, ý tưởng này ngày càng khiến tôi bận tâm”, ông Green nói. 

“Tôi chịu trách nhiệm về sứ mệnh và mục đích mà mình được giao. Thật dễ dàng để tôi từ bỏ quyền sở hữu của mình khi tôi nhận ra mình chỉ là một người quản lý.”

“Chúa là chủ sở hữu thực sự của doanh nghiệp của tôi.”

Về quyết định từ bỏ quyền sở hữu công ty của mình, ông Green đã đề cập đến người sáng lập Patagonia, Yvon Chouinard và Alan Barnhart của Barnhart Crane, những người đã đưa ra quyết định tương tự khi đặt niềm tin vào đức tin và từ bỏ quyền sở hữu công ty của họ. Ông cho rằng điều đó cho phép ông duy trì sứ mệnh và mục đích của mình, “nó cho tôi một mục đích lớn hơn là chỉ kiếm tiền,” ông nói.

Trong suốt sự nghiệp 52 năm điều hành chuỗi Hobby Lobby của mình, ông Green luôn đặt sự tận tụy với đức tin lên hàng đầu, trong đó Cơ đốc giáo là cốt lõi trong các đặc tính của công ty. Từ lâu, chính sách của ông Green là đóng cửa tất cả các cửa hàng vào Chủ nhật để các cộng sự có thời gian dành cho gia đình và nhà thờ, đồng thời trả lương cho nhân viên cao hơn mức lương tối thiểu quốc gia.

Embed from Getty Images

Ông nói: “Công việc quản lý đó đã cho tôi một trách nhiệm lớn hơn. Tôi không được phép lấy lợi nhuận của công việc kinh doanh và sử dụng chúng cho bản thân mình. Tôi cũng có trách nhiệm với những nhân viên mà Chúa đã giao cho tôi phụ trách.”

Cảm thấy được Chúa ban phước cho sự thành công của chuỗi cửa hàng thủ công và nghệ thuật của mình, ông Green cũng đã đền đáp xã hội bằng cách sử dụng Hobby Lobby như một kênh để hỗ trợ các mục vụ và xây dựng các nhà thờ trên toàn thế giới. Ông khuyến khích các nhà lãnh đạo khác cân nhắc xem họ là chủ sở hữu hay người quản lý và suy nghĩ xem thành công của họ đến từ đâu.

Ông nói: “Tôi đã chứng kiến ​​nhiều doanh nghiệp có ý tưởng tuyệt vời nhất không thành công, trong khi những doanh nghiệp khác có ý tưởng đơn giản nhất lại phát triển mạnh. Tôi tin rằng Chúa là Đấng ban cho thành công và cùng với đó là trách nhiệm trở thành một nhà quản lý giỏi.”

Ở châu Âu và các nơi khác trên thế giới, có những doanh nghiệp đã tồn tại hơn 200 năm, điều đó khiến ông suy nghĩ về ý tưởng xây dựng một doanh nghiệp tồn tại 200 năm – một doanh nghiệp sẽ tiếp tục tôn vinh Chúa, tưởng thưởng cho những nhân viên làm việc có ý nghĩa và trả công, đồng thời là những người đóng góp to lớn cho niềm hy vọng và sự chữa lành trên toàn thế giới. 

Ông nói: “Trách nhiệm quản lý loại hình văn hóa đó rất mạnh mẽ. Thực sự, đó là công việc cao quý.”

Tuyết Liên

Mời xem video hay: Điều gì sẽ xảy ra nếu con người không có “đức tin”?